Cuộc cách mạng xe tăng mới của Nga
Theo National Interest, với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô, mối đe dọa tiềm tàng về lực lượng xe tăng Hồng quân tràn qua khu vực Fulda Gap (biên giới giữa Đông và Tây Đức) cũng không còn.
Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục phát triển những phương tiện chiến đấu bọc thép mới. Trong khi đó, Mỹ lựa chọn giải pháp nâng cấp xe thiết giáp gồm: Xe tăng M1 Abrams và xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley từ thời Chiến tranh Lạnh.
Gia đình xe chiến đấu bọc thép Armata là một bước đột phá so với các thiết kế trước đây của Liên Xô được phát triển dựa trên tiêu chí đơn giản, chi phí thấp và hiệu quả.
Trong thực tế, Armata sẽ bao gồm nhiều biến thể khác nhau mà không còn tồn tại trong chương trình Hệ thống chiến đấu tương lai của Mỹ.
Chương trình Armata được thiết kế làm khung gầm tiêu chuẩn cho xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành và một loạt phương tiện khác. Nổi bật nhất trong đó là xe tăng chiến đấu chủ lực T-14.
T-14 Armata là một sự khởi đầu hoàn toàn mới so với các xe tăng trước đây do Liên Xô chế tạo dựa trên những kinh nghiệm thu được trong chiến đấu với xe tăng Đức trong Thế chiến 2.
Các xe tăng của Liên Xô có kết cấu tương đối đơn giản, giáp cứng và được sản xuất đại trà với số lượng lớn.
Quan điểm phát triển của Moscow trước đây ít nhấn mạnh đến sự phù hợp so với phương Tây. Xe tăng Liên Xô thường có hỏa lực áp đảo đối phương mà ít quan tâm đến độ tiện nghi cho kíp vận hành.
T-14 và M1A2 - Xe tăng nào thắng trong một trận thực chiến vẫn rất khó phân định
Ưu thế thuộc về T-14
Trước khi Armata ra đời, xe tăng T-90 hiện đại nhất của Nga cũng được thiết kế theo quan điểm này.
Tuy nhiên với T-14, các kỹ sư Nga đã phát triển một lối thiết kế hoàn toàn mới. Armata được trang bị những tính năng tiên tiến mà chưa từng xuất hiện trên các xe tăng nổi tiếng khác.
Tính năng nổi bật của T-14 là sử dụng tháp pháo điều khiển từ xa, qua đó nâng cao khả năng sống sót cho kíp vận hành.
Tháp pháo mới cho phép chứa nhiều đạn hơn. Bên cạnh đó, siêu tăng của Nga được trang bị giáp thế hệ mới nhiều lớp cùng hệ thống phòng vệ chủ động Afghanit sử dụng radar bước sóng milimet để phát hiện và đánh chặn vũ khí chống tăng.
Nhưng không phải tháp pháo này không có những nhược điểm nhất định. Kíp xe sẽ buộc phải dựa vào cảm nhận của họ đối với việc nhận thức tình huống và nhắm mục tiêu.
Tuy rằng hạn chế này không phải là nhược điểm quá lớn, nhưng trong trường hợp hệ thống điện tử gặp trục trặc hoặc cảm biến bị tấn công, T-14 sẽ rất khó đáp trả.
T-14 Armata nếu so sánh với xe tăng chủ lực M1A2 hoặc phiên bản mới nhất là M1A3 thì rất khó để đánh giá loại nào tốt hơn.
Abrams đã chứng minh là một xe tăng đáng sợ trên chiến trường. Trong chiến tranh Iraq năm 2003, xe tăng này đã đánh tan tác lực lượng tăng thiết giáp hùng hậu của Iraq, trong đó phần lớn là T-72 do Liên Xô sản xuất.
Quân đội Mỹ đã lên kế hoạch nâng cấp xe tăng M1 lên tiêu chuẩn M1A3, phiên bản mới nhẹ và cơ động hơn. Pháo M256 120 mm sẽ được thay thế bằng loại mới nhẹ hơn. Bên cạnh đó, M1A3 còn được trang bị đạn dẫn hướng có thể đánh trúng mục tiêu ở cự ly 12 km.
Tuy nhiên ở khía cạnh sức mạnh hỏa lực, T-14 sở hữu tính năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng, điều đó làm dấy lên câu hỏi ai sẽ nhìn thấy mục tiêu trước.
Khả năng của T-14 trên chiến trường phụ thuộc nhiều vào tiến bộ của Nga trong việc phát triển hệ thống cảm biến và mạng dữ liệu. Xe tăng nào nhìn thấy mục tiêu trước luôn chiến thắng.
T-14 là một thiết kế mới, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề cần khắc phục. Bên cạnh đó, Nga có thể sản xuất xe tăng này với số lượng lớn hay không vẫn là một câu hỏi khó, nhất là khi nền kinh tế Nga đang gặp khủng hoảng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Nhưng xét ở góc độ đặc tính kỹ chiến thuật, T-14 Armata là một xe tăng đáng gờm khi so sánh với M1 Abrams của Mỹ và cả những thiết kế hiện đại của châu Âu như Leopard 2A7.