Được kỳ vọng sẽ trở thành chiếc chiến xa uy lực nhất trong lịch sử tăng thiết giáp của Nga, Armata chính là yếu tố giúp Moscow có thể cân bằng sức mạnh quân đội của mình với phương Tây cũng như Mỹ. Và điều này thêm một lần nữa được khẳng định khi tiến độ chế tạo Armata đang được gấp rút hoàn thành.
Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, với tiến độ hiện tại, dòng xe tăng thế hệ mới của Nga sẽ ra mắt nguyên mẫu vào cuối năm 2013. Tới năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga sẽ ký hợp đồng mua 16 Armata mới để phục vụ quá trình thử nghiệm đánh giá chất lượng và thực chiến.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Armata mới với quy chuẩn về đặc tính kỹ - chiến thuật, hệ thống nạp đạn, cơ cấu khoang lái và thiết bị hỗ trợ điều khiển bắn mới. Cơ cấu nạp đạn tự động của Armata sẽ gồm 32 cơ số đạn tùy chọn cho các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau và có khả năng vừa di chuyển vừa bắn.
Toàn bộ thông tin kỹ - chiến thuật của Armata hiện vẫn được giữ bí mật. Theo các thông tin mới nhất, Armata sẽ được trang bị module chiến đấu tự động hóa hoàn toàn cho phép sử dụng tháp pháo khác với xe tăng truyền thống.
Phó Giám đốc Tập đoàn Tractor Plants (đơn vị được giao nhiệm vụ thiết kế Armata), ông Mikhail Levshunov xác nhận, xe tăng Armata sẽ được trang bị “robot súng máy” có thể tự động tiêu diệt mục tiêu đã chọn và “nó sẽ tự bắn cho đến khi mục tiêu bị tiêu diệt”. Ông này cho biết, các công trình nghiên cứu module điều khiển từ xa được tiến hành trong khuôn khổ nghiên cứu chế tạo các mẫu trang bị kỹ thuật lục quân mới.
Theo đó hệ thống súng máy tự động này có thể tiêu diệt mục tiêu trên không và trên bộ. Nhờ bộ ngắm tìm nhiệt nên trang bị này có thể hoạt động cả ban đêm, khi trời mưa và sương mù.
Hiện xe tăng và pháo tự hành lắp súng máy có kính ngắm thông thường bên ngoài xe. Để bắn chúng, phải chui ra khỏi xe qua cửa lật, mà như vậy có nghĩa là có thể bị thương vong vì hoả lực của đối phương. Các hệ thống robot hoá cho phép duy trì hoả lực từ xa, không phải chui ra khỏi khoang bọc thép của xe. Ngoài ra, có thể lựa chọn mục tiêu cho súng máy tự động hoá, sau đó máy bám tự động sẽ bám theo mục tiêu đó cho đến khi tiêu diệt được nó là nguyên tắc hoạt động của hệ thống robot súng máy được triển khai trên tăng Armata.
Máy tính điện tử trên xe tính toán quỹ đạo của mục tiêu, đưa ra lệnh điều khiển cho các động cơ điện tốc độ cao di chuyển súng. Việc bắt mục tiêu và điều khiển súng được thực hiện bằng cần điều khiển trên bàn công tác của người thao tác dựa theo màn hình của hệ thống điều khiển, màn hình này hiển thị hình ảnh do các máy ghi hình và tìm kiếm nhiệt đưa về. Theo nguồn tin mật thì Nga đã có những thử nghiệm thành công đối với hệ thống robot này và Armata được coi là dòng tăng đầu tiên có yếu tố “lai“ robot được sản xuất hàng loạt.
Với nguyên lý hoạt động của mình thì máy tính sẽ xác định loại mục tiêu và các thông số như tốc độ, độ cao, quỹ đạo chuyển động, tính lượng sửa do gió và thuật phóng. Vì vậy kíp lái chỉ phải chỉ ra mục tiêu, mọi việc còn lại do module tự thực hiện. Thêm nữa việc trang bị hệ thống súng máy tự động cho Armata đồng nghĩa với việc kíp điều khiển loại tăng này sẽ được rút gọn hơn nữa.
Đại diện quân đội Nga cũng tự tin với hệ thống súng máy tự động được triển khai trên Armata khi đánh giá hệ thống này ngang tầm với hàng Mỹ được triển khai trên tăng M1A2SEP đồng thời vượt xa những thiết kế tương tự của Tây Âu. Đó là những nhận định từ phía Nga, câu trả lời có lẽ sẽ sớm xuất hiện vào cuối năm nay khi Armata chính thức lộ diện.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!