Tại sao Israel chiến thắng trong "Cuộc chiến tranh sáu ngày"?

Lê Hùng |

Cách đây 48 năm, ngày 5/6/1967, Israel đã chủ động tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng chống lại các nước A rập.

Giới phân tích nghệ thuật quân sự gọi đây là “Cuộc chiến tranh sáu ngày”.

Và cho đến nay, cụm từ “Cuộc chiến tranh sáu ngày” (từ ngày 5 - 10/6/1967) tại Trung Cận Đông gần như đã trở thành một thuật ngữ quân sự. Thuật ngữ này có thể hiểu theo hai nghĩa:

Nghĩa rộng thì đó là một chiến thắng chớp nhoáng mang tính quyết định của một quốc gia trước một đối thủ có tiềm lực quân sự mạnh hơn.

Nghĩa hẹp - đó là thực hiện thành công chiến thuật đánh đòn tước khí giới (phủ đầu) vào các sân bay của đối phương để đảm bảo cho bên tấn công giành ưu thế tuyệt đối trên không và kết quả cuối cùng là giành chiến thắng trên mặt đất và chiến thắng chung cuộc.

Để làm rõ hơn, trong khuôn khổ một bài báo ngắn xin giới thiệu tóm tắt cuộc chiến tranh này.

Nguồn tư liệu được lấy từ: “Tại sao Quân đội Israel lại có thể chiến thắng trong cuộc Chiến tranh sáu ngày” đăng trên báo “ Russkaia Planeta” (Nga) tháng 2/1015 của A.Khramchikhin - Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Bên cạnh đó là một số thông tin từ Chương 3, Phần 2 của “ Bách khoa toàn thư nghệ thuât quân sự - các cuộc chiến tranh nửa sau thế kỷ XX ”, Nhà xuất bản Minsk-Literatura năm 1998 (sau đây gọi tắt là Bách khoa toàn thư).

1. Những diễn biến trước chiến tranh

Sau cuộc chiến Israel - các nước A rập năm 1956, theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, 3.400 lính “ mũ sắt xanh” của LHQ từ các nước Scandinaver, Canada, Brazil và Nam Tư được bố trí tại biên giới Israel - Ai cập để lập vùng đệm giữa các bên.

Từ thời điểm đó, tuy vẫn có các cuộc chạm súng lẻ tẻ giữa các tại các khu vực biên giới nhưng nói chung là tình hình không quá căng thẳng. Nhưng vào đầu năm 1967, bắt đầu đã có những diễn biến nguy hiểm.

Sáng ngày 07/4/1967, Quân đội Syria nã pháo dữ dội vào các khu vực dân cư của Israel.

Sau đó mấy giờ, Không quân Israel ném bom vào các trận địa pháo của Syria trên cao nguyên Goland và các máy bay chiến đấu Israel cất cánh từ các căn cứ không quân ở Galile xuất hiện trên bầu trời Damask.

Đã diễn ra các cuộc không chiến giữa Mirage của Israel và MiG của Syria, một số chiếc MiG của Syria đã bị bắn hạ, Israel không mất chiếc Mirage nào.

Ngày 14/5/1967, Ai Cập ban bố lệnh tổng động viên. Tổng thống Ai Cập G.Naser bắt đầu điều quân đến tập kết tại Bán đảo Sinai.

Đến cuối tháng 5, tại khu vực này đã có gần 100.000 lính Ai Cập cùng gần như toàn bộ những vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất Liên Xô mới cung cấp có mặt tại khu vực này.

Ngày 17/5. Tổng thống Ai Cập G. Naser yêu cầu LHQ rút toàn bộ Lực lượng gìn giữ hòa bình ra khỏi biên giới Ai Cập - Israel và 5 ngày sau đó đã đóng cửa eo biển Tiran. Tổng thư ký LHQ U Tan, dù không thông báo cho Hội đồng bảo an, đã chấp thuận yêu cầu này của Ai Cập.

Đối mặt với nguy cơ bị tấn công, Bộ Tổng tham mưu Israel dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng quốc phòng mới - tướng Moshe Daian đã lập kế hoạch tác chiến mang tên “Bồ câu”.

Ngày 26/5, Tổng thống Mỹ L.Johnson đã tiếp Bộ trưởng ngoại giao Israel và cam kết sẽ ủng hộ mọi biện pháp mà Israel áp dụng để giải tỏa eo biển Tiran.

Đến cuối tháng 5, một phần lớn lực lượng của Hạm đội 6 (Mỹ) được triển khai đến khu vực phía đông Địa Trung Hải. Một đội tàu chiến khác của Mỹ cũng được đưa đến Biển Đỏ.

2. Diễn biến cuộc chiến

Sáng ngày 5/6, chiến dịch mang tên “Cú đấm của Sion” của Israel bắt đầu.

Ai Cập, Syria, Iraq và Jordany (là những nước A rập tham chiến) trước thời điểm xảy ra chiến tranh có tổng cộng gần 700 máy bay chiến đấu, còn Israel - gần 300.

Trong 3 tiếng đồng hồ buổi sáng 5/6, các máy chiến đấu Israel liên tục công kích các sân bay của Ai Cập trên bán đảo Sinai và đồng bằng Sông Nile.

2/3 các máy bay của Ai cập bốc cháy ngay trên sân bay và không một chiếc nào có thể cất cánh. Sau ba ngày, ba nước A rập bị mất (theo các số liệu khác nhau) từ 360 đến 420 máy bay ngay trên các sân bay và trong các trận không chiến.

Phía Israel bị tổn thất (trong các trận không chiến và bị các phương tiện phòng không mặt đất đối phương bắn hạ) - từ 18 đến 44 máy bay. Sự khác biệt giữa con số tổn thất máy bay của hai bên rõ ràng là quá lớn.

Tuy nhiên, nếu cứ lấy số liệu tổn thất cao nhất của ba nước A rập (420 máy bay) thì đến sáng ngày thứ hai của cuộc chiến, số lượng máy bay của hai bên xung đột vẫn tương đương nhau.

Tuy nhiên, dù một vài cuộc không chiến vẫn diễn ra cho đến ngày 9/6, phía Israel vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trên không.

Có 3 nguyên nhân chính (theo A,Khramchikhin): 1/ các phi công Israel được đào tạo và huấn luyện tốt hơn (chưa nói tới yếu tố tinh thần), 2/ hệ thống chỉ huy không quân hoàn thiện hơn và 3/ Quân A rập bị sốc nặng sau thất bại ngày đầu tiên 5/6.

Chiếm ưu thế trên không có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến thắng trên mặt đất, dù các chiến dịch trên bộ đối với Quân đội Israel không hề dễ dàng. Sư đoàn bộ binh cơ giới số 6 của Ai cập trong 2 ngày đầu chiến tranh đã tiến sâu vào lãnh thổ Israel tới 10 km.

Mặc dù vậy, Quân đội Israel do làm chủ trên không, có các sỹ quan và binh sỹ thiện chiến, nắm được quyền chủ động nên đã đánh bại Quân đội các nước A rập. Ngoài ra, còn một yếu tố nữa - giới lãnh đạo Ai cập đã rơi vào tình trạng hoảng loạn.

Sáng ngày 6/6, Tổng tư lệnh Quân đội Ai cập tướng Amer ra lệnh cho Bộ đội Ai cập ở Sinai rút lui. Rút lui trong điều kiện liên tục bị người Do Thái công kích từ trên không đã nhanh chóng biến thành một cuộc tháo chạy hoảng loạn và dẫn đến thảm họa.

Các hoạt động tác chiến trên bán đảo Sinai kết thúc sáng ngày 09/6.

Về phía Ai cập có từ 10.000 đến 15.000 binh sỹ thiệt mạng, 5.000 bị bắt làm tù binh, mất gần 800 xe tăng (291 T-54, 82 T-55, 151 T-34/85, 72 IS-3M, 29PT -76, 50 “Sherman”, một khối lượng lớn các phương tiện kỹ thuật bọc thép khác.

Không những thế, một số lượng lớn các xe tăng và xe vận tải bọc thép còn nguyên vẹn đã rơi vào tay Quân đội Israel.

Chiến lợi phẩm nhiều đến mức mà mặc dù không có các phụ tùng Xô Viết để thay thế, người Do Thái đã đưa chúng vào trang bị cho các đơn vị quân đội (trong đó có 81 T-54 và 49 T-55), chỉ thay động cơ và vũ khí của Phương Tây.

Một số xe đến nay vẫn còn nằm trong biên chế của Quân đội Israel. Cụ thể, Israel đã sử dụng khung gầm của T-54 và T-55 để chế tạo xe vận tải bọc thép “ Akhzarit” - được sử dụng nhiều trong cuộc chiến tranh với Li Băng năm 2006.

Còn về phía mình, Israel mất trên bán đảo Sinai 120 xe tăng - ít hơn so với số xe tăng chiến lợi phẩm thu được.

Song song với các trận chiến trên bán đảo Sinai với Ai Cập là các trận chiến ác liệt giữa Israel và Jordany để giành Jerusalem và Bờ tây sông Jordan.

Ngày 6/6 các đơn vị Jordany thậm chí đã bao vây một tiểu đoàn tăng Israel nhưng không thể tiêu diệt được tiểu đoàn này.

Lần này, trình độ huấn luyện tác chiến cao, việc nắm quyền chủ động và chiếm ưu thế trên không của người Israel lại phát huy tác dụng.

Ngoài ra, Quân đội Jordan là một trong những quân đội nhỏ nhất trong số quân đội các nước A rập tham chiến, chính vì vậy mà gặp nhiều khó khăn nhất khi đối đầu với Quân đội Israel.

Tổn thất về tăng của hai bên gần tương đương nhau (gần 200 tăng về phía Jordan và hơn 100 tăng về phía Isarel.

Các hoạt động tác chiến tại đây kết thúc ngày 7/6, Quân A rập bị đánh bật sang bên kia sông Jordan. Người Israel đã trả được món nợ năm 1948 và lấy lại vùng Latrun và Khu phố cổ tại Jerusalem.

Syria thời gian đầu chỉ đứng ngoài quan sát cuộc chiến và không có bất cứ động thái quân sự nào nào. Nhưng đến ngày 9/6, tình thế đã khác hẳn và đến lượt Syria chịu trận. Vào giữa trưa, lực lượng Israel đã bắt đầu tấn công cao nguyên Goland.

Có lẽ đây chiến dịch khó khăn nhất đối với Israel trong suốt cuộc chiến tranh sáu ngày vì địa hình cao nguyên Goland có lợi cho Syria.

Thậm chí theo số liệu của Israel thì nước này đã mất ở đây số lượng xe tăng nhiều gấp đôi Syria - 160 so với 80 (trong trang bị của Quân đội Syria có cả tăng T-34/85 của Liên Xô và xe tăng StuG III của Đức).

Tuy bị thiệt hại nặng nhưng khi tấn công cao nguyên Goland thì người Israel biết chắc là họ sẽ thắng, còn người Syria khi phòng ngự tại cao nguyên này cũng đã biết chắc là mình sẽ thua. Đến 18h30 ngày 10/6, hai bên chính thức ngừng bắn.

3. Kết quả cuộc chiến

Tổng cộng: Phía các nước A rập mất không ít hơn 1.100 xe tăng, từ 380 đến 450 máy bay (trong đó có 60 chiếc trong các trận không chiến), khoảng 40.000 binh sỹ thiệt mạng và bị bắt làm tù binh.

Thiệt hại của Israel gồm gần 400 xe tăng (Centurion, Sherman và M48), 45 máy bay (có 12 chiếc trong các trận không chiến), gần 1.000 binh sỹ thiệt mạng.

Chỉ trong vòng 6 ngày, Israel đã làm thay đổi căn bản cán cân lực lượng ở Trung Đông. Nước này đã đánh bại quân đội của 3 nước A rập có biên giới chung với Israel, trong đó đối thủ chủ yếu của Israel là Ai cập bị thiệt hại nặng nhất.

Thêm một điều rất quan trọng nữa là vị thế địa - chính trị của Israel đã được cải thiện hơn bao giờ hết.

Đến sáng ngày 5/6 (trước khi xảy ra chiến tranh), về mặt lý thuyết quân đội A rập có thể chia cắt Israel thành 2 phần chỉ trong 1 tiếng đồng hồ (tại khu vực mà Israel gọi là “thắt lưng” hẹp nhất tính từ biên giới với Jordan đến bờ biển Địa Trung Hải chỉ có chiều dài 15 km).

Đến chiều ngày 10/6 (tức lúc kết thúc chiến tranh), quốc gia Do Thái đã có thêm các vùng đệm vững chắc - hướng bắc có cao nguyên Goland, hướng đông có sông Jordan, hướng Tây Nam - kênh đào Xuye, cả bán đảo Sinai và sa mạc Negev.

Chính quyền Israel lúc đó tin rằng có thể đảm bảo an ninh cho nước này ít nhất là trong khoảng thời gian từ 20 đến 25 năm sau đó.

Đến năm 1970, Jordan vì những xung đột với người Palestin và Syria đã chính thức từ bỏ liên minh thực tế chống Israel. Quốc gia Do thái bớt đi được một “kẻ thù”.

Cuộc chiến tranh sáu ngày thực sự là đỉnh cao nghệ thuật quân sự Quân đội phòng vệ Israel (nhận xét của A.Khramchikhin).

Thêm một ý rất quan trọng nữa rút ra từ cuộc chiến này: Quân đội Israel thực sự đã tìm ra được “điểm giao thoa vàng” giữa một bên là quan điểm coi thường sinh mạng binh lính, coi thường tổn thất và một bên là quan điểm sợ tổn thất.

Chiến thuật biển người là chiến thuật coi thường sinh mạng binh sỹ.

Trong khi đó, quan điểm ngược lại là sợ tổn thất sinh mạng dù chỉ là một người lính thì sẽ làm cho quân đội đó không còn là quân đội nữa. Đối với người Israel thì sinh mạng của các binh sỹ của mình là thiêng liêng, nhưng thực hiện nhiệm vụ tác chiến - cũng thiêng liêng.

Họ (người Israel) làm tất cả để hạn chế tổn thất của mình ở mức tối thiểu, nhưng nếu tổn thất là không thể tránh khỏi thì - chiến tranh là chiến tranh.

Xét từ góc độ chính trị thì cuộc chiến do Israel phát động tháng 6/1967, dĩ nhiên là một cuộc xâm lược. Nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế là trước khi chiến tranh bắt đầu thì lãnh đạo các nước A rập đã có các tuyên bố hiếu chiến đe dọa Israel.

Và dĩ nhiên Tel Aviv có quyền hiểu và giải thích đó là các động thái chuẩn bị cho chiến tranh chống Israel và nước này buộc phải ra tay trước.

Trong bối cảnh người A rập có những ưu thế quân sự và địa lý đáng kể so với Israel thì cách giải thích trên là rất logic. Israel đã quyết định đánh đòn phủ đầu và thừa hiểu rằng không ai lên án người chiến thắng.

Rất có thể, những lời phát biểu hùng hồn “quyết liệt” chống Israel của giới lãnh đạo các nước A rập nhiều khi chỉ để “lưu hành nội bộ”, thế nhưng đối tượng của những tuyên bố đó (tức Israel) không nhất thiết phải hiểu như vậy.

Tuy nhiên, thực tế 40 năm sau cuộc chiến đó cũng cho thấy là chiến thắng đó cũng mang lại những hệ lụy cho Israel. Những người A rập, tuy thua trận nhưng có thừa đủ lý lẽ để bào chữa cho chủ nghĩa bài Do thái của mình.

Còn Israel, dù chiếm được Bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza nhưng cùng với đó đã “đón” luôn một cộng đồng người Palestin thù địch sống trên các khu vực đó, ngay trong lòng Israel.

Không những thế với tốc độ tăng dân số rất cao của cộng đồng này thì sau một thời gian không lâu nữa, dân số của họ sẽ vượt dân số người Do thái trên chính đất nước Do thái.

Kết quả là một sự cải thiện vị trí chiến lược nhất thời đã trở thành một quả bom nổ chậm ngay trong lòng Israel (nhận xét của A.Khramchikhin).

4. Một số thông tin liên quan

Thông tin cũ:

- Khi lãnh đạo các nước A rập tham chiến đổ lỗi cho thất bại là tại chất lượng vũ khí Liên Xô kém, Chủ tịch Xô Viết Tối cao (Quốc hội) Liên Xô N.Podgornyi (có mặt tại Cairo ngay khi Chiến tranh kết thúc) đã nói thẳng:

“Vấn đề không phải là máy bay và xe tăng của chúng tôi chất lượng thấp, mà là ở chỗ người A rập không đủ trình độ để sử dụng những loại vũ khí đó”.

Còn Đại sứ Liên Xô tại Beirut Asimov còn nói thẳng hơn với Tổng thống Sirya Kh. Asad: “Chúng tôi đã cung cấp cho các ngài một số lượng khổng lồ các loại vũ khí mà các đồng chí Việt Nam của chúng tôi có nằm mơ cũng không thấy.

Tuy nhiên, Quân đội Việt Nam, được trang bị những loại vũ khí lạc hậu hơn nhiều so với các ngài đang chiến đấu và chiến thắng một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới” (nguồn: Bách khoa toàn thư).

- Ngày 11/6/1967 (tức ngay sau khi Chiến tranh kết thúc), Chính phủ Liên Xô tuyên bố viện trợ không hoàn lại để bù đắp tất cả những tổn thất của Ai cập trên bán đảo Sinai.

Đến giữa năm 1968, số lượng máy bay của Không quân Ai cập đã đạt mức trước chiến tranh và đến năm 1969 thì số lượng tăng của Quân đội Ai cập đã vượt mức trước chiến tranh.

Thông tin mới:

Không biết có phải để “thiết thực kỷ niệm” cuộc chiến sáu ngày hay không nhưng sáng chủ nhật 7/6/2015, Không quân Israel đã tấn công một số mục tiêu ở Dải Gaza do HAMAS kiếm soát để trả đũa đợt tấn công bằng tên lửa vào phía Nam Israel. Đã có thiệt hại về người.

Trong 2 tuần gần đây, đây là đợt tấn công bằng tên lửa lần thứ ba từ dải Gaza nhằm vào Israel và nước ngay lập tức tiến hành các đợt không kích trả đũa theo đúng tinh thần “ăn miếng trả miếng”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại