Syria: Nga thành công lớn, nhưng nhiều "thiệt hại" bị cấm tiết lộ

Hà Dũng |

Theo TT Putin thì chi phí cho chiến dịch quân sự ở Syria lấy nguồn dùng cho huấn luyện và là cách phân bổ hiệu quả nhất. Thành công lớn, nhưng còn nhiều mảng tối bị cấm tiết lộ.

Nga coi Syria là một “thao trường” và đã thành công lớn

Sau hơn 5 tháng tiến hành chiến dịch không kích tại Syria theo đề nghị của Tổng thống Assad, ngày 14/3/2016, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho Quân đội Nga rút khỏi Syria bắt đầu từ ngày 15/3/2016.

Nói về lý do rút quân, Tổng thống Putin cho rằng các mục tiêu đề ra đã cơ bản hoàn thành. Mục đích của chiến dịch không kích theo như tuyên bố là hỗ trợ Chính phủ Syria tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Tuy nhiên giới phân tích nhận định, đó chỉ là một trong nhiều mục đích và vấn đề này hẳn sẽ còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng không thể phủ nhận rằng chiến dịch quân sự của Nga về cơ bản đã làm thay đổi tương quan lực lượng ở Syria.

Chính quyền tổng thống Assad với sự hỗ trợ từ Nga lần lượt tiêu diệt từng căn cứ của tổ chức khủng bố IS và phần nào đó mở rộng vùng kiểm soát nhiều hơn so với phe nổi dậy được cho là có sự hậu thuẫn của Mỹ và đồng minh.


Nga bắt đầu rút quân ở Syria về nước từ ngày 15/3/2016 theo lệnh của Tổng thống Putin. Ảnh: Sputnik

Nga bắt đầu rút quân ở Syria về nước từ ngày 15/3/2016 theo lệnh của Tổng thống Putin. Ảnh: Sputnik

Nói về chi phí của chiến dịch quân sự,hãng Tass dẫn lời tổng thống Putin nói rằng:

Chiến dịch quân sự ở Syria, tất nhiên, đòi hỏi một khoản chi tiêu nhất định, nhưng chủ yếu là từ nguồn ngân sách của Bộ Quốc phòng, khoảng 33 tỷ rúp (481 triệu USD).

Khoản tiền này nằm trong ngân sách năm 2015 của Bộ dành cho hoạt động diễn tập và huấn luyện quân sự. Chúng tôi định hướng lại nguồn ngân sách này để hỗ trợ nhóm ở Syria".

Tổng thổng Putin lý giải thêm về điều này:

Chưa ai từng sáng chế ra biện pháp nào hiệu quả hơn hành động tác chiến thật nhằm hoàn thiện kỹ năng quân sự. Với tư duy đó, các nguồn lực quân sự cần được chi tiêu, sử dụng và hành động tác chiến trên chiến trường thực tế thay vì ở khu huấn luyện".

Nga đã thử nghiệm và huấn luyện những gì ở “thao trường” Syria

Các diễn biến diễn ra ở Syria có vẻ đúng với phát biểu của ông Putin. Bắt đầu từ ngày 30/9/2015, Nga bắt đầu tiến hành không kích. Các máy bay Su-24M, Su-25SM, Su-34… nhanh chóng đè bẹp các căn cứ của IS.

Tuy nhiên bất ngờ đầu tiên là việc Nga đã khai hỏa tên lửa hành trình tấn công mặt đất (TLAM) 3M-14T Kalibr vào các mục tiêu của IS. Hành động này được các nhà phân tích đánh giá là dùng “dao giết trâu để mổ gà”.

Đối phó với IS hầu như không có một hệ thống phòng không đáng kể nào thì việc dùng tên lửa Kalibr nếu xét về hiệu quả nó còn thua cả các loại bom có điều khiển, còn xét về chi phí thì nó được cho là quá lãng phí.

Tran tin VPK dẫn lời một chuyên gia Hải quân Nga cho biết, chỉ xét riêng đợt phóng 26 tên lửa Kalibr vào ngày 7/10/2015, tổng chi phí đã lên đến 10 tỷ Rub (163 triệu USD). Tính trung bình thì phải chi hơn 6,2 triệu USD cho mỗi quả tên lửa bay tới Syria.

Điểm nữa là tên lửa phóng từ tàu chiến Daghestan trên biển Caspian ở ngoài khơi Kazakhstan cách Syria 1.500km, bay qua nhiều nước trước khi đến mục tiêu mà không phải từ các chiến hạm đang ở neo đậu ở căn cứ hải quân tại Lattakia, Syria.

Sau đó đến ngày 17/11/2015, Nga lại tiếp tục dội Kalibr xuống IS. Thậm chí vào ngày 8/12/2015 lần đầu tiên Kalibr còn được phóng từ tàu ngầm Kilo Rostov-on-Don của Nga từ Địa Trung Hải vào mục tiêu IS ở Syria.


Tàu chiến Nga phóng tên lửa Kalibr hỗ trợ chiến dịch tiêu diệt phiến quân IS ở Syria. Ảnh: Russian Defence.

Tàu chiến Nga phóng tên lửa Kalibr hỗ trợ chiến dịch tiêu diệt phiến quân IS ở Syria. Ảnh: Russian Defence.

Không chỉ tên lửa Kalibr, Nga còn triển khai tới Syria hàng loạt các vũ khí hiện đại khác như xe tăng T-90, xe chở quân BTR-82A, pháo phản lực TOS-1A pháo phản lực BM-30 Smerch.

Bên cạnh đó hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4, các máy bay chiến đấu mới nhất của Nga Su-30SM, Su-34, trực thăng chiến đấu Ka-52, Mi-28… cũng xuất trận.

Thậm chí Không quân Nga còn huy động cả “bộ ba máy bay chiến lược” gồm Tu-22M3, Tu-95MS và Tu-160 tham gia các đợt không kích.

Đặc biệt ở đây là máy bay ném bom chiến lược Tu-160 không chọn đường bay ngắn nhất tới Syria qua Biển Caspien và không phận Iran, mà lại chọn đường bay phía Bắc qua Đại Tây Dương tới Địa Trung Hải vào không phận Syria sau đó qua Iran để trở về.

Ngoài Tu-22M3 ném bom, thì toàn bộ các đơn vị Tu-95MS và Tu-160 đều sử dụng tên lửa hành trình tấn công IS.

Với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ hải quân của Nga ở Lattakia luôn có sự hiện diện của hai tuần dương hạm Moskva và Smetlivy được trang bị tên lửa tầm xa S-300 và tên lửa đất đối không tầm ngắn ở Địa Trung Hải.


Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS (trên) và Tu-160 (dưới) cũng được tham gia tấn công quân khủng bố ở Syria - Ảnh: TASS

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS (trên) và Tu-160 (dưới) cũng được tham gia tấn công quân khủng bố ở Syria - Ảnh: TASS

Đặc biệt sau từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga vào ngày 24/11/2015, lấy lý do để bảo vệ sự an toàn cho không quân của mình tại Syria, Nga đã không ngần ngại triển khai đến đây hầu như tất cả các vũ khí hiện đại nhất.

Có thể kể đến hệ thống “siêu tên lửa phòng không” S-400, hệ thống tác chiến điện tử Borisoglebsk-2, máy bay do thám TU-214R, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không (AWACS) A-50, siêu máy bay Su-35, tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới Dmitri Donskoy...

Từ những diễn biến này ta có thể thấy đúng là như lời Putin nói: Nga đã xem Syria như một “thao trường” để thử nghiệm các loại vũ khí chưa từng qua thực tế chiến đấu và các phương án phức tạp, mang tính chiến lược có thể cần dùng đến trong tương lai.

Cũng không chỉ để thử nghiệm và huấn luyện, Syria còn là nơi Nga trình diễn các loại vũ khí để “nhắc nhở” tới các nước đừng bao giờ quên “Nga là một cường quốc hàng đầu” kèm theo đó “lời mời” hấp dẫn tới các nước khác “hãy lựa chọn vũ khí của chúng tôi”.


Tổ hợp tên lửa phòng không tối tân được Nga triển khai tại Syria

Tổ hợp tên lửa phòng không tối tân được Nga triển khai tại Syria

Những thiệt hại và nhiều "mảng tối" bị cấm tiết lộ?

Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như Nga coi Syria là một chiến trường chứ không phải là thao trường để thử nghiệm và diễn tập bằng kinh phí huấn luyện hằng năm.

Việc coi Syria là “thao trường” là quan điểm không hề sai, tuy nhiên liệu “đợt huấn luyện” của Nga ở đây có “hoàn hảo” không?

Ngày nay, quân đội các nước đều tối kỵ việc binh sỹ thiệt mạng khi huấn luyện. Khi đưa quân đến các nước khác các cường quốc luôn tìm mọi cách để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về con người.

Thậm chí với Syria, Nga đã tính tới phương án không được xảy ra bất kỳ thương vong nào.

Để hiện thực hóa điều này, ở Syria quân đội Nga chỉ triển khai quân tại cảng Tartus là căn cứ hải quân Nga và căn cứ không quân tạm thời "Hmeymim".

Ý định của Nga là chỉ tiến hành không kích mà không tiến hành triển khai bộ binh nhằm hạn chế thương vong, tránh được căng thẳng với phương Tây và không bị sa lầy vào cuộc chiến hao người, tốn của, không hẹn ngày kết thúc ở Syria.

Hồi tháng 10/2015, trả lời đài Rossiya-1 TV về việc liệu Nga có tham gia chiến dịch trên bộ tại Syria hay không, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay: "Dù bất cứ điều gì xảy ra, chúng tôi sẽ không tiến hành hoạt động trên bộ và Syria cũng biết rõ điều này".

Nhưng ở nơi tiếng súng vẫn nổ, bom đạn vẫn thường trực, quân khủng bố tàn ác và các phe phái chưa bao giờ nhượng bộ nhau thì tránh được việc thương vong là điều không thể.

Cũng như bất kỳ cuộc chiến tranh nào khác, thống kê về số lượng thương vong về lính Nga ở Syria cũng gây nhiều tranh cãi. Mặc dù Nga được cho là giấu thông tin về số lượng thương vong nhưng có thể tham khảo các số liệu sau:

Hãng TASS dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết chiến dịch quân sự tại Syria đã gây thiệt hại cho quân đội Nga, bao gồm 3 chiến sĩ, 1 máy bay và 1 trực thăng.

Trong một diễn biến mới nhất ngày 17/3/2016, sau khi phiến quân IS tuyên bố có thêm 5 binh sĩ Nga thiệt mạng gần thành phố cổ Palmyra của Syria.

Phía Nga ban đầu đã bác bỏ, tuy nhiên sau đó ngày 17/3/2016, Thư ký Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã xác nhận thêm một số trường hợp nâng tổng số binh sĩ thiệt mạng theo tuyên bố của Nga lên 5 người.

Theo các thống kê từ phương Tây thì còn thêm các con số sau đây:

- Nhật báo Phố Wall (Mỹ) cho biết vào tháng 10/2015, 9 binh sỹ của Nga đã thiệt mạng tại Syria do một vụ nã đạn cối vào căn cứ quân sự của Nga ở miền Tây.

- Tờ Jpost (Israel) dẫn thông tin của quân đối lập Syria cho biết, hơn 10 tướng Nga đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe khủng bố ngày 21/2/2016, tại một căn cứ quân sự ở thuộc trung tâm điều hành của lực lượng Nga ở Syria, cách Latakia khoảng 15km.

Nếu những thương vong trên là có thật thì thiệt hại về con người mà Nga phải trả cho chiến dịch ở Syria không hề nhỏ chút nào.

Thực tế về số lượng thương vong có thể được tăng lên nhiều so với tuyên bố xác nhận đó là điều thường thấy ở bất kỳ cuộc chiến tranh nào.

Thêm một điểm đáng chú ý, theo RIA ngày 29-5-2015 khi thông tin về việc binh sĩ Nga thiệt mạng với số lượng lớn ở Crimea rò rỉ, Tổng thống Putin đã ký thông qua sắc lệnh cấm tiết lộ thông tin về thương vong trong các “chiến dịch đặc biệt” thời bình.


Lễ tang Kostenko, binh sĩ Nga đầu tiên thiệt mạng tại Syria - Ảnh: Reuters.

Lễ tang Kostenko, binh sĩ Nga đầu tiên thiệt mạng tại Syria - Ảnh: Reuters.

Theo đó, các thông tin về binh sĩ thiệt mạng trong những “chiến dịch đặc biệt” thời bình chính thức được xem là “bí mật quốc gia” và là những "mảng tối" ở Syria có thể rất lâu nữa mới được hé lộ.

Con số thương vong trên có thể không phải là lớn so với mục tiêu mà họ phải đạt được. Tuy nhiên, thực tế là máu của nhiều người Nga đã đổ trên đất Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại