Hiện nay, công nghệ AIP trang bị trên các tàu ngầm diesel-điện đã khá phổ biến, và theo xu hướng chung các thế hệ tàu mới sẽ được trang bị AIP nhiều hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra là công nghệ AIP có thể mang lại lợi thế như thế nào trong thực tế tác chiến cho tàu ngầm so với các tàu không được trang bị công nghệ này.
Phân tích một chiến dịch tiêu biểu của tàu ngầm diesel-điện có thể giúp hiểu rõ sự khác biệt mà công nghệ AIP mang lại. Tàu ngầm diesel-điện là loại phương tiện chiến đấu phù hợp cho vai trò phòng thủ do có khả năng cơ động hạn chế, nhưng lại rất khó bị phát hiện. Do đó, một nhiệm vụ tiêu biểu của nó là tuần tra bảo vệ một khu vực cụ thể, ngăn chặn đối phương xâm nhập. Khu vực được bảo vệ có thể là một hòn đảo, quần đảo, hoặc một tuyến hàng hải trọng yếu. Một nhiệm vụ như vậy có thể được chia thành 3 giai đoạn chính.
Trong giai đoạn 1, tàu di chuyển từ căn cứ đến khu vực mà nó được giao nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ. Trong giai đoạn này, tàu phải đối mặt với bài toán về tốc độ-thời gian. Nếu tàu di chuyển với tốc độ thấp thì thời gian sẽ kéo dài, đồng nghĩa với thời gian thực nhiệm vụ tuần tra sẽ bị cắt ngắn. Ngược lại, tốc độ càng nhanh thì lượng điện trong các giàn ắc quy càng nhanh cạn, vì muốn tăng vận tốc lên gấp đôi thì sức đẩy của động cơ phải tăng không phải 2 lần mà là 8 lần. Nghĩa là tàu càng di chuyển nhanh thì càng phải nổi lên thường xuyên hơn để chạy động cơ diesel và sạc lại ắc quy.
Trong giai đoạn này, hệ thống AIP không có ưu thế rõ rệt, do nó có công suất yếu so với tổng công suất của tàu. Tàu ngầm có thể chỉ sử dụng điện năng cung cấp từ hệ thống AIP để di chuyển mà không cần nổi lên, tuy nhiên chỉ với vận tốc rất thấp, từ 4 đến 5 hải lý/giờ.
Giai đoạn 2 là khi tàu đã tới khu vực được chỉ định và thực hiện việc tuần tra bảo vệ mục tiêu, ngăn chặn lực lượng của đối phương xâm nhập. Trong giai đoạn này, thách thức lớn nhất là duy trì sự bí mật và không để đối phương phát hiện. Vì vậy, tàu thường duy trì tốc độ chậm để hạn chế tối đa tiếng ồn và đồng thời tăng thời gian tuần tra. Đây là lúc tàu AIP có lợi thế.
Hệ thống AIP có thể cung cấp đủ năng lực để duy trì việc tuần tra ở tốc độ chậm mà không cần phải dùng đến điện năng trong các giàn ắc quy, do đó tàu không cần phải nổi lên trong nhiều ngày liền. Tàu ngầm lớp Gotland, được trang bị AIP, có thể hoạt động liên tục 14 ngày liền không cần nổi lên nếu di chuyển ở tốc độ 5 hải lý/giờ. Hay với tàu U-212 của Đức, con số này là 30 ngày. Tàu không có AIP phải thường xuyên sạc lại các giàn ắc quy bằng cách nổi lên gần mặt nước, triển khai ống thông khí để chạy động cơ diesel. Hoạt động này làm tàu dễ bị đối phương phát hiện hơn.
Trong giai đoạn 3, tàu ngầm phát hiện đối phương di chuyển vào khu vực mình đang bảo vệ và nhận lệnh tấn công tiêu diệt mục tiêu. Lúc này, tàu cần có tốc độ cao để tiếp cận mục tiêu và vào vị trí khai hỏa thuận lợi nhất. Ngoài ra, sau khi tấn công, nó cũng có thể cần phải lẩn trốn nhanh để tránh bị phản công. Để đạt vận tốc cao, từ 10 đến trên 20 hải lý/giờ, tàu ngầm cần sử dụng điện năng lưu trữ trong các giàn ắc quy, dù có AIP hay không có AIP.
Tuy vậy, tàu AIP vẫn có lợi thế trong giai đoạn này. Do trong giai đoạn tuần tra, tàu có thể chỉ dùng năng lượng tạo ra từ hệ thống AIP, nó có thể bảo toàn lượng điện năng tối đa trong các giàn ắc quy và do đó có thể di chuyển với tốc độ cao trong thời gian dài hơn.
Một câu hỏi đặt ra là tàu ngầm không có AIP có thể làm gì để giảm thiểu các bất lợi so với tàu có AIP. Nhìn chung nếu phải hành quân và tuần tra ở khu vực có diện tích rộng, những tàu có kích thước lớn sẽ có lợi thế vì có nhiều không gian cho các giàn ắc quy hơn nên có thể kéo dài thời gian hoạt động dưới nước.
Trong giai đoạn 3, khi tấn công mục tiêu, để bù đắp cho sự thiếu hụt về tốc độ, việc dùng tên lửa diệt hạm phóng từ tàu ngầm có thể là một giải pháp. Ngư lôi có tầm bắn và tốc độ hạn chế, do đó phải dựa nhiều vào khả năng cơ động của tàu ngầm để tiếp cận mục tiêu. Nếu mục tiêu là tàu chiến nổi có tốc độ cao thì đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho tàu ngầm.