Sức mạnh đạn siêu tốc HVP của pháo điện từ Hải quân Mỹ

Xuân Sơn |

Sang năm 2016, Hải quân Mỹ sẽ bắt đầu thử nghiệm bắn đạn thật trên pháo điện từ, trong đó đáng chú ý nhất là thử nghiệm đạn siêu tốc HVP (Hyper Velocity Projectile).

Thử nghiệm pháo điện từ (Electromagnetics Munition - EM) sẽ được tiến hành trong năm 2016, với pháo gắn trên tàu USNS Trenton (tiền thân là USNS Milinocket). Theo đúng kế hoạch pháo điện từ sẽ được trang bị vào năm 2020.

Hải quân Mỹ sẽ thử nghiệm bắn đạn thật trên biển với loại đạn pháo mới HVP. Cơ quan nghiên cứu hải quân ONR (Office of Naval Research) phối hợp với BAE Systems đã chế tạo đạn HVP dành cho pháo điện từ và cả pháo thông thường.

Đạn siêu tốc (Hyper Velocity Projectile/ BAE systems) với một số bao dẫn khác nhau
Đạn siêu tốc (Hyper Velocity Projectile/ BAE systems) với một số bao dẫn khác nhau

HVP là một loại đạn pháo công nghệ cao, với sự giúp đỡ của các bao dẫn khác nhau (thành phần dẫn đạn trong nòng) mà nó có thể được bắn đi từ pháo 127 mm, 155 mm, hoặc từ hệ thống vũ khí EM. Trong tất cả các trường hợp phần đầu đạn là như nhau,

HVP có thể chống lại một loạt các mục tiêu - mặt đất, mặt nước hay trên không. Đạn HVP tương lai sẽ được sử dụng trong cả tác chiến phòng không, mục tiêu của nó bao gồm cả tên lửa đạn đạo và các loại đạn dẫn đường.

Đạn HVP bắn trên các pháo khác nhau

Đạn HVP bắn trên các loại pháo khác nhau

Đạn có thể mang lõi xuyên Wolfram để phá hủy mục tiêu bọc giáp hoặc lắp đầu nổ mảnh nhằm sát thương sinh lực địch. Đạn có chiều dài đến 610 mm và nặng 12,7 kg.

Hệ thống dẫn đường của HVP hiện vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên có thể thấy rằng đạn được lắp thiết bị điện tử có độ bền cao nhằm đảm bảo chịu được gia tốc cực lớn khi bắn.

Kết quả thử nghiệm đạn HVP
Kết quả thử nghiệm đạn HVP

Cuộc thử nghiệm trên biển năm 2016 sẽ có sự hỗ trợ của hệ thống định vị vệ tinh. Tuy nhiên trong tương lai, để liên lạc với đạn sẽ sử dụng đường truyền dữ liệu và dẫn đường riêng (từ radar trên tàu hoặc thiết bị cảm biến khác như máy bay không người lái).

Trong tác chiến phòng không, pháo EM (hay ngay cả pháo thông thường) có thể kết hợp với đạn HVP để thay đổi cuộc chơi. Điều quyết định ở đây là hiệu quả kinh tế, đạn HVP có giá khá cao (khoảng 25.000 USD), nhưng vẫn rẻ hơn đáng kể so với các loại đạn dẫn đường khác.

Hoạt động của HVP. Hãy chú ý sự xuất hiện của dòng plasma sau khi bắn, vào thời gian 0:27 trong khi đạn nổ

“Theo truyền thống, khi đối phương gửi tới chúng tôi một mối đe dọa nào đó, để đối phó, chúng tôi phải chi trả hơn nhiều lần so với giá của bản thân mối đe dọa.

Nhờ công nghệ vũ khí EM, chúng tôi có thể đối phó mối đe dọa với khả năng tương tự và chi phí thấp hơn một nửa”, giám đốc chương trình vũ khí năng lượng và tác chiến điện tử của hải quân (NAVSEA - Naval Sea Systems Command), ông Mike Ziv phát biểu.

HVP có chức năng tương tự như đạn xuyên thép dưới cỡ, nhờ hình dáng khí động học rất tốt, đạn có thể đạt được tầm bắn xa hơn và nhanh hơn nhiều so với đạn pháo thông thường.

Hệ thống xung điện từ/BAE systems
Hệ thống xung điện từ/BAE systems

Theo dữ liệu của BAE Systems,  pháo hạm Mk 45 Mod 4 cỡ 127 mm với đạn HVP bắn xa tới 90 km và tốc độ bắn lên tới 20 phát/phút. Pháo có khả năng bắn nhiều đạn HVP vào mục tiêu cùng lúc nhờ các quỹ đạo khác nhau.

Pháo EM có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 185 km. Khi bắn từ pháo EM, đạn phải chịu sự quá tải là 45.000 G, bay tới mục tiêu với vận tốc 9.000 km/h.

Đạn HVP có thể trang bị cho lựu pháo tự hành hoặc pháo kéo của quân đội Mỹ, ví dụ pháo tự hành M109 Paladin với đạn HVP bắn trúng được mục tiêu ở cự ly 80 km với tốc độ bắn 6 phát/phút.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại