Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN& PTNT) sử dụng tàu HP 9002 chở dầu, thuốc chữa bệnh, thực phẩm khô…đáp ứng nhu cầu phục vụ lực lượng thực thi pháp luật liên tục bám biển, tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Hiện các kiểm ngư viên trên tàu HP 9002 rất nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua với những tàu làm nhiệm vụ ở tuyến đầu theo phương châm: “Nhanh, kịp thời, đầy đủ và an toàn”.
Sát cánh cùng lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa
Hơn 6 giờ, trong khi sóng biển tại Hoàng Sa vào khoảng cấp 3, cấp 4 thì tàu CSB 4032 từ từ tiến lại áp mạn phải tàu HP 9002. Sau khi cố định dây ghìm, các kiểm ngư viên trên tàu HP 9002 nhanh chóng mang đệm va áp chặt thành mạn và lan can, giúp cho tàu CSB 4032 cập mạn êm thuận. Không đầy 7 phút sau, với sự nỗ lực của cả hai phía, tàu CSB 4032 đã cập mạn an toàn. Ngay lập tức, ống bơm dầu được các kiểm ngư viên chuyển đến và cố định vào bích nhận dầu. Dầu đi-ê-zen.
Lúc này, Trần Hoàng An, cán bộ của chi đội kiểm ngư Vùng 3 mới tạm hài lòng vì đã thực hiện xong phần việc khó khăn nhất. Anh An chia sẻ, ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng biển Hoàng Sa và đưa nhiều tàu Hải cảnh, Hải giám, đầu kéo ra ngăn cản các tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ, hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá của Việt Nam thì các tàu HP 9002 cũng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Tuy không có mặt tại hiện trường, song qua nắm thông tin, mọi người đều rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà các tàu CSB và kiểm ngư đang phải đối mặt. “Chúng tôi thống nhất, tổ chức trực canh ngày đêm, sẵn sàng cơ động, tổ chức cấp hàng cho các tàu nhanh, kịp thời, đầy đủ và an toàn”, anh An nói.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, số hàng mà tàu HP 9002 mang theo cung cấp cho các tàu làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa có nhiều chủng loại khác nhau, ngoài lượng lớn nhiên liệu lỏng còn có cả nước gọt, thực phẩm khô, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh…. Trung úy Trịnh Văn Duy, Trưởng ngành cơ điện tàu CSB 4032 phân tích: Các tàu của lực lượng CSB thường có dung tích dự trữ nhiên liệu hạn chế, thời gian làm nhiệm vụ liên tục ngắn, do vậy, việc cấp nhiên liệu gần hiện trường sẽ tăng thời gian và hiệu suất làm nhiệm vụ của tàu tại hiện trường.
Trên tàu HP 9002 chúng tôi gặp và được kiểm ngư viên Trần Văn Huy chia sẻ những tâm sự hết sức chân tình. Anh Huy kể, nếu không có sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa thì ngày 18-5 vừa qua, gia đình hai bên đã làm lễ kết hôn cho anh. Vợ chưa cưới của anh là cô giáo mầm non. Hôm chia tay lên đường làm nhiệm vụ, vợ chưa cưới không khóc mà còn động viên anh rất nhiều. Cô mong anh an tâm và sẵn sàng chờ đợi cho đến ngày anh cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về.
Hiện nay, bố của Trần Văn Huy đi viện và được các bác sĩ bệnh viên Lao Kiến An (Hải Phòng) chẩn đoán bị bệnh lao. Anh tâm sự, trong hoàn cảnh này anh thấy thương bố, muốn động viên bố cố gắng ăn và điều trị khỏi bệnh, song điều kiện làm nhiệm vụ trên biển dài ngày không cho phép. “Nhiều anh em kiểm ngư làm nhiệm vụ tại thực địa còn có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi rất nhiều, luôn đối mặt với các hiểm nguy rình rập, nhiều người bị thương do tàu Trung Quốc chủ động đâm va, phun vòi rồng… Tôi sẵn sàng ra thực địa làm nhiệm vụ. Tôi muốn nói với họ rằng, chúng tôi sẽ là điểm tựa gần nhất, tin cậy nhất, luôn sát cánh cùng các tàu kiểm ngư và CSB ở phía trước”, Trần Văn Huy khẳng định.
Chủ động các phương án cung cấp
Cấp hàng trên biển là một nhiệm vụ khó khăn, nhất là trong điều kiện sóng to, gió lớn. Các loại hàng cứng thì có thể chủ động dùng xuồng để cập mạn tàu và chuyển tới. Tuy nhiên, cấp nhiên liệu lỏng cho máy tàu hoạt động là việc không hề đơn giản và rất dễ mất an toàn.
Vũ Thế Anh, Thuyền trưởng tàu HP 9002 cho biết, tùy vào mức độ và điều kiện sóng, gió trên biển, tùy vào trọng tải và lượng giãn nước của các tàu mà có phương án cấp nhiên liệu khác nhau. Nếu sóng cấp 3, cấp 4, mặt boong của tàu nhận nhiên liệu lỏng thấp thì có thể áp dụng phương pháp áp mạn, sau đó bơm nhiên liệu sang. Nhưng nếu sóng, gió từ cấp 6, cấp 7 trở lên thì phải cấp theo phương pháp lai kéo và song song.
Lúc ấy tàu cấp và tàu nhận nhiên liệu lỏng đi ngang, song song với nhau hoặc tàu nhận đi sau tàu cấp đều được. Tuy nhiên, theo đánh giá của những thuyền trưởng có kinh nghiệm, cả hai phương pháp này đều rất khó thực hiện vì hai tàu phải vận hành cùng vận tốc và luôn giữ khoảng cách an toàn. Khi 2 tàu cùng hành trình trên biển, ống bơm nhiên liệu lỏng luôn luôn phải đáp ứng độ dài và độ võng cũng như độ bền cho phép. Mặt khác, sóng gió trên biển thường có diễn biến khó lường, có thể đẩy hai tàu ra xa nhau, nhưng cũng có thể làm hai tàu xích lại gần nhau. Do vậy, lực lượng làm nhiệm vụ phải có chuyên môn cao, phối hợp hết sức ăn khớp và nhịp nhàng, sẵn sàng xử lý nhanh, chính xác các tình huống bất chắc.
Theo Thượng úy Vũ Trọng Huân, Thuyền trưởng tàu CSB 4032, để nhận được nhiên liệu lỏng trên biển trong điều kiện sóng cấp 4, cấp 5 như hiện nay thì phải tính toán kỹ, lựa chọn phương án cập mạn hợp lý và an toàn tuyệt đối. Nếu thực hiện việc này thành công thì coi như việc cấp và nhận nhiên liệu lỏng trên biển thắng lợi tới 70%.
Thực tế, việc cập mạn giữa tàu CSB 4032 và HP 9002 trong điều kiện sóng cấp 3, cấp 4 vừa qua cho thấy, chỉ cần sự cố nhỏ trong hiệp đồng giữa bộ phận hàng hải và cơ điện cũng sẽ làm cho tàu di chuyển không đúng ý định. Bên cạnh đó, để cập mạn thành công còn phải có sự hiệp đồng và phối hợp ăn ý của lực lượng bên tàu cấp. Bởi nếu không chủ động, chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể khiến cho hai mạn tàu va chạm nhau, gây móp méo, biến dạng và hư hỏng vỏ ngoài. Đặc biệt, nếu vỏ mạn tàu cấp nhiên liệu lỏng bị thủng thì sự cố là vô cùng lớn và rất khó khắc phục. Tuy nhiên, do xác định tốt nhiệm vụ, với tinh thần tất cả vì Hoàng Sa, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, thời gian qua, các kiểm ngư viên trên tàu HP 9002 đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý, cấp hàng nhanh, kịp thời, an toàn; giúp lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật kiên trì, kiên quyết bám trụ và đấu tranh hiệu quả với các hành động xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam.