Sức mạnh hệ thống phòng không tích hợp Machbet của Israel

Đức Anh |

Machbet là sự kết hợp độc đáo giữa pháo bắn nhanh 20 mm và 4 tên lửa phòng không tầm thấp FIM-92, cho phép đối phó hiệu quả với các mục tiêu bay thấp.

Bước phát triển từ M163 PIVADS

Phòng không tầm thấp có vai trò quan trọng trong việc đối phó với mục tiêu bay thấp, đánh chặn tên lửa bảo vệ cứ điểm, đội hình tăng thiết giáp trước các đợt tấn công từ trên không.

Những cường quốc quân sự trên thế giới đều phát triển các hệ thống phòng không tầm thấp tự hành đi kèm đội hình chiến đấu. Trong đó, Machbet của Israel là một tổ hợp điển hình.

Machbet (Quần vợt - phiên âm tiếng Israel) là hệ thống phòng không tấp thấp tự hành do Israel phát triển dựa trên M163 PIVADS của Mỹ.

Nhà thầu chính Israel Aerospace Industries (IAI) đã áp dụng giải pháp mở rộng tầm hỏa lực từ sản phẩm sẵn có. Machbet được giới thiệu lần đầu vào năm 1997 và chuyển giao cho quân đội Israel (IDF) một năm sau.

Trước đó, Mỹ đã chuyển giao cho Israel hệ thống M163 PIVADS vào những năm 1980. Tuy nhiên, nó nhanh chóng phơi bày điểm yếu.

PIVADS không có radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực. Kíp vận hành phải dựa vào quan sát để tìm kiếm và tấn công nên dễ bị nguy hiểm bởi vũ khí đối phương. Bên cạnh đó, việc không có radar khiến khả năng tác chiến ban đêm rất hạn chế.


Cận cảnh tháp pháo mới của Machbet với 4 tên lửa và cảm biến FLIR. Ảnh: Military Today

Cận cảnh tháp pháo mới của Machbet với 4 tên lửa và cảm biến FLIR. Ảnh: Military Today

Khắc phục nhược điểm

Từ yêu cầu của IDF, tập đoàn IAI đã bổ sung hệ thống liên kết dữ liệu với radar cảnh giới EL/M-2106 để chia sẻ tham số. Bổ sung hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu FLIR, lắp thêm cụm phóng chứa 4 tên lửa đối không tầm thấp FIM-92 Stinger.

Các thành phần mới cho khả năng tác chiến hiệu quả hơn, bất kể ngày đêm. Kíp vận hành không cần trực tiếp quan sát mục tiêu nên giảm thiểu đáng kể nguy hiểm.

Machbet giữ nguyên tháp pháo vốn có trên PIVADS (lắp pháo M61 Vulcan). Pháo có tốc độ bắn 3.000 viên/phút, với nhiều loại đạn khác nhau như đạn HE, đạn phân mảnh hoặc đạn xuyên giáp APDS. M61 có tầm bắn hiệu quả 2 km, tối đa 5 km.

Xe mang theo cơ số 1.800 viên đạn (ít hơn so với 2.100 viên của PIVADS). Ngoài nhiệm vụ chính là phòng không, pháo M61 tỏ ra rất lợi hại trong việc chống lại bộ binh và phương tiện bọc giáp nhẹ của đối phương.

Trong khi đó, tên lửa phòng không Stinger lắp đầu dò hồng ngoại chủ động tiêu diệt được mục tiêu ở cự ly 4 - 8 km, tầm cao tối đa 3,8 km.

Machbet trang bị 8 đạn tên lửa, trong đó 4 được nạp sẵn. Ống phóng tương thích với cả tên lửa Mistral của Pháp hoặc Igla của Nga.

Toàn bộ hệ thống lắp trên khung gầm xe thiết giáp chở quân M113, tốc độ tối đa 68 km/h, dự trữ hành trình 480 km, kíp chiến đấu 4 người. Chi phí mỗi hệ thống Machbet khoảng 4 triệu USD, Israel từng xúc tiến xuất khẩu tổ hợp này nhưng không thành công.

Mặc dù có cải tiến về hỏa lực song tính năng của Machbet vẫn thua kém so với ZSU-23-4 của Nga. Việc không có radar tích hợp sẵn khiến việc tác chiến độc lập không cao. Khung gầm M113 bọc giáp yếu, dễ bị tổn thương trước hỏa lực đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại