Đã lâu S-300 chưa bắn đạn thật!
Trong chuyến kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Đoàn tên lửa phòng không 64 cuối năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước trưởng thành và phát triển vượt bậc, đi nhanh vào chính quy hiện đại của lực lượng PK-KQ và nhấn mạnh:
Tuy nhiên, đã 10 năm kể từ khi Quân chủng PK-KQ tiếp nhận các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa hiện đại S-300PMU1, chưa một lần các kíp trắc thủ được dịp "trổ tài" để "bắn rơi tại chỗ" mục tiêu ngay từ quả đạn đầu.
Lý do thì khá nhiều, nhưng có 3 nguyên nhân cơ bản nhất:
Trước hết, các kíp trắc thủ được huấn luyện thành thục và đã bắn đạn thật ở nước ngoài. Do đây là loại khí tài hoàn toàn mới, hết sức hiện đại nên toàn bộ kíp chiến đấu của các Đoàn S (tên gọi các Đoàn S3 và S4 khi mới thành lập) đều được huấn luyện ở nước ngoài.
Chỉ trong một thời gian ngắn, các kíp huấn luyện đã cơ bản tiếp thu tốt, thậm chí có nhiều sáng tạo khiến chuyên gia và giáo viên nước bạn cũng phải nể phục.
Đương nhiên, đã huấn luyện tiếp thu khí tài thì phải bắn đạn thật, quan trọng nhất là kiểm tra trình độ kíp trắc thủ xem liệu họ tiếp thu kiến thức và thực hành chiến đấu thế nào, có bắn rơi mục tiêu không. Đồng thời, đây cũng là quy trình nghiệm thu khí tài bắt buộc.
Các kíp tên lửa S-300PMU1 đã thực hành bắn đạn thật trên đất bạn, kết quả 100% xuất sắc diệt mục tiêu ngay từ quả đạn đầu.
Thứ hai, hệ thống huấn luyện mô phỏng của S-300PMU1 đáp ứng được yêu cầu cao nhất về "đề bài" để các kíp trắc thủ xử lý tình huống chiến đấu.
Bên cạnh đó, các đơn vị S-300 cũng tham gia nhiều cuộc diễn tập bắn đạn thật của đơn vị bạn, chủ yếu là huấn luyện thực hành bắt mục tiêu và huấn luyện kíp chiến đấu cơ động hành quân đường dài.
Thủ tướng kiểm tra công tác trực ban huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng điều khiển S-300. (Ảnh: TTXVN)
Thứ ba, điều kiện trường bắn trên bộ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu bắn đạn thật cho loại tên lửa phòng không tầm xa như S-300PMU1.
Như đã biết, tầm bắn tối đa của tên lửa 48N6E của tổ hợp S-300PMU1 đạt tới 150 km, tất nhiên rất ít trường hợp bắn hết tầm bởi nếu mục tiêu hướng ra hoặc có khả năng thao diễn tốt sẽ khiến xác suất trúng đích giảm.
Đất nước ta khá hẹp, dân đông nên khó xây dựng trường bắn rộng hàng nghìn km2 như nhiều nước để thỏa thích thử nghiệm vũ khí, diễn tập bắn đạn thật... Ngay như Trường bắn TB1 đang được xây dựng dù khá lớn và hiện đại cũng không thể đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, có thể kể thêm một lý do nữa là đạn tên lửa của S-300 (48N6E) có giá trị cao gấp nhiều lần đạn trang bị cho các tổ hợp tên lửa SA-2, SA-3. Bên cạnh đó mục tiêu bay cũng là vấn đề cần lưu tâm, nếu trong nước chưa chế tạo được có thể nhập khẩu.
S-300PMU1 sẽ bắn đạn thật?
Nghệ thuật quân sự tự cổ chí kim đều kết luận: "nuôi quân 3 năm, dụng quân 1 giờ". Tốn kém mấy thì tốn kém, không có gì thay thế được "thực chiến" giúp nâng cao kỹ năng chiến đấu và bản lĩnh của người lính.
Tóm lại, trước sau gì S-300PMU1 cũng cần "khai hỏa" trên thực địa để chứng minh "mình" xứng đáng là "lá chắn thép" đủ sức bảo vệ bầu trời trước các cuộc tiến công đường không bằng vũ khí có điều khiển chính xác, được phương tiện mang phóng đi từ rất xa.
Các trường bắn trên bộ hiện có đều không đủ điều kiện để bắn đạn thật S-300, do vậy, thích hợp nhất là bắn về hướng biển.
Khác với tên lửa đối hạm, S-300 là tên lửa phòng không tầm xa, từ độ cao siêu thấp cho tới độ cao lớn, liên quan đến các chuyến bay và hành lang bay dân dụng, nên để bắn thử S-300, ngoài cấm biển thì cần phải thêm cả yêu cầu "cấm bay".
Cần phải tính toán hợp lý khu vực và thời điểm "cấm bay" vừa để đảm bảo an toàn hàng không, vừa không ảnh hưởng nhiều tới việc điều chỉnh tạm thời các đường bay thương mại tránh khu vực bắn thử.
Do vậy, phương án tối ưu là S-300PMU1 sẽ bắn đạn thật cùng với các đợt bắn nghiệm thu hoặc diễn tập của Quân chủng Hải quân để tiết giảm tối đa ảnh hưởng tới hoạt động của ngư dân và hoạt động của các tuyến hàng hải, hàng không thương mại.
Hy vọng không lâu nữa chúng ta có thể chứng kiến tận mắt các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1 khai hỏa thể hiện uy lực, xứng đáng là "lá chắn tên lửa" hàng đầu Việt Nam.