Trong quá khứ, Liên Xô và Mỹ đều có những lựa chọn ưu tiên riêng để phát triển hệ thống hỏa lực hạt nhân của họ.
Washington chú trọng vào các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là nền tảng của lực lượng hạt nhân chiến lược. Bổ sung thêm vào đó, phương Tây còn dựng lên một hệ thống trạm dò tìm trên diện tích rộng để lần theo dấu vết tàu ngầm của Liên Xô.
Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô đã áp dụng rất nhiều chiến thuật thậm chí đôi khi còn nổi lên ở những vị trí khó ngờ tới nhưng việc giữ được bí mật hoạt động vẫn tương đối khó khăn. Vào năm 1987, Liên Xô quyết định đặt tên lửa lên đường ray tàu hỏa.
Với ưu thế phạm vi rộng và khổng lồ của hệ thống giao thông đặc biệt này, các đoàn tàu mang tên lửa có thể ngụy trang và tránh được vệ tinh do thám. Mỗi một đoàn tàu của binh đoàn gồm “12 chiến sĩ sắt” này được trang bị 3 tên lửa liên lục địa RT-23 với 10 đầu đạn.
Tuy nhiên theo hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START II) với Mỹ, Nga đã phải cho những đoàn tàu trên ngừng hoạt động trong năm 2007. Vậy nhưng dự án về đoàn tàu hỏa mới có tên Barguzin của quân đội Nga lại không phải là đối tượng nằm trong START II.
Mỗi tàu Barguzin sẽ được trang bị 6 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars với uy lực tương đương các tên lửa Bulava của tàu ngầm Nga hiện nay.
Đoàn tàu hỏa hạt nhân mới được vận hành tương tự một tàu ngầm hạt nhân. Chúng được gia cố để có thể chống chịu được các vụ nổ ở phạm vi cách vài trăm mét, thêm vào đó là hệ thống chiến tranh điện tử và các biện pháp chống khủng bố tinh vi.
Một đoàn tàu như vậy có thể lăn bánh trong cả tháng và thực hiện hành trình hơn 1.000 km/ngày. Những tên lửa trên đoàn tàu này có thể vào vị trí chiến đấu chỉ trong vài phút với tầm bắn khoảng 10.000km và xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.
Dự kiến 5 đoàn tàu Barguzin sẽ được phiên chế vào quân đội Nga trong năm 2020.