Nhằm hiện đại hóa triệt để lực lượng hải quân, Việt Nam đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất mua các trang thiết bị hải quân của Nga. Hiện nay, theo thống kê từ phía Nga, tổng giá trị các đơn đặt hàng mà Nga cung cấp Việt Nam có thể so sánh với các hợp đồng hiện tại mà nước này đang thực hiện cho Hải quân Ấn Độ.
Đáng chú ý nhất là hợp đồng cung cấp cho Việt Nam 6 tàu ngầm diesel-điện Kilo thuộc Project 636, được hai bên ký kết trong năm 2009. Các tàu ngầm Kilo sẽ được trang bị tên lửa Club-S - một trong những hệ thống tên lửa hành trình chống tàu tối tân nhất thế giới.
Ngày 7/11, Việt Nam đã chính thức nhận bàn giao tàu ngầm Kilo Hà Nội
Biên bản bàn giao kỹ thuật đối với chiếc tàu ngầm đầu tiên - HQ-182 Hà Nội đã được 2 bên ký kết vào hôm 7/11. Theo kế hoạch, tàu ngầm Hà Nội sẽ lên đường về Việt Nam vào ngày 11/11 và sẽ cập cảng Cam Ranh vào cuối tháng 1/2014.
Một nguồn tin quân sự Nga tiết lộ Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận thêm 2 chiếc tàu ngầm Kilo TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng trong năm 2014.
Bên cạnh đó, ngày 5/11, tại thủ đô Moscow, đại diện hai nước Nga và Việt Nam đã ký kết văn bản về việc chuyển giao trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm tại Cam Ranh cho Hải quân Việt Nam. Các hệ thống mô phỏng tại trung tâm cho phép học viên thực hành chiến đấu trong các tình huống khẩn cấp khác nhau. Trung tâm này sẽ hoạt động tại Cam Ranh, giáo viên là bốn mươi thủy thủ Việt Nam được đào tạo ở Nga.
Nhìn chung, thị phần vũ khí của Nga tại Việt Nam trong thập kỷ qua đã đạt đến 90%. Cùng với việc xây dựng hạm đội tàu ngầm, số lượng tàu nổi do Nga chế tạo cho Hải quân tại Việt Nam đang gia tăng, trong số đó, phải kể đến các tàu pháo Svetlyak, tàu hộ tống tên lửa Gepard và tàu tên lửa Molniya. Trong năm nay, Nga đã khởi đóng thêm 2 tàu hộ tống Gepard cho Việt Nam.
Thủy phi cơ Twin Otter đầu tiên của Hải quân Việt Nam
Ngoài ra, đồng hành với các tàu ngầm Kilo, Hải quân Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tăng thêm sức mạnh sau khi 2 tàu tên lửa nội địa Molniya hoàn thành thử nghiệm sẽ được đưa vào phục vụ vào cuối năm 2013, đầu năm 2014.
Trong khi đó, phía lực lượng không quân hải quân đã tiếp nhận chiếc thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter đầu tiên vào cuối tháng 10/2013. Năm chiếc DHC-6 còn lại hiện đang tiếp tục thử nghiệm ở Canada và theo kế hoạch cũng sẽ được bàn giao đủ cho Việt Nam vào năm 2014.
Trên bờ biển, ngoài các tổ hợp tên lửa chống hạm thế hệ cũ như P-270 Moskit, Shaddock, đã có thêm Bastion-P với các tên lửa hành trình siêu thanh Yakhont thuộc hàng tối tân nhất thế giới.
Như vậy, về cơ bản, trong năm 2014, tất cả các lực lượng tác chiến trên không, trên mặt nước và dưới nước của Hải quân Việt Nam đều đã tương đối đủ bộ. Những hệ thống vũ khí mới, tối tân này sẽ góp phần tạo ra một sức mạnh tăng lên gấp bội cho Hải quân Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.