Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã từng nói về chương trình hỗ trợ các nhà khoa học, các doanh nhân, nhà sáng chế... tàu ngầm mini, thiết bị lặn vào năm 2015 tới.
Để tìm hiểu kỹ về chương trình này, Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hùng.
PV: - Ông đánh giá thế nào về tiềm năng khoa học tàu ngầm của Việt Nam? Và khi nào Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam có thể tiến hành chương trình nói trên?
Ông Hoàng Hùng: Tất cả còn đang nằm ở khâu lên kế hoạch, chương trình, nhưng sẽ xúc tiến sớm nhất để có thể sau Tết bắt tay vào việc ngay.
Tôi biết anh em trong nước rất nhiều người có kiến thức. Họ không phải là chuyên gia tàu ngầm, nhưng có những lĩnh vực thuộc về tàu ngầm, khoa học ngầm như vật lý, cơ khí, đóng tàu... thì chúng ta đều có chuyên gia. Nếu có thể kết hợp được tất cả những đội ngũ ấy lại, có chương trình kế hoạch cụ thể thì sẽ thành công.
Tôi biết có nhiều nhà khoa học, được đào tạo từ nước ngoài về, có rất nhiều dự định, công trình còn đang ấp ủ, nhưng khoa học Việt Nam không khiến họ phát triển, khiến họ mang tài ra giúp đất nước được. Vì thế mà cứ viết, cứ nghiên cứu xong toàn để đó. Đấy là một sự lãng phí chất xám vô cùng lớn.
PV: - Vậy chương trình để nâng cánh giấc mơ tàu ngầm Việt Nam sẽ cụ thể thế nào thưa ông?
Ông Hoàng Hùng: Trước hết kể sơ qua thì Việt Nam đang có một số mô hình tàu ngầm mini, riêng ông Phan Bội Trân đã có một vài phiên bản, dù tôi chưa được tận mục sở thị. Ông Nguyễn Quốc Hòa với tàu Trường Sa, thiết bị lặn Hòa Bình - là một công trình khoa học của nhà nước, một số thiết bị sơ khai của trường đại học...
Đặc biệt càng ngày càng dồn dập người thiết kế, chế tạo tàu ngầm, như thế để thấy tất cả các tầng lớp của Việt Nam đều đã quan tâm đến lĩnh vực khoa học này. Đừng vội nghĩ rằng tàu ngầm chỉ dùng để đánh nhau, có rất nhiều lĩnh vực dân sự, kinh tế chúng ta cần đến chúng, thậm chí tàu ngầm nhỏ mà lặn được sâu, được lâu trong nước thì càng hiệu quả.
Các nhà khoa học dù tay ngang hay chính thống thì mỗi người đều có những thế mạnh riêng với mỗi sáng chế của mình. Tuy nhiên các sản phẩm đều không hoàn thiện một 100% được chỉ vì lý do rất nhỏ là họ không đủ kiến thức và kinh phí.
Vì thế bước đi đầu tiên Hội sẽ tổ chức những buổi hội thảo, tập trung tất cả các vị này vào và tiến hành trao đổi thẳng thắn với nhau về những điểm mạnh, điểm kém, được và chưa được của các thiết kế. Sau đó trao đổi kinh nghiệm, kiến thức cho nhau.
Sau khi khắc phục được những vấn đề đó, ta có thể kêu gọi các nhà khoa học của các lĩnh vực có liên quan vào giúp đỡ, vận động tài trợ từ các mạnh thường quân.
Tôi biết nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng hỗ trợ khoa học Việt, chỉ có điều họ làm kinh doanh, họ không bao giờ đầu tư mạo hiểm đồng tiền của họ. Do đó với sự tư vấn, thẩm định của các nhà khoa học, các nhà hảo tâm này hoàn toàn có thể yên tâm để đầu tư vào một sản phẩm, thiết kế nào đó.
Cuối cùng là quá trình thử nghiệm. Đây là một quá trình phức tạp vì bản thân tàu ngầm Trường Sa đã phải đắp chiếu nhiều tháng trời và không một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm thử nghiệm. Hội sẽ cố gắng trong việc xin các giấy phép của các cơ quan hữu trách, cũng như tổ chức an toàn cho các nhà khoa học.
Xin chân thành cám ơn ông!