Sức mạnh vượt trội của tên lửa chống tăng JAGM

Hiện nay Mỹ đang phát triển loại tên lửa chống tăng mới tiêu diệt các mục tiêu mặt đất cố định và di động trong mọi điều kiện thời tiết.

Theo đó, Mỹ đang phát triển tên lửa chống tăng có điều khiển ATGM (Anti-Tank Guided Missile) thế hệ mới theo chương trình dự án JAGM (Joint Air-to-Ground Missile). Dự kiến, JAGM sẽ thay thế hoàn toàn các ATGM loại AGM-114 Hellfire, TOW và cả các tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick.
JAGM là dự án chế tạo ATGM mang đầu đạn đa năng, được trang bị hệ thống dẫn đường từng sử dụng trên tên lửa Brimstone. Dự kiến, ATGM thế hệ 3 JAGM sẽ được đưa vào trang bị cho Lục quân Mỹ từ năm 2016. JAGM mang đầu đạn tự dẫn đa chế độ có khả năng phát hiện và nhận diện mục tiêu nhờ các thuật toán thiết lập sẵn. JAGM có thể lắp đầu đạn xuyên phá (độ xuyên giáp lên tới 1200 mm) hoặc đầu đạn nổ phá mảnh.
Trước đây, Boeing và Raytheon đã thông báo về việc hoàn thành đợt phóng thử nghiệm đầu tiên (trong 3 đợt phóng thử do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ) mẫu chế thử ATGM không đối đất mới JAGM này tại trường bắn White Sands (New Mexico). Trong đợt phóng thử đó, JAGM với hệ thống dẫn đường laser đã tiêu diệt mục tiêu có kích thước 8x8 ft (2,5x2,5 cm) ở cự ly 16 km.
Tháng 10/2008, Lục quân Mỹ đã ký một hợp đồng trị giá 125 triệu USD với Raytheon và Boeing về việc chế tạo JAGM tầm xa. Theo hợp đồng này, trong vòng 27 tháng, bên cung cấp sẽ phải thiết kế, chế tạo và thử nghiệm 3 mẫu chế thử JAGM trang bị đầu đạn tự dẫn kết hợp 3 chế độ.
Bộ phận quan trọng nhất của JAGM là đầu đạn tự dẫn đa chế độ công nghệ cao với hệ thống dẫn đường laser, radar và hồng ngoại. JAGM tương thích với tất cả các loại ống phóng trên các máy bay hiện đại của Mỹ. 2 cuộc phóng thử đầu tiên JAGM được tiến hành vào tháng 4/2010. Trong các cuộc thử nghiệm đó, với cả 3 hệ thống dẫn đường tên lửa đã hoạt động đồng thời một cách hiệu quả và bảo đảm truyền tải ổn định dữ liệu viễn trắc về trạm chỉ huy điều khiển.
Đầu đạn tự dẫn tổng hợp là một bước phát triển hoàn toàn mới. Nó là sự kết hợp giữa đầu đạn tự dẫn hồng ngoại thụ động, laser bán chủ động (để tiêu diệt các mục tiêu riêng lẻ với tác dụng phụ tối thiểu) và radar chủ động (sử dụng trong điều kiện thời tiết xấu và nhiều khói bụi trên chiến trường). Ngoài các phương án trên, người ta còn nghiên cứu khả năng trang bị cho đầu đạn của JAGM hệ thống dẫn đường bằng thông tin cung cấp từ các nguồn khác.
ATGM được chế tạo trong khuôn khổ dự án JAGM theo kế hoạch sẽ được trang bị đầu đạn đa năng - lũy tích (dồn đương lượng nổ về hướng mục tiêu), xuyên phá và nổ phá mảnh. Nhờ đầu đạn lũy tích mà tên lửa này có thể tiêu diệt đại đa số các xe tăng và xe bọc thép, còn đầu đạn xuyên phá và nổ phá mảnh phát huy công dụng đối với mục tiêu là nhà cửa, hầm trú ẩn, tàu thuyền và các mục tiêu được gia cố chắc chắn khác.
Đầu đạn xuyên phá giúp tên lửa có thể đâm xuyên vào mục tiêu, sau đó đầu đạn nổ phá mảnh sẽ thực hiện chức năng của mình là nổ và phá hủy mục tiêu. Tầm xa của phiên bản tên lửa này có thể đạt 45 km. Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt JAGM vào năm 2015 và đưa vào trang bị 1 năm sau đó.
Theo thông tin ban đầu, JAGM có chiều dài 175 cm, khối lượng 47 kg và tầm xa không quá 16 km. Nếu được phóng ra từ máy bay, tầm xa của JAGM có thể đạt 28 km. Tên lửa này có tầm xa và tính sát thương lớn hơn, hệ thống dẫn đường tên lửa hiện đại hơn so với các dòng cạnh tranh với nó trên thị trường.
JAGM sẽ được trang bị trên các máy bay phản lực, trực thăng và UAV các loại đang được Mỹ sử dụng, có thể cải tiến để trang bị cho Lục quân, Không quân và Hải quân cũng như Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Đặc biệt, nó sẽ được trang bị cho trực thăng tấn công AH-64 Apache và AH-1 Cobra, trực thăng đa năng UH-60 Black Hawk , tiêm kích cơ chiến thuật thế hệ 5 F-35 và các máy bay trinh sát. Ngoài ra, JAGM còn được trang bị cho các tiêm kích cơ F/A-18A/E và UAV Predator.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại