Nhiều quốc gia với tiềm lực quân sự khác nhau đang đầu tư cho tàu đổ bộ kiêm tàu sân bay bởi những ưu điểm của loại vũ khí này.
Philippines “gây bão”
Thị trường vũ khí khu vực Đông Nam Á vừa trải qua một “cơn áp thấp” khi có tin Philippines có kế hoạch mua tàu sân bay Príncipe de Asturias, vốn đã bị rút hẳn khỏi hạm đội Tây Ban Nha hồi tháng 2.2013, và đang trong quá trình phân định dỡ bỏ hoặc rao bán cho các nước có nhu cầu mua tàu sân bay “second hand”.
Về sức mạnh hỏa lực, nếu không tính đến sức mạnh của không-hải quân, Príncipe de Asturias bị đánh giá là khá yếu với chỉ 4 tháp pháo Meroka 20mm. Và đó cũng sẽ là những gì hải quân Philippines có được nếu sở hữu tàu sân bay này, bởi không-hải quân Philippines gần như là con số không tròn trĩnh.
Thế nhưng, cần xem xét một cách nghiêm túc rằng, ngoài các máy bay cánh cố định có khả năng cất cánh đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng (như Harrier, F-35B, Yak-141…) thì tàu sân bay còn có thể khai thác sức mạnh của các máy bay trực thăng. Và phương tiện này thì Philippines cũng đang có ý định “đầu tư mạnh” cũng bằng những động thái úp mở tương tự. Chưa rõ, các trực thăng mà Philippines muốn trang bị cho hải quân sẽ là loại săn tàu ngầm, tuần tiễu, cứu nạn hay chỉ đơn thuần là loại vận tải?
Theo tiến sĩ Gareth Evans - một chính khách Úc, thế kỷ 21 sẽ đánh dấu sự chuyển biến về tính chất hải quân hiện đại. Các thách thức an ninh phi truyền thống đòi hỏi các hoạt động quân sự thường trực thay vì chiến tranh. Trong đó, một xu hướng ngày càng rõ ràng là sự liên quan của hải quân trong hoạt động bảo vệ biên giới, phát hiện hoạt động cướp biển hoặc các hoạt động chống khủng bố tầm xa…
Nhu cầu này đòi hỏi “gói giải pháp tổng lực” gồm các chiến lược thông vận trên biển, cung cấp vũ khí, hậu cần hay khả năng đổ bộ, trên không, trên biển từ một tàu lớn. "Tàu mẹ" này còn phải có khả năng hoạt động trong nhiều giai đoạn ổn định trên biển và trải qua nhiều dạng nhiệm vụ. Đặc điểm này còn phù hợp với xu hướng tinh gọn hải quân, thậm chí cả với những nước có ngân sách dồi dào.
Mô hình New Zealand - Úc
Các nước trên thế giới đã lần lượt tìm kiếm và đưa ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu trên. Hải quân New Zealand có quân số không lớn, chỉ khoảng 2.100 người, tổ chức trong một hạm đội duy nhất, đóng ở Căn cứ hải quân Auckland (thành phố Auckland, New Zealand). Lực lượng ít, số lượng vũ khí, phương tiện chiến đấu trong biên chế không nhiều nhưng bù lại, các tàu chiến của hải quân nước này rất hiện đại mà tiêu biểu là chiến hạm HMNZS Canterbury.
Trong khi các tàu chiến của hải quân nhiều nước phát triển theo hướng “chuyên môn hóa” thì HMNZS Canterbury được thiết kế để đảm đương nhiều nhiệm vụ như đổ bộ, hậu cần, chi viện… Điều đáng nói, sức mạnh của HMNZS Canterbury không phải là các vũ khí gắn trên tàu, mà nằm ở những vũ khí tàu có thể mang theo.
Bên cạnh đó, hải quân New Zealand cũng trang bị tàu tuần tiễu HMNZS Otago. Đây là lớp tàu có lượng choán nước 1.900 tấn, dài 85m, tầm hoạt động 6.000 hải lý. Và giống như HMNZS Canterbury, sức mạnh của HMNZS Otago nằm ở lực lượng không quân hải quân, chủ yếu là các trực thăng săn ngầm SH-2G.
Là quốc gia láng giềng với New Zealand, Úc cũng có chiến lược phát triển lực lượng hải quân tương tự. Hiện Australia đang biên chế tàu đổ bộ mang trực thăng HMAS Canberra do Hãng Navantia (Tây Ban Nha) đóng và được hạ thủy hồi giữa tháng 2-2011. Đây có thể coi là tàu sân bay cỡ nhỏ với những vũ khí trang bị được gọi là “siêu phẩm” của nước này.
Ngoài ra, cũng theo hợp đồng đã ký với hãng này, hải quân Australia dự kiến sẽ nhận thêm một tàu đổ bộ HMAS Adelaide vào năm 2015. Tàu được thiết kế với chiều rộng 32m, chiều cao 7,18m và có lượng choán nước đạt 27.900 tấn. Adelaide có thể di chuyển với vận tốc lên tới 20,8 hải lý/giờ với tầm hoạt động khoảng 13.000km. Loại chiến hạm này có thể được trang bị 4 pháo cỡ nòng 25mm, hệ thống điều khiển chiến đấu Saab 9LV và hệ thống radar Giraffe AMB. Ngoài ra, HMAS Adelaide có thể chở được 24 trực thăng đa nhiệm MH-60R Seahawk hay “sát thủ diệt ngầm” NH90.
Cường quốc hải quân cũng không chối từ
Quay trở lại với nhận định của tiến sĩ Gareth Evans, ngay cả các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh cũng để mắt tới lực lượng tàu đổ bộ kiêm tàu sân bay. Các trường hợp của Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là những ví dụ tiêu biểu.
Là quốc gia có truyền thống phát triển lực lượng hải quân lâu đời và cũng đang sở hữu tàu sân bay (thực chất là tàu tuần dương hạng nặng mang máy bay chiến đấu), Nga đang đầu tư một cách nghiêm túc cho lực lượng tàu đổ bộ kiêm tàu sân bay cỡ nhỏ, cụ thể hóa bằng thương vụ mua 4 tàu Mistral của Pháp.
Mistral kết hợp các tính năng của tàu sân bay trực thăng, tàu chỉ huy, kiểm soát và bệnh viện nổi. Những nhà máy đóng tàu của Nga chưa thể tự hoàn thành một con tàu hiện đại như vậy một cách nhanh chóng trong thời điểm hiện tại. Đó là lý do Nga quyết định chi tiền mua tàu của Pháp.
Có tranh chấp với Nga nhưng tiềm lực quân sự của Nhật Bản bị hạn chế bởi Hiến pháp hòa bình. Theo đó, Nhật Bản không chủ trương đóng tàu sân bay cỡ lớn, bởi đây bị tính là vũ khí tấn công. Hải quân Nhật Bản hiện duy trì hoạt động của các tàu sân bay cỡ nhỏ (có sàn đáp trực thăng). Tiêu biểu là tàu chở trực thăng lớp Hyuga.
Tàu lớp Hyuga
Điều đáng nói, cả Nhật cũng đang trong quá trình thương lượng mua các chiến đấu cơ F-35B của Mỹ. Đây là các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, có khả năng cất cánh đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng. Một khi các chiến đấu cơ này được biên chế, các tàu sân bay của Nhật Bản đều dễ dàng cởi bỏ danh nghĩa “cỡ nhỏ”. Bởi F-35B sẽ kéo năng lực tác chiến của cả biên đội tàu, vốn là tàu sân bay chở trực thăng trở thành các tàu sân bay tiến công chiến đấu thực thụ.
Giống trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang chờ thời cơ để đưa tàu đổ bộ kiêm tàu sân bay trực thăng của mình trở thành tàu sân bay tiến công. Trong biên chế của Hải quân Hàn Quốc, tàu hiện đại và mạnh nhất là tàu đổ bộ Dokdo. Đây là chiến hạm lớn nhất của Hải quân Hàn Quốc và là kết quả đầu tiên của dự án LPX do Hải quân Hàn Quốc triển khai. Tàu đổ bộ tốc độ cao “Dokdo” được xây dựng dựa trên khái niệm “tấn công từ chân trời”.
Với tham vọng trở thành một cường quốc hải quân, Trung Quốc không quên đầu tư cho lực lượng tàu đổ bộ mặc dù đã có kế hoạch biên chế tàu sân bay cỡ lớn. Nòng cốt chính của lực lượng này trong Hải quân Trung Quốc là tàu đổ bộ lớp Type-071 Ngọc Chiêu.
Được trang bị hỏa lực mạnh nhưng sự nguy hiểm của lớp tàu này nằm ở lực lượng tàu đổ bộ đệm khí. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã nhập mua tàu độ bộ đệm khí lớp Zubr từ Ukraine, biến sự nguy hiểm của tàu từ tiềm tàng trở thành thực tế. Zurb có lượng giãn nước lên hơn 550 tấn, có khả năng chở theo 3 xe tăng chiến đấu chủ lực, hoặc 10 xe thiết giáp, 140 lính. Zubr được trang bị hỏa lực tận răng với hai dàn phóng tên lửa tự động MS-227 cỡ 140mm, hai khẩu pháo cận chiến tự động AK-630 cỡ 30mm, hệ thống phòng không Igla-1M và khả năng rải thủy lôi (từ 20 - 80 quả).