Mặc dù sự kiện trên diễn ra hôm 31-12-2014, nhưng tới tận thời điểm hiện tại thông tin mới được công bố.
Sau khi hoàn thiện, chiếc Scorpene nói trên bắt đầu giai đoạn chạy thử nghiệm và bàn giao cho Hải quân Ấn Độ trong tháng 9-2015. Trong các năm tiếp theo, mỗi năm Hải quân quốc gia Nam Á này sẽ nhận thêm 1 tàu ngầm cùng lớp.
Tàu ngầm lớp Scorpene tại cầu cảng của MDL.
Hiện tại, chiếc Scorpene đầu tiên của Hải quân Ấn Độ đang được tiếp tục hoàn thiện hệ thống trên khoang. Với sự hỗ trợ của chuyên gia hãng DCNS, các khoang của tàu ngầm được bơm khí và chất lỏng để kiểm tra độ kín khít.
Chương trình mua tàu ngầm lớp Scorpene hay còn biết đến với tên gọi Dự án 75 là một trong những hợp đồng quân sự lớn trị giá 187,9 tỷ ru-pi Ấn Độ ký năm 2005.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chương trình này rất chậm do phía Pháp “không sẵn sàng” cung cấp công nghệ và thiết bị lắp đặt trên tàu ngầm. Với tiến độ hiện tại, Hải quân Ấn Độ chỉ có thể sở hữu đủ 6 tàu ngầm lớp Scorpene vào năm 2020.
Các chuyên gia nhận định, tiến độ đóng tàu ngầm lớp Scorpene tại Ấn Độ chậm trễ chủ yếu do phía Pháp không muốn chuyển giao công nghệ động lực không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP) cho phía Ấn Độ.
Công nghệ tiên tiến này cho phép tàu ngầm có thể hoạt động độc lập hàng tuần trên biển mà không cần nổi lên mặt nước chạy động cơ diesel sạc pin như các tàu ngầm chạy diesel-điện thông thường.
Với lượng choán nước 1.740 tấn, dài 67,6m; rộng 8m, tàu ngầm lớp Scorpene có khả năng hoạt động liên tục trên biển trong 45 ngày.
Tàu ngầm thuộc lớp này có khả năng lặn xuống độ sâu 350m và đạt tốc độ 20,6 hải lý/giờ khi lặn. Trang bị vũ khí chính của tàu ngầm ngầm lớp Scorpene là 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm để phóng ngư lôi hoặc tên lửa đối hạm SM-39 Exocet.