Nói về lưới lửa phòng không của Việt Nam, phương tiện đầu tiên phải kể đến là các chiến đấu cơ. Giữa những năm 1990, trước yêu cầu chiến đấu mới, Việt Nam nhập khẩu một vài tiêm kích đa năng Su-27SK của hãng Sukhoi (Nga). Su-27SK có khả năng mang tới 8 tấn vũ khí gồm tên lửa đối không và bom không điều khiển.
Không quân Nhân dân Việt Nam còn nhận được 2 chiếc tiêm kích đa năng Su-27PU (phía Nga đền thay cho 2 máy bay huấn luyện Su-27UBK bị phá hủy sau tai nạn của máy bay giao hàng). Su-27PU được thiết kế với buồng lái 2 chỗ ngồi, cần tiếp nhiên liệu trên không, cải tiến hệ thống điều khiển bay.
Trong vài năm qua, Việt Nam đã mua sắm số lượng lớn tiêm kích đa năng Su-30MK2V để hiện đại hóa không quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Su-30MK2V đã trở thành chiến đấu cơ hiện đại nhất Việt Nam và có thể đảm nhiệm nhiều vai trò: phòng không, tấn công mục tiêu mặt đất, mục tiêu trên biển. Trong ảnh, Su-30MK2V ném bom tấn công mục tiêu trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật.
Tàu chiến Việt Nam cũng được trang bị hỏa lực pháo phòng không - tên lửa bảo vệ tàu tiêu diệt mọi mục tiêu trên không (máy bay, tên lửa hành trình chống tàu) ở độ cao và cự ly từ 10 km trở lại.
Hệ thống pháo phòng không cao tốc Ak-630 trang bị trên các loại tàu chiến mới của Hải quân Việt Nam như: khinh hạm Gepard 3.9; tàu hộ tống tên lửa 1241RE, 1241.8, BSP-500; tàu pháo Svetlyak và TT400TP. Ak-630 được thiết kế chủ yếu để đánh chặn tên lửa hành trình chống tàu hoặc vũ khí chính xác cao. Dù vậy, nó cũng rất hiệu quả khi tấn công máy bay cánh bằng, trực thăng.
Hệ thống pháo-tên lửa phòng không tự động Palma-SU trang bị trên khinh hạm Gepard 3.9 (HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ). Palma-SU thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình chống tàu, tàu cỡ nhỏ. Trong ảnh là tổ hợp Palma-SU lắp trên khinh hạm tên lửa Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam.
Hệ thống Palma-SU thiết kế với 2 pháo 6 nòng cỡ 30mm AO-18KD và 8 tên lửa Sosna-R cho phép tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 200-8.000 m, độ cao 3.500 m.
Pháo phòng không tự động AK-230 trang bị trên tàu cao tốc tên lửa Osa II, tàu phóng lôi lớp Shershen của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Trong ảnh là tháp pháo AK-230 lắp trên tàu tên lửa Osa II. AK-230 lắp 2 nòng pháo cỡ 30 mm cho phép tấn công tiêu diệt mục tiêu trên không ở cự ly 2.500-4.000 m, tốc độ bắn 1.000 phát/phút.
Pháo phòng không AK-725 trang bị trên tàu phóng lôi lớp Tuyra dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên không (không hiệu quả khi chống tên lửa hành trình) hoặc khi cần có thể dùng để bắn phá mục tiêu trên biển. AK-725 thiết kế với 2 nòng pháo 57 mm có tầm bắn 8.420m, tốc độ bắn 200 phát/phút.
Dưới mặt đất, pháo phòng không 2 nóng 37mm là vũ khí chính trong lưới lửa tầm thấp. Được cải tiến, pháo phòng không 37mm 2 nòng được trang bị khí tài đánh đêm tự động. Do được trang bị hệ thống quang điện tử tại trung tâm điều khiển bắn nên nâng cao khả năng phát hiện, bám sát và tiêu diệt các mục tiêu bay với tốc độ cao, tham số không ổn định kể cả ngày lẫn đêm.
Đặc biệt với việc áp dụng “cò điện” sẽ giảm hiện tượng các khẩu đội bắn không đồng loạt, tạo ra mật độ hỏa lực dày, nâng cao xác suất trúng mục tiêu. Ngoài ra, tổ hợp pháo phòng không 37mm hai nòng còn được thiết kế lắp trên xe Ural-375D thành công tạo nên sự cơ động nhanh chóng. Đặc biệt, thời gian tự động triển khai không quá 3 phút, tự động thu hồi không quá 2 phút, thời gian tự lấy thăng bằng sau mỗi loạt bắn không quá 30 giây.
Trận địa pháo 37mm đồng loạt nổ súng đánh mục tiêu.
Mới đây, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nước ngoài, Trung Quốc có thể đã triển khai một lữ đoàn tên lửa hành trình CJ-10 mới, ở tình Vân Nam, tầm bắn xa 1.500 km có thể bao trùm Đông Dương khiến không ít người lo ngại.
Tuy nhiên, với sức mạnh của lưới lửa phòng không Việt Nam, chúng ta có thể tự tin đối phó với tên lửa hiện đại này.