Từ bài học Iraq...
Như đã biết, Không quân Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein đã gần như mất hoàn toàn sức chiến đấu ngay từ những ngày đầu nổ ra Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991.
Toàn bộ các căn cứ không quân của họ ở trong nước (Iraq) cũng như ở Kuwait đều bị tên lửa hành trình và máy bay Đồng minh làm mưa làm gió, tấn công đến mức "bão hòa" để triệt hạ, làm mềm chiến trường trước khi đưa quân bộ vào.
Đáng lưu ý, các nhà chứa máy bay (hangar) bằng bê tông cốt thép hết sức kiên cố do Pháp xây dựng ở căn cứ Ahmed Al Jaber (của Kuwait) mà Iraq chiếm được khi xâm lược đều bị các loại bom xuyên có điều khiển chính xác phá hủy.
Như vậy, có thể thấy, một khi nổ ra chiến tranh bất đối xứng, nếu bên yếu hơn - ví dụ điển hình là Iraq với lực lượng vừa không đủ sức bảo vệ bầu trời lại vừa không có phương án "phòng tránh, đánh trả" thích hợp thì sớm muộn gì cũng sẽ bị hủy diệt.
Các căn cứ quan trọng cứ phải phơi mình ra cho đối phương "giã" bom xuyên bê tông có điều khiển chính xác thì không một loại hangar nào trụ được, dù có kiên cố hay nằm sâu dưới lòng đất đến mấy đi chăng nữa.
Ngày nay, các loại bom xuyên hiện đại có điều khiển chính xác và sức công phá khủng khiếp hơn nhiều so với đầu những năm 1990. Vậy có đáng phải đầu tư để xây dựng những thứ đắt đỏ mà chỉ sau một trận bom hay một loạt tên lửa hành trình có thể bị phá hủy hoàn toàn?
Nhà chứa máy bay bằng bê tông cốt thép hết sức kiên cố do Pháp xây dựng ở căn cứ Ahmed Al Jaber (của Kuwait) mà Iraq chiếm được khi xâm lược đều bị phá hủy bởi các loại bom xuyên có điều khiển chính xác
... đến Indonesia chọn cách làm nhà chứa máy bay của Việt Nam
Với những nước còn nghèo như Việt Nam, Indonesia, ngân sách quốc phòng còn nhiều hạn hẹp thì khó có thể xây dựng những sân bay quân sự quy mô, hiện đại, có hangar chứa máy bay kiên cố giống như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Israel,... và được bảo vệ bởi nhiều tầng lớp vũ khí.
Nhưng cũng không thể để máy bay phơi mưa, phơi nắng quanh năm suốt tháng bởi khí hậu, thời tiết là một trong những yếu tố tác động mạnh tới vũ khí. Đặc biệt, Việt Nam và Indonesia có chung kiểu khí hậu nhiệt đới, vừa nóng vừa có độ ẩm không khí rất cao.
Đây là yếu tố cực kỳ đáng sợ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuổi thọ, độ bền của máy bay, nhất là độ chính xác của các thiết bị điện tử tinh vi, nếu không quan tâm đúng mức sẽ dễ gây hỏng hóc, làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của máy bay.
Làm thế nào để bảo quản được máy bay Su-27/30 trong điều kiện tốt nhất, vừa tiết kiệm lại vừa có thể nhanh chóng sơ tán máy bay, vũ khí khí tài để phòng tránh và tìm cơ hội đánh trả khi bị đối phương tập kích đường không?
Máy bay Su-30MK2 và Su-27SM của Indonesia cũng được để trong nhà thép tiền chế giống như Không quân Việt Nam
Giải pháp tốt nhất đã được chứng minh chính là sử dụng nhà thép tiền chế.
Thứ nhất, đáp ứng được yêu cầu che mưa, che nắng. Một khi xảy ra chiến tranh phi đối xứng, phải xác định sân bay quân sự sẽ là nơi bị tập kích đầu tiên. Ngoài đường băng, sân đỗ thì khu vực cất chứa máy bay cũng là nơi "được" đối phương "ưu tiên" lượng bom đạn lớn.
Do vậy, như trường hợp của Việt Nam, nhà chứa máy bay không nhất thiết đòi hỏi phải chống được bom như kiểu bê tông cốt thép kiên cố đặc chủng nhưng cực kỳ đắt đỏ. Vì thế, nhà thép tiền chế là lựa chọn tối ưu.
Thứ hai, đáp ứng yêu cầu nhanh, rẻ. Bởi đây là sản phẩm dân dụng thuần túy, có thể đặt các công ty chuyên chế tạo nhà thép tiền chế thực hiện một cách nhanh chóng và giá thành hợp lý.
Nhà tiền chế cho máy bay hầu như không khác mấy so với thiết kế nhà xưởng của những nhà máy công nghiệp, bởi với những thông số đầu vào đầy đủ, máy tính và phần mềm chuyên dụng có thể tính toán rất nhanh.
So với nhà chứa bê tông cốt thép, giá thành xây nhà thép tiền chế giảm nhiều lần và nhưng lại có thời gian xây dựng nhanh hơn.
Thứ ba, linh hoạt trong hình dạng, khẩu độ. Khả năng vượt nhịp của nhà thép tiền chế cực tốt, giá thành giữa nhà thép nhịp 15 m hay 30 m hay lớn hơn phù hợp với ô chứa (kích thước máy bay) không chênh nhau nhiều, miễn là có bộ móng tốt.
Thứ tư, khả năng chịu động đất, gió bão tuyệt hảo. Nhà thép tiền chế vững trãi, do không có tường bao nên áp lực gió giảm tối đa, nó cũng chịu biến dạng kết cấu tốt hơn so với bê tông nên nếu thiết kế và thi công chuẩn sẽ chống chọi được mọi thiên tai.
Ngoài ra khi cần thiết, thay vì phải đập bỏ rất phức tạp, tốn kém như nhà chứa bê tông cốt thép thì nhà thép tiền chế có thể nhanh chóng tháo dỡ, di dời và lắp dựng ở một vị trí khác rất dễ dàng.
Vậy nên, không ngạc nhiên khi cả Việt Nam và Indonesia cũng chọn nhà thép tiền chế như giải pháp tối ưu để xây dựng hangar chứa các máy bay chiến đấu tiên tiến như Su-27SM và Su-30MK2.