Lực lượng tác chiến ngầm của Ấn Độ đang suy yếu nghiêm trọng
Hải quân Ấn Độ gần đây đã yêu cầu Bộ Quốc phòng nước này mua 2 chiếc tàu ngầm lớp “Amur” (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm đề án 677 lớp Lada) của Nga để củng cố lại lực lượng tác chiến ngầm, trước tham vọng chiếm lĩnh Ấn Độ Dương của Hải quân Trung Quốc và Pakistan.
Hiện nay, lực lượng tàu ngầm Ấn Độ đang bị suy yếu nghiêm trọng khi ngoài tàu ngầm hạt nhân Chakra thuê của Nga từ năm 1984, số lượng tàu ngầm thông thường của hải quân nước này từ 21 chiếc trong những năm 1980 hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 14 chiếc, mà cũng đã lão hóa, bao gồm 10 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và 4 tàu ngầm đã cũ do Nhà máy đóng tàu Horvath của Đức đóng.
Hải quân nước này hiện chỉ sử dụng được 7 chiếc tàu ngầm lớp “Kilo” của Nga và 4 chiếc tàu ngầm SSK của Đức, trong đó chiếc gần đây nhất được đưa vào sử dụng đã từ cuối những năm 90. Trong gần 2 năm qua, có 3 chiếc tàu ngầm lớp “Kilo” do gặp sự cố bất ngờ và xưởng đóng tàu quốc doanh Ấn Độ chậm trễ sửa chữa nên đến giờ vẫn không thể sử dụng được.
Tuy Hải quân Ấn Độ đã tiến hành nhiều hạng mục cải tạo, nâng cấp để kéo dài tuổi thọ nhưng đa số các tàu này cũng sẽ về hưu trong vài năm nữa. Trong khi đó, hai đối thủ “truyền kiếp” là Trung Quốc và Pakistan đang đóng hàng loạt tàu ngầm hiện đại để tăng cường sức mạnh cho lực lượng tác chiến ngầm của họ.
Lực lượng tàu ngầm thông thường Ấn Độ đang xuống cấp trầm trọng
Đại tá Hải quân Ấn Độ về hưu Shyam Kumar Singh cho biết, tiến độ của dự án tàu ngầm lớp "Scorpene" và P75-I bị trì hoãn đã khiến cho Ấn Độ bị thiếu hụt nghiêm trọng về số lượng tàu ngầm; mà tàu ngầm thế hệ tương lai của nước này phải bàn giao vào năm 2018, do đó hiện nay nhu cầu cấp thiết là phải mua tàu ngầm của Nga.
Có thể đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc đấu thầu gói mua sắm này bị trì hoãn không công bố và Ấn Độ phải mua hoặc thuê tạm các tàu ngầm của Nga, để tạm thời nâng cấp sức mạnh của lực lượng tàu ngầm trước sức ép cực lớn dưới đáy biển của 2 đối thủ Trung Quốc và Pakistan.
Hiện Hải quân Ấn Độ đang triển khai kế hoạch đóng mới 6 tàu ngầm thông thường lớp “Scorpene” tại xưởng đóng tàu Mazagon Dock Ltd ở Mumbai, theo giấy phép của công ty DCNS (Pháp), nhưng chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Ấn Độ vốn dự định giao hàng vào năm 2012 đã bị trì hoãn đến năm 2016, tức là chậm trễ tới hơn 4 năm.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là kế hoạch mới điều chỉnh này của dự án đóng 6 tàu ngầm tàng hình sử dụng hệ thống động lực không cần không khí AIP này vẫn bị sa lầy trong sự thờ ơ chính trị và thói quan liêu.
Dự án tàu ngầm AIP lớp Scorpene của hải quân Ấn Độ hiện đang bị "treo" khi mới hoàn thành được 30% kế hoạch
Trước đây, Nhà máy đóng tàu Mazagón đã ký hiệp định có thời hạn đến 15/3/2013 với Công ty Navantia của Tây Ban Nha, trong đó có điều khoản quy định đối tác Tây Ban Nha phải tư vấn các giải pháp công nghệ và chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc.
Trong thời gian này, chuyên gia của Công ty Navantia tập trung ở Mumbai và cũng không có những hành động tích cực vào việc hoàn thành chế tạo tàu ngầm. Hiện nay, họ đã rời khỏi nhà máy khi hết hạn hợp đồng, còn đối tác Pháp cũng đang đòi tăng giá trong khi hợp đồng mới hoàn tất được khoảng 30% kế hoạch, đại bộ phận công tác lắp đặt trang bị vẫn chưa hoàn thành.
Chính vì vậy, mặc dù người Ấn đã lùi thời hạn bàn giao tàu 18 tháng so với hợp đồng gốc nhưng với cung cách quản lý yếu kém, trình độ kỹ thuật hạn chế, hợp đồng hợp tác lỏng lẻo như vậy, không nhiều người tin tưởng nó sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2016.
Hải quân Ấn Độ thường có những dự án rất hoành tráng, nhưng “đầu voi, đuôi chuột”. Ngay từ năm 1999, “Ủy ban an ninh nội các” Ấn Độ đã từng phê chuẩn một kế hoạch đóng tàu ngầm dài hạn trong 30 năm. Kế hoạch này đặt ra mục tiêu đến trước năm 2012 sẽ đưa vào phục vụ 12 tàu ngầm, sau đó đến năm 2030 sẽ hoàn tất nốt 12 chiếc nữa.
Tàu ngầm Kilo S-63 Sindhurakshak Ấn Độ mua của Nga
Thế nhưng, sự thiếu quyết đoán và cơ chế lằng nhằng của Chính phủ đã làm cho 14 năm trôi qua mà lực lượng hải quân nước này không hề nhận được 1 chiếc tàu ngầm nào! Dự báo cho thấy, đến năm 2020, hải quân Ấn Độ chỉ còn lại 5-6 chiếc trong tổng số 14 tàu ngầm hiện đang sử dụng là còn hoạt động được.
Giả sử đến lúc đó, vài chiếc tàu ngầm Scorpene đã được đưa vào sử dụng cũng chẳng thấm tháp gì, vì để đối phó với sự uy hiếp của tàu ngầm Trung Quốc và Pakistan, Hải quân Ấn Độ phải có ít nhất 18 tàu ngầm thông thưởng trở lên. Đến giai đoạn đó, lực lượng tác chiến ngầm của Ấn Độ đã tụt hậu rất xa so với 2 đối thủ nặng ký của mình.
Tương lai, lực lượng tàu ngầm Ấn Độ sẽ đi theo hướng nào?
Kế hoạch đóng 6 tàu ngầm lớp Scorpene, do tổng vốn đầu tư đã vượt qua 230 tỷ Rupee, thời hạn chậm trễ so với kế hoạch cũ những 4 năm đã gióng lên những hồ chuông báo động. Nhưng không chỉ có hợp đồng này, mà cả dự án phát triển tàu ngầm tương lai P-75I cũng đang nằm trong tình trạng “treo” dài hạn.
Ông Shyam Kumar Singh cho biết, dự án tàu ngầm 75-I sẽ không thể bị hủy bỏ, nhưng hải quân Ấn Độ đã mô tả chi tiết yêu cầu tính năng cụ thể của nó ngay từ năm 2006 - 2007, tính đến nay đã hơn 8 năm. Rất có khả năng những phương án đặt ra trước đây đã lỗi thời và bị thay đổi.
Tàu ngầm lớp S-80 của Navantia
Trong dự án tàu ngầm 75-I (Công trình 75 - Ấn Độ), hải quân nước này sẽ đầu tư 12 tỷ USD (dự kiến ban đầu có tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ Rupee, tương đương khoảng 8,75 tỷ USD) để đấu thầu toàn cầu, mua 6 chiếc tàu ngầm động cơ thông thường với công nghệ hệ thống không khí tuần hoàn độc lập (AIP).
Tuy nhiên, sau khi nhận được quy chế đặc cách “Dự án cần thiết phải phê chuẩn”, nó nằm chết dí vì còn phải trải qua sự thẩm định của 3 Ủy ban nữa. Tháng 6/2013, Bộ Tài chính Ấn Độ đã trả lại hồ sơ của kế hoạch phát triển tàu ngầm này và đề nghị Bộ Quốc phòng phải giải thích thêm một số vấn đề.
Sau khi “qua ải” bộ tài chính, “Kế hoạch phát triển tàu ngầm P-75I” sẽ được chuyển sang “Ủy ban an ninh Nội các” xem xét, sau khi được thông qua nó mới được chuyển sang “Ủy ban mua sắm trang bị quốc phòng quyết định”.
Hiện nay, tương lai của gói thầu tàu ngầm 75-I trị giá hơn 12 tỷ USD vẫn chưa xác định, tiếp tục đà trì hoãn hơn 4 năm nay. Giả sử tại thời điểm hiện nay, gói thầu này được quyết định thì “Thư mời thầu quốc tế” cũng cần phải được sự phê duyệt của “Ủy ban an ninh nội các” rồi mới được phát hành.
Nếu như tại thời điểm này Ấn Độ công bố “Dự án P-75I” thì ít nhất cũng phải mất 2 năm sau mới lựa chọn được đối tác nước ngoài để ký hợp đồng, sau đó cũng phải mất thêm 5-7 năm nữa mới hoàn tất chiếc tàu ngầm đầu tiên. Vì vậy, sớm nhất là sau năm 2020 Ấn Độ mới có chiếc đầu tiên thuộc Dự án này.
Tàu ngầm Type 214 của nhà máy đóng tàu HDW của Đức
Trước đây, các nhà máy đóng tàu nước ngoài quan tâm đến dự án 75-I bao gồm công ty DCNS với tàu ngầm Scorpene; nhà máy đóng tàu HDW của Đức với tàu ngầm AIP Type 214; Nga với tàu ngầm lớp “Amur”; tàu ngầm S-80 của Công ty Navantia - Tây Ban Nha và công ty Fincantieri của Italy với tàu ngầm mini S-1000.
Được biết, các phương tiện truyền thông Ấn Độ khẳng định, Bộ Quốc phòng nước này đã có cuộc gặp các quan chức cao cấp của công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport) tại New Delhi vào cuối tháng 7 vừa qua, để thảo luận về kế hoạch bán hoặc cho thuê hai chiếc tàu ngầm lớp “Amur-1650”.
Mặc dù Hải quân Ấn Độ đã đề nghị Bộ Quốc phòng đàm phán về việc mua hoặc thuê hai chiếc tàu ngầm lớp “Amur”, nhưng trong quân đội vẫn có những ý kiến trái chiều về việc mua tàu ngầm của Nga hay của các nước phương Tây.
Một bên chủ trương chọn tàu ngầm AIP của Nga, vì độ an toàn, đáng tin cậy của nó. Chọn tàu ngầm của Nga sẽ tận dụng được tối đa các cơ sở hạ tầng, thiết bị cho tàu ngầm mà hải quân nước này đã bỏ nguồn vốn lớn để đầu tư, việc này sẽ khiến cho giá thành của toàn bộ tàu ngầm rẻ hơn, ngoài ra, Ấn Độ còn có khá nhiều kinh nghiệm đào tạo về tàu ngầm của Nga.
Còn một bên, đa số là những quan chức trẻ tuổi lại thiên về tàu ngầm phương Tây với ưu thế về hệ thống điện tử, điều khiển và cảm biến.
Tàu ngầm AIP đề án 677 lớp Lada (phiên bản xuất khẩu là Amur) của Nga
Một quan chức cho biết: “Tuy tàu ngầm của Nga có giá mua ban đầu rẻ hơn, nhưng chi phí bảo trì hậu mãi thì lại rất cao, mà điều này sẽ trở thành gánh nặng nghiêm trọng cho Hải quân Ấn Độ. Do vấn đề chuyển giao công nghệ của những hệ thống then chốt, nên tàu ngầm của Pháp và phương Tây sẽ dễ dàng bảo trì hơn.
Hiện nay, có thể xác định là DCNS và tàu ngầm Scorpene đã hết cơ hội vì dự án “cao su” hiện đang triển khai, dự án liên hợp chế tạo tàu ngầm S-1000 với Nga của Fincantieri cũng đã bị đình chỉ, sự thiếu trách nhiệm của và những trục trặc trong thiết kế của công ty Navantia (thiết kế thừa tải trọng) cũng sẽ khiến S-80 bị loại bỏ.
Hiện chỉ còn tàu ngầm AIP Type 214 của Đức và Amur-1650 của Nga là có cơ hội chiến thắng lớn nhất trong gói thầu P-75I. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ một đối thủ nặng ký mới xuất hiện cùng với sự ấm lên trong quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ là tàu ngầm AIP lớp Soryu.
Rất có thể Ấn Độ sẽ lựa chọn thuê 2 chiếc tàu ngầm Amur-1650 của Nga để tạm thời sử dụng, chờ đến khi các tàu ngầm Scorpene đầu tiên được bàn giao. Nếu New Dehli hài lòng với các phiên bản xuất khẩu của Lada, rất có thể tương lai của dự án P-75I sẽ được quyết định. Còn nếu người Ấn không hài lòng, thì Đức và Nhật Bản sẽ có cơ hội.
Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình. Hãy gửi bài cho chúng tôi theo địa chỉ [email protected] Chúng tôi sẽ duyệt để đăng tải và trả nhuận bút cho bạn trong vòng 24 giờ. |