Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay (31/10) đã lên tiếng bày tỏ sự phản đối chính thức về mặt ngoại giao đối với cái mà nước này gọi là “hành động khiêu khích nguy hiểm” của phía Nhật Bản khi theo dõi một cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun cáo buộc một tàu chiến và một máy bay quân sự của Nhật Bản đã làm gián đoạn cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật của Trung Quốc hồi cuối tuần trước. Tuy nhiên, ông Yang không cho biết cụ thể địa điểm chính xác nơi diễn ra cuộc tập trận.
Ông Yang còn cáo buộc, các tàu và máy bay của Nhật Bản đã tìm cách thu thập thông tin về cuộc tập trận của họ.
Ông Yang cho biết, phía Trung Quốc đã yêu cầu Nhật Bản phải "suy nghĩ về sai lầm của mình, có những hành động cụ thể, thực tế để sửa chữa lỗi lầm và chấm dứt ngay các hành động quấy rối các cuộc tập trận hợp pháp của Trung Quốc đồng thời đảm bảo những vụ việc tương tự như vậy không tái diễn". "Nếu không, phía Nhật Bản sẽ phải chịu mọi hậu quả”, ông Yang cảnh báo.
Theo lời ông Yang, hôm 23/10, Trung Quốc đã phát đi một cảnh báo thông qua Tổ chức Hàng hải Quốc tế về việc Hải quân nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật ở một khu vực nhất định thuộc Tây Thái Bình Dương trong thời gian từ ngày 24/10 đến 1/11. Tàu thuyền và máy bay các nước khác đã được khuyến cáo tránh xa khu vực tập trận.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, tàu Số 107 của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã phớt lờ những yêu cầu liên tiếp của phía Trung Quốc, cố tình xâm phạm vào vùng tập trận lúc khoảng 10h41 sáng ngày 25/10. Tàu chiến của Nhật Bản đã ở trong vùng tập trận cho đến 7h32 sáng ngày 28/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tố cáo như vậy. Ông này còn tố thêm rằng, các máy bay do thám của Nhật Bản liên tục ra vào vùng tập trận của phía Trung Quốc.
Trong suốt cuộc tập trận của hạm đội hải quân Trung Quốc, các tàu chiến và máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tiến hành những hoạt động do thám, giám sát, theo dõi ở cường độ cao, ông Yang cáo buộc.
"Điều đó không chỉ là hành động can thiệp vào cuộc tập trận thông thường của chúng tôi mà gây nguy hiểm đến sự an toàn của các tàu thuyền, máy bay của chúng tôi. Diễn biến này còn có thể dẫn đến một sự tính toán sai lầm, một tai nạn rủi ro hay một sự việc vô tình bất ngờ xảy ra. Những hành động và việc làm đó của Nhật Bản không chỉ đi ngược lại các thông lệ quốc tế mà còn vi phạm các quy định trong quan hệ quốc tế”, phát ngôn viên Yang đã nói như vậy tại cuộc họp báo.
Ông Yang chỉ trích gay gắt rằng: "Đó là một hành đông khiêu khích cực kỳ nguy hiểm và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã chính gửi văn bản phản đối chính thức đến phía Nhật Bản”, ông Yang nói thêm. Những văn bản phản đối như vậy thông thường thường được gửi qua kênh Bộ Ngoại giao. Vì thế, bước đi vừa rồi của Bộ Quốc phòng Trung Quốc là rất bất thường. Nó cho thấy quân đội Trung Quốc đang thực sự tức giận.
Đối đầu Trung-Nhật diễn biến đáng lo ngại
Hiện tại, Nhật Bản chưa đưa ra phản ứng gì trước những lời tố cáo và chỉ trích nói trên của phía Trung Quốc.
Trong khi đó, một cựu sĩ quan quân đội Nhật Bản tuần này cho rằng, tình hình ở biển Hoa Đông đang thực sự đáng lo ngại. “Vì Trung Quốc đang ngày trở nên tích cực hơn nên chúng tôi có nhiều cơ hội để đối đầu nhau hơn. Nếu có chuyện gì đó tình cờ xảy ra, nó rất có thể sẽ làm cho quan hệ giữa hai nước xấu đi trầm trọng”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang bị phủ bóng đen bởi một cuộc tranh chấp nóng bỏng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ sau khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm ngoái, quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới rơi vào tình trạng căng thẳng cao độ.
Tàu thuyền sau này là cả máy bay chiến đấu của hai nước Trung-Nhật thường xuyên rượt đuổi, đối đầu nhau đầy nguy hiểm ở gần quần đảo tranh chấp, làm dấy lên nguy cơ một cuộc va chạm vô tình hay một sự việc không có chủ đích có thể leo thang thành một cuộc xung đột quân sự đáng sợ.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang nằm trong sự kiểm soát của Tokyo nhưng Bắc Kinh được cho là đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây. Tuy nhiên, chiến lược của Trung Quốc đang vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Nhật Bản, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Abe lên cầm quyền. Chính quyền ở Tokyo đã cho thấy, họ sẽ không nhân nhượng trước một Bắc Kinh ngày một quyết liệt và cứng rắn.
Hồi cuối tuần vừa rồi, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích thông tin trên báo chí Nhật Bản về việc Thủ tướng Abe thông qua một chính sách cho phép lực lượng của họ bắn hạ máy bay không người lái xâm phạm không phận Nhật Bản. Ông Abe tuyên bố, Tokyo sẵn sàng đối đầu quyết liệt hơn với Bắc Kinh và sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động phá vỡ thế nguyên trạng nào trong khu vực, ám chỉ đến quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.