"Quái vật" số 1 Hải quân Trung Quốc
Mặc dù có những bước tiến vượt bậc trong công nghệ đóng tàu với hàng loạt lớp tàu được đánh giá khá cao như Lữ Dương II 052C, Giang Khải 054A, Lữ Đại 051, Lữ Hộ 052, Hồ Bắc 022… nhưng Trung Quốc vẫn tìm cách nhập khẩu những chiến hạm "khủng" từ Nga. Cũng chính vì vậy, xếp vị trí số 1 về sức mạnh trong các chiến hạm của Trung Quốc không phải là các tàu nội địa mà chính là 4 tàu khu trục lớp Sovremenny (Project 956) của Nga.
Tàu khu trục lớp Sovremenny được Liên Xô chế tạo vào giữa những năm 80. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan vỡ, do kinh phí thiếu thốn, dự án này không thể hoàn thành.
Nhân cơ hội này, năm 1996, Hải quân Trung Quốc mua lại hai thân tàu với giá trị hợp đồng 1,6 tỷ USD và trả thêm chi phí để Nga hoàn thiện chúng. Năm 1999–2000, hai tàu lần lượt chuyển giao cho Trung Quốc, mang tên Hàng Châu số hiệu 136 và Phúc Châu số hiệu 137.
Năm 2002, Trung Quốc tiếp tục mua hai tàu Sovremenny cải tiến (Project 956EM), mỗi chiếc trị giá 1,4 tỷ USD; lần lượt được chuyển giao trong hai năm 2005 – 2006 và được đặt tên là Thái Châu số hiệu 138 và Ninh Ba số hiệu 139.
Sovremenny dài 156,5m, rộng 17,3m và lượng choán nước lên tới 7.940 tấn. Thủy thủ đoàn 344 người, với 4 động cơ tua bin hơi công suất 50.000 mã lực, Sovremenny có thể đạt đến tốc độ tối đa là 61 km/h và có tầm hoạt động tới 26.000 km.
Hiện nay, có 12 chiếc tàu loại này phục vụ trong lực lượng Hải quân Nga, như vậy đủ thấy rằng sức mạnh của các tàu Sovremenny được Nga thực sự coi trọng. Khu trục hạm Sovremenny có 3 phiên bản: lớp 956, lớp 956A, lớp 956EM. Hải quân Trung Quốc đang sở hữu những chiến hạm lớp Sovremenny phiên bản hiện đại nhất là 956EM.
Khu trục lớp Sovremenny có hệ thống vũ khí, điện tử đồ sộ và hệ thống tác chiến điện tử tinh vi phức tạp. Hệ thống điều khiển bao gồm 3 hệ thống radar định vị, 1 hệ thống radar bám bắt mục tiêu và một radar kiểm soát hỏa lực cho pháo 130 mm và pháo 120 mm.
Về vũ khí chống tàu, Sovremenny được trang bị tổ hợp tên lửa hành trình siêu âm chống hạm 3M80 Moskit (SS-N-22). Tên lửa lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh 300kg, tầm bắn 120km, tốc độ hành trình Mach 2,5.
Phiên bản cải tiến Sovremenny (Project 956EM) trang bị tên lửa 3M80MBE có tầm bắn 200km. Tổ hợp Moskit kết hợp hệ thống radar kiểm soát hỏa lực Mineral–E.
Tên lửa hành trình siêu âm chống hạm 3M80 Moskit
Sovremenny sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Shtil 9M38 (SA–N–7), dẫn đường bằng radar bán chủ động. Tên lửa kết hợp radar quét vòng Top Plate để theo dõi mục tiêu và radar MR-90 đưa ra các chỉ dẫn đường bay cho tên lửa. Tên lửa 9M38 có thể tiêu diệt máy bay ở cự ly 25km và tên lửa hành trình đối hải ở cự ly 15km. Số lượng tên lửa Shtil trang bị cho mỗi chiếc Sovremenny có thể lên tới 48 tên lửa.
Hệ thống pháo trên tàu gồm: hai pháo hạm AK-130 cỡ 130mm hai nòng đặt phía đầu tàu và đuôi tàu, AK - 130 kết hợp radar kiểm soát hỏa lực MR-184 điều khiển hoàn toàn tự động hoặc thao tác thủ công; bốn pháo phòng thủ tầm gần AK - 630 kết hợp radar kiểm soát MR-123-02. Tốc độ bắn từ 20 đến 35 phát mỗi phút và tầm bắn 22 km.
Trên phiên bản cải tiến của Sovremenny (dự án 956EM), pháo hạm AK 130 nằm ở đuôi tàu cùng bốn pháo AK–630 bị gỡ bỏ và thay vào là tổ hợp pháo – tên lửa phòng không kết hợp Kashtan. Kashtan được cấu thành từ một mô đun điều khiển 3R86E1 và hai mô đun chiến đấu 3R87E (gồm hai pháo tự động GSh – 30k sáu nòng cỡ 30mm, tên lửa đối không tầm ngắn SA–N–11).
Với một chiến hạm khủng như vậy, tất nhiên hệ thống vũ khí chống ngầm đi kèm cũng phải hết sức mạnh mẽ. 4 khu trục hạm Sovremenny được lắp đặt tổ hợp sonar “Platina MS-E” tầm xa phát hiện tàu ngầm từ 10–15 km.
Về vũ khí chống tầu ngầm, Sovremenny được trang bị hai ống phóng ngư lôi cỡ 533mm. Vũ khí này giúp bao quát mục tiêu tàu ngầm tầm 10km. Cùng với đó là hai hệ thống tên lửa chống ngầm 6 nòng RBU-1000 với 48 tên lửa trang bị đầu nổ 55kg và tầm bắn 1km.
Hệ thống tên lửa chống ngầm 6 nòng RBU-1000
Sovremenny được trang bị ống phóng ngư lôi cỡ 533mm bên sườn tàu
Đặc biệt, tàu còn kèm theo một trực thăng săn ngầm Ka-28 (phiên bản xuất khẩu của Ka-27), có khả năng hoạt động trong điều kiện biển động cấp 5 và ở khoảng cách 200 km. Đây được đánh giá là trực thăng săn ngầm hiệu quả nhất thế giới hiện nay.
Với tổ hợp vũ khí khổng lồ, các tàu khu trục Sovremenny được đánh giá là những con quái vật thực sự của Hải quân Trung Quốc.
Tấn công từ nhiều hướng
Mặc dù theo hiện nay, cả 4 tàu này đều được biên chế cho Hạm đội Đông Hải để đối trọng với các tàu chiến Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, khi Trung Quốc chuyển hướng chiến lược sang Biển Đông, chắc chắn các tàu này sẽ hiện diện một cách thường xuyên ở khu vực. Minh chứng là trong các cuộc tập trận, tàu khu trục lớp Sovremenny của Trung Quốc từng tiến hành bắn đạn thật nhiều lần trên Biển Đông. Hiện nay tàu Thái Châu 138 thường xuyên đồn trú tại căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam.
Tác chiến hợp đồng bí mật, bất ngờ từ dưới ngầm, mặt nước, trên không là phương án hợp lý nhất của Việt Nam
Với sức mạnh của mình, các tàu khu trục Sovremenny sẽ đóng vai trò là xương sống của Hải quân Trung Quốc khi có tình huống xảy ra trên Biển Đông. Ngược lại, Việt Nam cũng coi các tàu ngầm Kilo 636 là lực lượng đột phá chủ yếu. Do vậy, cuộc đối đầu giữa Kilo 636 và tàu khu trục Sovremenny là kịch bản mà Việt Nam cần xem xét một cách kỹ lưỡng để tìm ra phương án hiệu quả nhất.
Nếu Sovremenny được đánh giá cao nhờ hệ thống vũ khí khổng lồ thì đó cũng chính là yếu điểm của nó. Với kích thước đồ sộ, Sovremenny rất dễ bị phát hiện và bắn trúng bởi các tên lửa hành trình.
Mặc dù Sovremenny có hệ thống đánh chặn nhưng Việt Nam có thể tấn công đồng loạt từ nhiều hướng khác nhau cả dưới ngầm, mặt nước và trên không. Hiện nay, Việt Nam đang ưu tiên trang bị theo hướng “vũ khí nhỏ gọn nhưng hiện đại” với các máy bay Su-27/30, tàu Molniya, tàu ngầm Kilo…
Việt Nam đã nhận diện từ trước đối thủ Kilo
Để đối phó các vũ khí chống ngầm của Sovremenny, tàu ngầm Kilo Việt Nam cần phải cơ động tránh xa vùng hỏa lực chống ngầm trên tàu, nghĩa là tránh xa khu vực phát hiện của sonar và vùng sát thương của ngư lôi săn ngầm được trang bị trên Sovremenny. Điều đó đồng nghĩa với việc Kilo Việt Nam cũng không thể sử dụng ngư lôi (tầm bắn dưới 20 km) để tiêu diệt Sovremenny.
Ngoài ra, nếu tiếp cận gần Sovremenny, có thể Kilo Việt Nam sẽ lọt vào vùng hoạt động của các sonar trên tàu đi kèm trong đội hình cũng như vùng hoạt động của trực thăng săn ngầm Ka-28. Nên nhớ Sovremenny sẽ không khi nào tác chiến đơn độc một mình.
Trực thăng săn ngầm K-27 (phiên bản xuất khẩu là Ka-28)
Là lực lượng đột phá chủ yếu, tàu ngầm Kilo Việt Nam phải đảm nhận tiêu diệt các tàu Sovremenny Trung Quốc trên Biển Đông? Vậy làm sao có thể hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn này?
Có vẻ như Việt Nam đã lường được trước tình huống này nên trên các tàu ngầm Kilo Việt Nam được trang bị tên lửa chống hạm 3M-54E có tầm bắn 200km đầu đạn xuyên giáp nổ phân mảnh nặng 200kg, đặc biệt là tên lửa 3M-54E1 tầm bắn 300 km, đầu đạn nặng tới 400kg, đây là tên lửa chuyên dùng để trị tàu sân bay và tàu khu trục cỡ lớn.
Các loại tên lửa trong tổ hợp tên lửa Klub-S được trang bị trên tàu ngầm Kilo 636 Việt Nam
Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, Ka-28 với tầm phát hiện của phao sonar VGS-3 dưới 20 km, cùng các phao từ trường, cho phép phát hiện mục tiêu ở độ sâu 500 m dưới mặt nước và cách xa đến 10 km thì Ka-28 không thể phong tỏa hết các đường tiếp cận của tàu ngầm Kilo Việt Nam.
Trên thực tế, các trực thăng săn ngầm thường đóng vai trò chống tàu ngầm tiếp cận bờ biển, căn cứ và đội hình hơn là tìm diệt tàu ngầm. Nhiệm vụ tìm diệt tàu ngầm thường được đảm nhận hiệu quả hơn bởi các máy bay săn ngầm cỡ lớn như P-3, P-8,..
Do vậy, với ưu thế bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu, tàu ngầm Kilo Việt Nam có thể từ nhiều cảng, theo nhiều đường khác nhau để tiếp cận Sovremenny. Đây thực chất là cuộc đấu trí hơn là đấu sức của bầy sói biển dũng mãnh Kilo Việt Nam và con sư tử đơn độc.
Bất kể vũ khí dù hiện đại đến đâu cũng tồn tại điểm yếu. Điều làm nên sự thắng lợi đó chính là biết phát huy điểm mạnh của mình để đánh vào điểm yếu của đối phương. Đây vẫn là một chân lý sống còn của chiến tranh hiện đại.