Có lạc hậu không?
Trong những năm gần đây Nga đã quan tâm nhiều tới việc phát triển và hiện đại hóa lực lượng Hải quân (HQ). Nhưng cùng với đó, có ý kiến cho rằng cần phải nói một cách cởi mở là Nga đang cho ra lò những tàu chiến mới bằng các công nghệ lỗi thời.
Trong đó, khả năng chiến đấu của một số loại vũ khí bị đặt dấu hỏi nghi ngờ. Sự lạc hậu này cũng đã được các chuyên gia quân sự có nhiều năm kinh nghiệm, công tác ở nhiều cương vị khác nhau trong HQ Nga đề cập tới.
Thứ nhất, có thể thấy rõ rằng, đa số các nước phát triển trên thế giới đã đưa vào sử dụng những hệ thống vũ khí mới, bao gồm cả tên lửa chống hạm có những tính năng chiến đấu vượt trội.
Việc xuất hiện những tên lửa kiểu này sẽ trở thành mối đe dọa thực sự, bởi vì chúng có diện tích phản xạ rất nhỏ chỉ cỡ 0,01 tới 0,1m2, lại bay rất thấp với tốc độ khá lớn.
Ở quỹ đạo bay cuối cùng chúng có thể thực hiện các đường bay phức tạp, cơ động theo phương thẳng đứng hoặc phương ngang. Do vậy cần phải nhanh chóng triển khai công tác nghiên cứu và chế tạo các thiết bị để chống lại loại vũ khí này.
Tàu khinh hạm Đô đốc Gorshkov.
Thứ hai, theo tính toán của Viện Nghiên cứu khoa học thuộc BQP Nga, vũ khí quan trọng nhằm chống lại các cuộc tấn công nhằm vào bất cứ tàu chiến nào trong bán kính từ 300m đến 4km chính là tổ hợp pháo phòng không tầm ngắn.
Chúng nên được trang bị pháo từ 20 đến 40mm và hệ thống điều khiển hoả lực tự động hiện đại.
Việc sử dụng các tổ hợp pháo phòng không này đã được chứng minh trong thực tế tại các trận hải chiến cường độ cao, khi kẻ địch liên tiếp phóng tên lửa tấn công cấp tập từ mọi góc độ khác nhau, kể cả “từ sau lưng”.
Theo phân tích kinh nghiệm chiến đấu trên biển như trong cuộc xung đột Anh - Argentina tại khu vực quần đảo Falkland (Malvines) hồi tháng 4-6/1982 cho ta thấy nhiều điều.
Các loại pháo bắn nhanh cỡ nhỏ có khả năng tạo ra một bức màn hoả lực trước đường bay của những mục tiêu trên không, có thể trở thành một vũ khí hiệu quả hơn để chống lại các mục tiêu tiếp cận trên biển so với tổ hợp tên lửa phòng không.
Tốc độ bắn cao (5.000 viên/phút) và thời gian ứng phó chớp nhoáng (không quá 3-5 giây) của các tổ hợp pháo phòng không tầm ngắn hiện đại cho phép đạt được những kết quả tối ưu trong việc vô hiệu hóa các cuộc tấn công của đối phương.
Câu trả lời là... có!
Một câu hỏi hết sức tự nhiên được đặt ra: Như vậy các tổ hợp pháo phòng không tầm ngắn hiện đại do Nga sản xuất đang được trang bị trên những tàu chiến của họ có đầy đủ các tính năng kể trên hay không?
Đáng tiếc, gần như không có một tàu chiến nào hiện đang phục vụ trong Hải quân Nga có các tính năng này.
Tồi tệ hơn, những tàu chiến đang được chế tạo, dự kiến sẽ lại được trang bị các tổ hợp pháo phòng không tầm ngắn lỗi thời và kém hiệu quả.
Đây là một viễn cảnh khó chấp nhận và ở chừng mực nào đó, gây thất vọng. Như vậy, đó sẽ chính là tương lai của hạm đội tàu chiến Nga trong những năm tới đây nếu như chỉ quan tâm tới hình thức và không có giải pháp nào xứng tầm.
Hiện nay, Nga có 3 nhà máy chuyên thiết kế và chế tạo các tổ hợp pháp phòng không dành cho tàu chiến như: Công ty Thiết kế máy chính xác mang tên Nudelman tại Moscow cùng Văn phòng Thiết kế dụng cụ (KBP) và Nhà máy cơ khí Tula đều ở TP. Tula.
Cần phải thừa nhận rằng, một trong những tổ hợp pháo phòng không 30mm mạnh nhất và chính xác nhất hiện nay trên thế giới là Goalkeeper do các nước NATO sản xuất và đưa vào sử dụng trong những năm 80 của thế kỷ trước.
Hệ thống phòng thủ tầm cực gần Goalkeeper.
Và thay vì chế tạo một loại vũ khí xứng tầm để làm đối trọng và vượt trội so với "Goalkeeper' thì KBP dù mất tới hàng chục năm (bắt đầu từ năm 1994) lại không thể chế tạo được gì hơn ngoài "các vũ khí đồ chơi".
Các tổ hợp pháo tên lửa phòng không kiểu "Pantsir-S1" được lòng lãnh đạo Chính phủ Nga và bán rất chạy tại các nước "thế giới thứ ba" nhưng lại không được lục quân chấp nhận như một loại vũ khí phòng không cận chiến chủ lực.
Bên cạnh đó, khẩu pháo tự hành AO-18 do Gryazev và Shipunov thiết kế, không được cải tiến từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước.
Trong khi đó, các nhà thiết kế vũ khí của Nga lại mất nhiều năm quan tâm tới việc nên trang bị tên lửa phòng không đời mới nào cho tổ hợp pháo - tên lửa phòng không còn chưa khô sơn "Pantsir-M" mà dự kiến sắp được bàn giao cho Hải quân Nga trong năm 2016!
Pantsir-M.
Đồng thời, thậm chí các nhà chế tạo tổ hợp này còn chưa công bố báo cáo về kết quả thử nghiệm tổ hợp pháo – tên lửa phòng không này. Và câu trả lời thường gặp – đây là đề tài mật, báo giới không có quyền truy cập…
Hãy thử nghĩ xem, các tính năng kỹ - chiến thuật của tổ hợp pháo - tên lửa phòng không trên biển siêu hiện đại lại dựa trên những kết quả thử nghiệm tại thao trường "Kapustin Yar" trên cạn!?
Vậy những tác động lên hệ thống radar định vị của tàu chiến như thế nào trong điều kiện mặt nước? Đương nhiên là khác hẳn so với trên cạn. Đây hoàn toàn là những vấn đề liên quan tới khía cạnh vật lý.
Các chuyên gia về vũ khí hải quân đều hiểu rằng tầm bay thấp của các tên lửa chống hạm hiện đại (không quá 3-5m trên mặt biển) sẽ có thể vô hiệu hoá được các radar, đặc biệt trong điều kiện thời tiết và nhiệt độ của mặt nước thay đổi.
Làm sao có thể tính toán được những điểm bất lợi này trong điều kiện thử nghiệm tại thao trường trên đất liền? Và mọi thứ vẫn nhận được cái gật đầu trong im lặng hoặc đồng tình của BQP và Hội đồng chuyên gia thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Nga.
Sự cảnh giác và tính chuyên nghiệp của họ, nhiều khả năng, đã bị che lấp bởi việc lần đầu tiên Pantsir-M phiên bản hải quân được trang bị hệ thống radar anten mảng pha thụ động.
Tuy nhiên, hệ thống này bị coi là không hợp lý và không cần thiết bởi vì ngoài những tính năng vượt trội của hệ thống radar định vị, anten mảng pha lại có những lỗ hổng, trước tiên, liên quan tới tầm quét rất hẹp so với anten parabol và anten rãnh.
Tất nhiên, từ quan điểm sử dụng hệ thống radar có anten mảng pha thụ động để bắn hạ các mục tiêu trên biển bằng tên lửa phòng không là điều hoàn toàn hợp lý. Nhưng đối với pháo phòng không trên tổ hợp "Pantsir-M" thì tầm quét lại là yếu tố quyết định.
Chính vì lẽ đó, khi tiến hành cải tiến hệ thống pháo phòng không "Goalkeeper", BQP Hà Lan và Tập đoàn Thales (Pháp) đã không đưa ra bất cứ thay đổi nào liên quan tới hệ thống radar định vị mà vẫn giữ nguyên anten Cassegrain cổ điển.
Đồng thời, họ cũng bằng mọi giá không động chạm tới thiết bị trinh sát bằng anten rãnh hiện có.
Trong quá trình cải tiến, theo kế hoạch, những tính năng hiện tại của "Goalkeeper" sẽ được tăng cường thêm bằng việc sử dụng hệ thống theo dõi quang – điện tử hiện đại và áp dụng các thuật toán điều khiển và ứng dụng chiến đấu mới.
Nhờ đó, độ chính xác của tổ hợp này có thể vượt gấp 3,5 lần hệ thống pháo phòng không AK-630M của Nga.
Tổ hợp Kortik.
Có nghĩa là, trong khi người Nga tiếp tục vận hành vô thời hạn hệ thống pháo - tên lửa phòng không vốn được các chuyên gia hải quân chỉ ra nhiều yếu điểm từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, thì các đối thủ tiềm tàng của Nga lại có những bước đi hợp lý.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không của Nga được sử dụng từ thời Liên Xô và được Quân đội Nga kế thừa gần 30 năm qua là loại vũ khí lạc hậu.
Tổ hợp này với thiết kế 2 khoang đẩy tên lửa và triển khai pháo phòng không hai bên không còn thích hợp về mặt logic cũng như chiến thuật triển khai các trận hải chiến chớp nhoáng hiện đại để trang bị trên các tàu chiến thế hệ mới của Nga.
Theo thông tin từ Trung tâm thiết kế Máy chính xác mang tên Nudelman, từ tháng 1/2016 sẽ bắt đầu thử nghiệm tổ hợp pháo-tên lửa phòng không "Palma".
Tổ hợp Palma.
Tuy nhiên, theo trang Topwar.ru (21/3/2014), các lần thử nghiệm trước từ năm 2007 của tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Palas (một tên gọi khác của Palma) đã thất bại và sau đó tổ hợp này chỉ được đưa vào sử dụng thử nghiệm…
Như vậy, từ những thông tin có được cho thấy, các đối thủ tiềm năng của Nga quan tâm và chú trọng nhiều hơn tới việc hoàn thiện các vũ khí phòng không cận chiến dành cho tàu hải quân của mình.
Về phía Nga, tất cả các tàu chiến được thiết kế, chế tạo và rời cảng lại hoàn toàn không được trang bị hệ thống phòng không cận chiến đa lớp.
Có cảm giác như công tác chế tạo và trang bị vũ khí cho các tàu chiến này do những nhà thầu được mời tham gia một cách tình cờ chứ không phải các chuyên gia kinh nghiệm. Để chứng minh cho điều này, cùng lấy ví dụ chiếc tàu hộ vệ lớp 20380 Steregushy.
Theo đánh giá của tổng công trình sư Alexander Shlyakhtenko, "Steregushy được thiết kế bởi Trung tâm thiết kế Almaz (Nga) là chiếc tàu tuần tra đa năng với những thông số kỹ thuật độc đáo và hệ thống vũ khí phục vụ cho các chiến dịch trên biển".
Vậy đánh giá này có đúng với thực tế hay không? Theo những thông tin mở được đăng tải, hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa của chiếc tàu hộ vệ này do tổ hợp pháo – tên lửa phòng không 3M87 Kortik được lắp đặt ở phần mũi tàu đảm nhận.
Trong trường hợp xảy ra hải chiến, chiếc tàu hộ vệ sẽ phải hành động trong điều kiện đối phương tấn công phủ đầu từ trên không và chỉ có thể dựa vào hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa của mình.
Nhưng Hải quân Nga có gì để chiếc tàu hộ vệ lớp 20380 không gặp phải tình huống từng xảy ra với chiếc tàu khu trục "Stark" (Mỹ) vào ngày 17/5/1987?
Khi đó, máy bay tiêm kích F-1 của Iran dùng 2 tên lửa chống hạm "Exocet" đã bắn trúng phần mũi tàu bởi vì tổ hợp pháo phòng không "Vulcan-Falanx" 20mm chỉ được trang bị ở phần đuôi tàu!
Gần như chiếc tàu hộ vệ chủ lực "Steregushy" cũng như các tàu chiến "Soobrazitelny" cùng những tàu mới "Boiky" và "Stoiky" thuộc lớp 20380 không được bảo vệ khỏi tên lửa chống hạm ở cả phần mũi lẫn phần đuôi.
Nguyên nhân là do tổ hợp pháo AK-630M và hệ thống radar "Vympel" nằm cách nhau 10-15m, trong khi đó hệ thống radar của "Goalkeeper" chỉ cách khẩu pháo vẻn vẹn 10cm.
Điều này khiến cho độ chính xác của hệ thống điều khiển tổ hợp bị ảnh hưởng kéo theo cả độ chính xác khi tiêu diệt mục tiêu.
Tàu hộ vệ chủ lực lớp 20380 Steregushy.
Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều câu hỏi liên quan tới việc tổ hợp phòng không AK-630M được giấu bên trong hốc, dường như, với mục đích cho đối phương không thể phát hiện.
Trong khi mục đích chính của bất cứ tổ hợp pháo phòng không nào là hi sinh để cứu chiếc tàu khỏi bị nhấn chìm thì một tổ hợp pháo phòng không với tầm bắn bị hạn chế và còn được "giấu" trong hốc sẽ cứu chiếc tàu bằng cách nào?
Độ chính xác của AK-630M, theo thông số đánh giá, ở trong khoảng 4,0-4,28mRad. Điều này có nghĩa rằng, với tầm bắn 1.500m thì độ chệnh hướng ngẫu nhiên của đạn pháo từ điểm ngắm bắn lên tới từ 4 đến 4,28m và diện tích khu vực chệnh hướng sẽ ở mức 40m2.
Nói ngắn gọn, cứ 1.000 viên đạn do tổ hợp pháo phòng không bắn ra thì chỉ có không quá 4 viên bắn trúng tên lửa chống hạm với diện tích bề mặt cắt ngang chỉ vỏn vẹn 0,1m2.
Mặt khác, để bắn 1.000 viên đạn về phía mục tiêu phải mất không dưới 12 giây (với tốc độ bắn khoảng 5.000 viên/phút).
Trong quãng thời gian này, kể cả loại tên lửa chống hạm tốc độ thấp hơn tốc độ âm thanh được sản xuất từ cuối những năm 60 đầu những năm 70 của thế kỷ trước cũng bay được 3.000m.
Tổ hợp phòng không AK-630M giấu bên trong thân tàu.
Bên cạnh đó, chúng ta còn chưa bàn chi tiết tới tốc độ phản ứng của tổ hợp đối với những mục tiêu khi chúng xuất hiện trên biển. Hiệu quả của tổ hợp Kortik còn kém hơn nhiều so với những đánh giá về tổ hợp pháo AK-630M.
Đồng thời, không thể không ngạc nhiên và tiếc nuối với việc dự kiến chiến hạm nguyên tử mang tên lửa Đô đốc Nakhimov mà hiện đang được đại tu và cải tiến với tổng chi phí lên tới 50 tỷ rúp cũng sẽ được lắp đặt 6 tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Kortik-M.
Thật đáng tiếc, tình trạng tương tự cũng diễn ra với toàn bộ các tàu chiến được đưa vào sử dụng trong 10-12 năm gần đây.
Hãy cùng chú ý tới chiếc tàu khu trục lớp 22350 hoặc các pháo hạm hạng nhỏ lớp 21630 thuộc quân số của Hạm đội Caspi và từng trở nên nổi tiếng sau các vụ phóng tên lửa tại Syria vào ngày 7/10/2015.
Hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa không chỉ không hiệu quả mà hoàn toàn không được trang bị trên các tàu chiến này…
Pháo hạm hạng nhỏ lớp 21630.
Về phía những đồng minh cũng như kẻ thù tiềm năng của Nga, ví dụ như khối NATO, có thể nghiên cứu về hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của tàu sân bay hạng nhẹ Hải quân Hoàng gia Anh Invinsible.
Tàu sân bay Invinsible.
Có thể thấy, tổ hợp pháo phòng không Goalkeeper và các tên lửa phòng thủ của chiếc tàu sân bay này được lắp đặt trên boong rất hợp lý hoàn toàn loại bỏ được các cuộc tập kích bất ngờ tên lửa chống hạm và những vũ khí khác nhằm vào phần mũi tàu.
Ngoài ra, các tên lửa phòng không phía sau tổ hợp Goalkeeper hoàn toàn không ảnh hưởng tới tầm bắn của tổ hợp và cũng có tầm bắn độc lập cho riêng mình.
Tới lượt Trung Quốc, họ đã lắp đặt phiên bản tổ hợp pháo phòng không sao chép lại Goalkeeper một cách không mấy thành công trên chiếc tàu khu trục Liễu Châu ở đúng bên hông tàu giống như những gì người Nga làm.
Và họ, người Trung Quốc, tất nhiên học hỏi và cóp nhặt tất cả những gì tốt nhất trên thế giới. Nhưng ngoại hình không thôi thì chưa đủ, cần phải có thứ gì đó khác biệt…
Các dự án pháo phòng không Type 730 hoặc Type 1130 đã sao chép những tính năng của tổ hợp Goalkeeper.
Tuy nhiên, để tăng cường sức mạnh hoả lực, người Trung Quốc đã bỏ quên các nguyên tắc cơ bản khi "nhồi nhét" 11 khẩu pháo vào trong một tổ hợp pháo phòng không.
Tổ hợp pháo phòng không Type 1130.
Chính vì vậy, 3 'con quái vật" Type 1130 chỉ được các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc lắp đặt trên tàu sân bay Liêu Ninh duy nhất hiện nay của mình và tổ hợp này quá nóng khi thực hành xạ kích.
Như vậy, có thể đưa ra một kết luận hoàn toàn gây thất vọng liên quan tới quá trình hiện đại hoá hạm đội của Nga: Mong muốn điều gì đó tốt hơn – nhưng nhận được điều như mọi khi».
Hay nước Nga cần những trận Tzusima và Port-Artur mới để nhớ lại câu nói của đô đốc Stepan Makarov «Hãy nhớ tới chiến tranh!» được khắc lên đài tượng niệm tại Cronshtadt.
Đừng bao giờ đánh giá thấp đối phương của mình dù thế nào đi chăng nữa, hãy luôn sẵn sàng không chỉ tấn công phủ đầu mà còn đập tan mọi hành động đáp trả từ phía đối phương.