Theo bảng xếp hạng 5 mẫu xe tăng tốt nhất thế giới do Forecast International của Mỹ công bố, Nga không hề có đại diện nào. “Điên tiết” với bảng xếp hạng này, các chuyên gia Nga đã chê xe tăng Mỹ tơi bời đồng thời cho rằng các mẫu xe tăng T-72 và T-90 của họ xứng đáng có tên.
Trên thực tế, bảng xếp hạng của Forecast International đã được công bố từ năm 2004, song mới đây được các chuyên gia lật lại. Theo bảng xếp hạng này, xếp ở vị trí số một là xe tăng chiến đấu chủ lực М1А2 SEP Abrams của Mỹ.
Đứng thứ hai là tăng Merkava Mk IV của Israel. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về xe tăng Type-90 của Nhật Bản, Leopard-2A6 của Đức và Challenger 2 của Anh.
Các chuyên gia Nga cho rằng hai mẫu tăng của Nga là T-72 và T-90S hoàn toàn xứng đáng có chân trong bảng xếp hạn bởi đã trình diễn những tính năng vượt trội trong nhiều cuộc chiến và xung đột khu vực khác nhau.
Ví dụ được đưa ra là xe tăng T-90S đã cho thấy sức mạnh trong các trận chiến xe tăng trên biên giới Ấn Độ và Pakistan. Đây cũng là mẫu tăng duy nhất trên thế giới cùng lúc được sử dụng cả ở môi trường sa mạc (Tar, Ấn Độ) và rừng già (Malaysia).
Các chuyên gia Nga đặc biệt nhấn mạnh đến xe tăng T-72 với khả năng sống còn cực tốt trên chiến trường, trong đó có các chiến dịch ở Dagestan và Chechnya.
Trong các trận chiến ở đây, xe tăng T-72, và thậm chí là “cựu binh” T-62 đã thể hiện khả năng sống sót vượt trội so với xe tăng Abrams của Mỹ từng được sử dụng trong cuộc xâm lược Iraq.
Theo các chuyên gia Nga, xe tăng Abrams của Mỹ ở chiến trường Iraq đã bị tiêu diệt bởi những vũ khí diệt tăng được coi là “lạc hậu” do Liên Xô sản xuất. Các phần dễ bị tổn thương của Abrams gồm cả phần mạn, mũi và tháp pháo.
Các chuyên gia Nga đã lấy các ví dụ cụ thể để minh chứng cho luận điểm “dìm hàng” của họ.
Theo đó, trong một chiến dịch chống khủng bố ở Bắc Caucasus thuộc LB Nga từ tháng 2/1995 tới mùa thu năm 1996, các xe tăng của Nga dù bị phiến quân tấn công bằng nhiều loại vũ khí song vẫn đủ khả năng đứng vững.
Vào đầu tháng 1/2000, quân đội Nga đã sử dụng xe tăng T-72B để yểm trợ cho bộ binh tấn công giải phóng thủ phủ Grozny.
Khi đó, lực lượng phiến quân đã kháng cự quyết liệt và sử dụng nhiều loại súng chống tăng khác nhau, trong đó có cả các tổ hợp tên lửa chống tăng hiện đại. T-72 của Nga đã nhiều lần “ăn đạn” song chỉ bị hư hại nhẹ và vẫn có thể tiếp tục chiến đấu để yểm trợ cho bộ binh hoặc trực tiếp đột kích.
Trong chiến dịch này, tiểu đoàn bộ binh cơ giới 506 của Nga với 31 xe tăng đã chiến đấu liên tục trong 8 tháng nhưng không bị mất một chiếc nào.