Sức mạnh Hải quân Phi châu đáng sợ thế nào?

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Hải quân các nước châu Phi đang có những bước chuyển mình đáng nể để bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển.

Hải quân của hai trong số ba nước châu Phi đang có sự phát triển rất đáng chú ý. Lo sợ trước sức mạnh ngày càng tăng của người hàng xóm Algeria, Hải quân Ma-rốc không chỉ hiện đại hóa mà còn được tăng cường sức mạnh thông qua việc mua lại các chiến hạm lớn. Điển hình là việc đưa vào trang bị tàu khu trục nhỏ Mohamed VI thuộc dự án FREMM của Pháp với hỏa lực mạnh mẽ, điều mà trước đây Hải quân Ma-rốc chưa có được (mặc dù thực tế là các tàu khu trục nhỏ này sẽ không được lắp đặt các tên lửa hành trình).


	Tàng hình hạm FREMM của Hải quân Ma-rốc.

Tàng hình hạm FREMM của Hải quân Ma-rốc.

Cùng với việc mua chiến hạm tàng hình FREMM, trong năm 2011-2012, Hải quân Ma-rốc cũng đã nhận được 3 tàu hộ tống Sigma của Hà Lan. Ngoài ra, Hải quân Ma-rốc còn tiến hành nâng cấp hầu hết các tàu tuần tra của mình, trong đó có 5 chiếc Bir Anzaran do Pháp xây dựng. Vấn đề mua lại tàu ngầm cũng sẽ được xem xét. Hiện Ma-rốc đang bày tỏ sự quan tâm đến các tàu ngậm thuộc dự án 209/1200 của Đức và S1000 của Nga-Ý.

Hải quân Algeria không có kế hoạch hiện đại hóa bởi vì thực tế là trong hơn ba năm qua, nước này đã nhận được 2 tàu ngầm Kilo mới (2 chiếc khác có lẽ sẽ được đặt hàng trong thời gian tới), cùng với 2 tàu ngầm Kilo gần đây được nâng cấp ở Nga, Algeria đã có một lực lượng tàu ngầm khá hùng mạnh ngang bằng hoặc thậm chí còn hơn so với các nước  Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức. Hải quân Algeria đã đặt mua ba tàu kéo cứu hộ trên biển UT 515 từ nhà máy đóng tàu của Na Uy. Ngoài ra, Algeria trong năm 2011 và 2012, đã đặt mua ít nhất 2 tàu khu trục tên lửa dự án MEKO của Đức, sau đó là 2 chiếc khác của Trung Quốc, cũng như một tàu đổ bộ mang trực thăng có khả năng phòng không của Italia.


	Mô hình tàu ngầm S1000 của Nga-Ý.

Mô hình tàu ngầm S1000 của Nga-Ý.

Trong khi hai nước nói trên đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho hải quân thì  biến cố “Mùa xuân Ả Rập” không cho phép Tunisia, Libya và Ai Cập cải thiện vị trí của Hải quân nước nhà trong khu vực.

Hải quân Tunisia hiện nay không có nhiều cơ hội phát triển, và chỉ có lực lượng Cảnh sát biển quốc gia là nhận được hai chiếc tàu tuần tra 140 tấn, 35 mét đầu tiên trong lô 6 chiếc đặt hàng tại Ý.

Từ sau cuộc nội chiến và sự can thiệp của phương Tây trong mùa xuân hè 2011, các chiến hạm và các cơ sở Hải quân Libya đã bị phá hủy một số lượng lớn nếu như không muốn nói là gần như bị phá hủy hoàn toàn. Đặc biệt, Hải quân nước này đã bị mất đi một tàu khu trục và 7 tàu tên lửa trong cuộc chiến vào năm 2011.

Hải quân Ai Cập đã buộc phải từ bỏ mua 6 tàu tên lửa đã qua sử dụng từ Na Uy cùng các cơ sở nổi, sau sự sụp đổ của chế độ Mubarak. Tuy nhiên, trong năm 2013 và năm 2014,  nước này sẽ nhận được 4 tàu tên lửa dự án Ambassador IV đặt mua của Hoa Kỳ trong năm 2008 và 2010. Ngoài ra, bất chấp sự phản đối từ phía Israel, việc đàm phán hợp đồng đặt mua hai tàu ngầm dự án 209 của Đức, theo nguồn tin đáng tin cậy, vẫn được tiến hành.


	Tàu tên lửa  Ambassador IV.

Tàu tên lửa  Ambassador IV.

Các nước châu Phi bên bờ Đại Tây Dương và phía nam hoang mạc Sahara cũng đã và đang tăng cường sức mạnh Hải quân để bảo vệ dầu khí quốc gia và/hoặc nguồn lợi thủy sản, thường là với sự giúp đỡ (không quá hào phóng) của Trung Quốc, với nguồn cung tuần tra ven biển và đại dương giá rẻ để thay thế cho các tàu được mua từ Liên Xô trong những năm 70-80 của thế kỷ trước. Ghana, Nigeria, Congo, Angola và Namibia đã nhận được sự “viện trợ” từ phía Trung Quốc.

Hải quân các nước Senegal, Guinea, Benin, Gabon, Cameroon thì nhận các chiến hạm từ các nước phương Tây truyền thống. Tây Ban Nha cũng đã bàn giao một số tàu tuần tra lớp Koneyera cho Mauritania, Senegal và Mozambique. Trong khi đó Pháp bàn giao hai tàu tuần tra cho Cameroon (Greb), Kenya (La Rez) và hai tàu đổ bộ cho Senegal (Saber), Djibouti (Dag). Mauritania đã nhận được một tàu tuần tra 60 mét Avkar được xây dựng bởi Trung Quốc và con tàu này đã được đưa vào hoạt động trong tháng 12 năm 2012.


	Tàu ngầm Kilo của Hải quân Agleria.

Tàu ngầm Kilo của Hải quân Algeria.

Đặc biệt đáng chú ý Equatorial Guinea là đất nước trong 5 năm qua đã mua ít nhất 6 tàu chiến mới, bao gồm các tàu hộ tống (từ Bulgaria), hai tàu khu trục nhỏ (từ Israel), 2 tàu tuần tra và tàu đổ bộ (từ Ukraina).

Hải quân Nigeria nhiều khả năng sẽ đặt mua thêm 2 tàu hộ tống dự án P18N của Trung Quốc (chiếc đầu tiên đã đặt mua trong tháng 10 năm 2012), và hai chiếc khác đã đặt hàng từ Ấn Độ trong năm ngoái. Nước này cũng đã nhận được tàu khu trục nhỏ Hamilton từng phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển Hoa Kỳ cũng như một số tàu tuần tra nhỏ từ Pháp, Israel, Malaysia, Singapore và thậm chí từ các xưởng đóng tàu trong nước.

Hải quân Namibia trong năm 2012, đã tiếp nhận tàu chiến lớn nhất của mình mang tên Elephant, được xây dựng bởi Trung Quốc.


	Khinh hạm MEKO A200.

Khinh hạm MEKO A200.

Sau khi hiện đại hóa đáng kể hải quân của mình trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2008 bằng cách mua của Đức ba tàu ngầm dự án 209/1400 và bốn tàu khu trục nhỏ dự án MEKO A200, Hải quân Nam Phi hiện tại cần phải thay thế các tàu tuần tra nhỏ Biro. Tuy nhiên, do thiếu hụt ngân sách, nước này buộc phải mở rộng hoạt động trong vài năm của ba tàu mang tên lửa cuối cùng lớp Rezhef và hiện đại hóa chúng ở một mức độ nào đó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại