Trong một giai đoạn ngắn cuối thập niên 1990, Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất sở hữu một trong những biểu tượng sức mạnh quân sự của thế giới: tàu sân bay Chakri Naruebet, tên đầy đủ là “Chủ quyền vương triều Chakri”, hoàng gia đang trị vì Thái Lan.
Năm 1992, Thái Lan đặt một công ty đóng tàu ở Tây Ban Nha đóng chiếc Chakri Naruebet dài hơn 186 m.
Đóng xong năm 1997, cùng năm với cuộc khủng hoảng tài chính ập vào Thái Lan, khiến nó phải nằm yên trong quân cảng Sattahip ở Chon Buri, cách Bangkok 70 km về phía nam, vì không có tiền hoạt động, kể từ sau lễ hạ thủy ngày 10/8/1997.
Chiếc Chakri Naruebet trong ngày hạ thủy
Chakri Naruebet có thể mang 9 chiếc máy bay Sea Harrier AV-8S và 6 chiếc trực thăng SH-70B, cùng 605 người.
Theo trang Diplomat, phi đội hộ tống AV-8S Matador (Harrier) rút khỏi hoạt động hồi năm 2006, khiến Bangkok có một tàu sân bay mà không hề có chiếc máy bay nào.
Cùng năm đó, Thái Lan có cuộc đảo chính quân sự, vốn lặp lại tình hình năm 2014 và đều khiến hai anh em Thaksin-Yingluck Shinawatra mất chức thủ tướng.
Kiểu máy bay Harrier nay đã cũ những 30 năm, Thái Lan là quốc gia cuối cùng trên thế giới sử dụng kiểu Harrier thế hệ đầu.
Hiện các lực lượng quân sự châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có những tàu sân bay kích cỡ khác nhau. Không ai muốn thua, ngay cả Singapore cũng đang đóng một tàu sân bay.
Tất cả các cuộc cạnh tranh này khiến chiếc tàu sân bay, niềm tự hào một thời của Thái Lan, trông như một bản sao nhỏ của sự hỗn loạn của nước này, thay vì là một biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, theo ý đồ của nhà cầm quyền.
Ngay cả khi còn hoạt động, chiếc Chakri Naruebet cũng nhỏ so với tàu sân bay của Ấn Độ, chưa nói đến siêu tàu sân bay của Mỹ.
Nay nó là tàu sân bay nhỏ nhất thế giới còn hoạt động, chủ yếu là các nhiệm vụ nhân đạo, như vụ sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, cứu hộ sau vụ lụt nặng ở Thái Lan năm 2010 và 2011.
Tàu sân bay Thái Lan (phía trên) quá nhỏ so với chiếc Kitty Hawk của Mỹ