Mặc dù ra đời cách đây đã hơn 60 năm nhưng T-55 vẫn là một trong những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực phổ biến nhất trong quân đội của hàng chục quốc gia. Về mặt kỹ thuật T-55 đã rất lỗi thời, tuy nhiên không phải nước nào cũng có đủ khả năng để thay thế bằng những loại xe tăng hiện đại do đòi hỏi một khoản chi phí khá tốn kém.
Trước thực tế trên, Công ty Giao thông Vận tải Máy xây dựng Omsk thuộc Tổng công ty Uralvagonzavod đã đưa ra gói nâng cấp T-55AM, được đánh giá giúp gia tăng đáng kể sức mạnh của những “Con cua đồng cóc cụ” này.
Cần lưu ý rằng, phiên bản T-55AM của Uralvagonzavod gần như không có mối liên hệ nào với T-55AM được sản xuất vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Hai dự án này có một số nét tương đồng, cụ thể là thay thế các khí tài lạc hậu bằng những trang thiết bị hiện đại để tăng tính bảo vệ và hỏa lực của xe. Tuy nhiên, sự khác biệt của dự án này là hiện đại hóa thêm các trang thiết bị cho người sử dụng.
Để đơn giản hóa chuyển đổi về mặt kỹ thuật đối với việc hiện đại hóa T-55AM, các kỹ sư đã sử dụng các trang thiết bị và các hệ thống khác nhau để lắp đặt mà không cần phải điều chỉnh lớn tới cấu trúc xe. Ví dụ, để gia tăng mức độ bảo vệ, xe tăng được lắp đè các module giáp bổ sung lên trên bề mặt giáp cơ sở cũ. Lắp thêm giáp bảo vệ phía trước, hai bên hông và tháp pháo của xe tăng. Phần mũi xe lắp đặt thêm giáp với tổng trọng lượng khoảng 800 kg hình thành từ 152 thành phần của hệ thống 4C22 “Kontakt-5”, tháp pháo được lắp đặt thêm 81 thành phần 4C22 nặng khoảng 920 kg.
Ngoài ra thân xe còn được lắp thêm diềm chắn xích, hình thành những khối giáp di động. Mỗi tấm chắn có trọng lượng 460 kg có thể bảo vệ thân xe khỏi đạn pháo với góc bắn 200, mức độ bảo vệ của giáp được đánh giá tăng gấp 2 lần so với tăng T-55.
Việc sử dụng những module giáp bảo vệ và các trang thiết bị mới khác làm tăng trọng lượng của xe tăng, trọng lượng chiến đấu có thể đạt tới 40 tấn. Do đó, để tính cơ động của xe ở mức độ chấp nhận được thì cần phải nâng cấp động cơ. T-55AM được lắp đặt động cơ bốn thì turbo diesel B-46-5MS 12 xi lanh 690 mã lực so với động cơ 580 mã lực V-55 của xe tăng T-55 cũ. Việc thay thế động cơ làm tăng công suất của máy và tiết kiệm nhiên liệu.
Bên cạnh đó xe tăng T-55AM còn được nâng cấp khung gầm cùng với việc sử dụng hệ thống bánh xích truyền động mới, làm tăng cường tính vững chắc của xích.
Với động cơ và khung gầm nâng cấp, xe tăng T-55AM có tốc độ trên đường nhựa là 50 km/h, tầm hoạt động với thùng nhiên liệu phụ là 610 km, có thể vượt qua dốc 320, chuyển động với góc nghiêng 300, vượt qua tường cao 0,8 m và rãnh với chiều rộng 2,7 m. Xe có thể lội nước sâu 1,4 m và lên tới 5 m khi sử dụng thiết bị lặn.
Vũ khí chính của T-55AM vẫn là pháo nòng xoắn 100 mm D-10T2S nhưng được trang bị đạn nổ mảnh OF70 thế hệ mới. Đạn OF70 có trọng lượng 13,28 kg mang theo 2,24 kg thuốc nổ, sơ tốc 960 m/s, tầm bắn tối đa 13 km. Khi đạn nổ sẽ tung ra 3.393 mảnh đạn trên một diện tích 320 m2.
Để phá hủy xe bọc thép và công sự ở khoảng cách 4 km, xe tăng T-55AM có thể sử dụng tên lửa dẫn đường 9M117M phóng qua nòng pháo. Tên lửa được điều khiển thông qua hệ thống ngắm bắn laser chuyên dụng ở chế độ bán tự động (xạ thủ cần giữ chùm laser trùng khớp với mục tiêu để tên lửa bám theo). Tên lửa 9M117M có khả năng xuyên thủng giáp 550 mm thép đồng nhất. Vũ khí phụ của xe tăng T-55AM là súng máy hạng nặng “Kord” với thước ngắm K10-T dùng để chống máy bay. Súng được gắn phía trên bên trái tháp pháo, có thể xoay vòng theo phương nằm ngang. Trên tháp pháo còn được gắn 8 ống phóng đạn khói 902B có thể được phóng từng phát hoặc theo chùm.
Ngoài ra, xe tăng T-55AM còn được trang bị hệ thống quan sát “Om” bao gồm một vài kênh ngắm làm tăng độ phóng đại và tầm nhìn cho xạ thủ. Người ta cho rằng việc sử dụng hệ thống quan sát “Om” có thể làm giảm đáng kể thời gian cho việc tìm kiếm, nâng cao độ chính xác, giảm 1/3 lượng tiêu thụ đạn.
Để quan sát toàn cảnh chiến trường, xe tăng T-55AM cần sử dụng thiết bị TKN-1SM lắp đặt tại vị trí của trưởng xe. TKN-1SM được thiết lập theo hai kênh, cho phép quan sát trong điều kiện ngày và đêm. Khi sử dụng kênh quan sát ban đêm có thể phát hiện các đối tượng ở khoảng cách 600 m.
Vị trí của xạ thủ được lắp đặt hai thiết bị ngắm: kính tiềm vọng 1P3-7D và kính ngắm nhiệt 1PN-96MT. T-55AM là loại xe tăng đầu tiên được trang bị tích hợp máy đo khoảng cách bằng laser và máy tính đạn đạo, cho phép phát hiện xe tăng địch ở khoảng cách 10 km. Kính tiềm vọng 1P3-7D có thể đo ở khoảng cách lên đến 8 km. Kính ngắm nhiệt 1PN-96MT cũng được xây dựng trên cơ sở kính tiềm vọng, nhưng được trang bị một kênh nhiệt. Ở chế độ làm việc thụ động, thiết bị này cho phép quan sát được các đối tượng ở khoảng cách 3 km.
Vị trí của lái xe được lắp đặt kính tiềm vọng TVK-3 với hai kênh quan sát ngày và đêm. Vào ban đêm, thiết bị TVK-3 cho phép lái xe quan sát tình hình ở khoảng cách lên đến 250 m mà không cần phải sử dụng đèn chiếu sáng. Một tính năng quan trọng của thiết bị TVK-3 là cho phép lái xe ở bất kỳ điều kiện ban ngày hay ban đêm mà không cần thay đổi phương tiện quan sát.
Hệ thống vô tuyến điện R-173 lắp đặt trong tháp xe được sử dụng để liên lạc giữa xe tăng T-55AM với các phương tiện chiến đấu khác. Theo yêu cầu của khách hàng có thể lắp đặt hệ thống thông tin vô tuyến điện kỹ thuật số R-168. Hệ thống thông tin vô tuyến điện mới đảm bảo liên lạc analog và liên lạc kỹ thuật số chất lượng cao cũng như làm giảm tính phức tạp trong vận hành cũng như bảo trì.
Hiện tại, xe tăng T-55AM đã được trưng bày tại một số triển lãm cũng như xuất hiện trong những tài liệu quảng cáo của công ty Uralvagonzavod. Tuy nhiên, T-55AM của Uralvagonzavod vẫn chưa nhận được quan tâm của các khách hàng nước ngoài.