Mỹ quyết định hoãn phóng kiểm tra LGM-30 Minuteman-3
Ngày 06-4, một quan chức cao cấp quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã quyết định hoãn một vụ phóng kiểm tra tên lửa đạn đạo liên lục địa, dự kiến được tiến hành tại Căn cứ không quân Vandenberg thuộc bang California vào tuần tới do căng thẳng đang leo thang với Triều Tiên.
Theo quan chức quốc phòng trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã quyết định lùi vụ kiểm tra tên lửa LGM-30 Minuteman-3 sang tháng tới, do quan ngại vụ phóng này có thể gây ra sự hiểu lầm và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hiện nay với Triều Tiên. Quyết định này đã được Bộ trưởng Chuck Hagel đưa ra vào thứ 6 tuần trước.
“Đây là một quyết định hợp lý, thận trọng và có trách nhiệm” sau khi Triều Tiên đe dọa tấn công nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân “nhỏ hơn, nhẹ hơn và đa dạng”, nhằm đáp trả các cuộc diễn tập quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc - quan chức giấu tên trên cho biết.
Vụ phóng kiểm tra tên lửa liên lục địa này thuộc kế hoạch kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, không liên quan gì tới các cuộc diễn tập quân sự thường niên đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc trên lãnh thổ Hàn Quốc khiến Triều Tiên nổi giận và đã có những hành động và lời lẽ đe dọa như trong thời gian qua.
Quan chức giấu tên trên cho biết, chính sách của Mỹ là tiếp tục ủng hộ việc phát triển và thử nghiệm những khả năng răn đe hạt nhân của nước này. Theo ông, vụ phóng kiểm tra theo kế hoạch đã định này được hoãn lại không phải do bất kỳ lỗi kỹ thuật nào.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa này là một trong ba vũ khí khí hạt nhân chủ lực của Mỹ. Hai loại vũ khí hạt nhân còn lại là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và bom hoặc tên lửa mang đầu đạn hạt nhân phóng từ các máy bay ném bom hạng nặng, như B-52 và B-2.
Hiện tại, Mỹ đang sở hữu khoảng 450 tên lửa Minuteman-3 triển khai tại các hầm silo dưới mặt đất ở miền trung và bắc nước Mỹ và khoảng trên 1000 đầu đạn hạt nhân có thể sử dụng cho loại tên lửa này, mỗi quả tên lửa LGM-30 Minuteman-3 có giá vào khoảng trên 7 triệu USD.
Siêu tên lửa 50 năm vẫn còn uy lực khủng khiếp
LGM-30 Minuteman là loại tên lửa liên lục địa hay còn gọi là tên lửa vượt đại châu (ICBM - Intercontinental Ballistic Missile) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do hãng Boeing của Mỹ sản xuất. Minuteman-1 ra đời vào năm 1962, là loại tên lửa chỉ phóng được 1 đầu đạn thông thường; phiên bản nâng cấp tiếp theo của nó là Minuteman-2 cũng thuộc loại đầu đạn đơn nhưng có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, sản xuất năm 1965.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30 Minuteman-3 hiện đang sử dụng được bắt đầu cải tạo năm 1966, trang bị hàng loạt năm 1970, bắt đầu từ năm 2009, nó là loại ICBM duy nhất trong biên chế của quân đội Mỹ. Gần 50 năm đã qua, bao nhiêu loại trang bị, vũ khí đã ra đời, sử dụng rồi đào thải nhưng Minuteman-3 vẫn là trụ cột không thể thay thế của trong bộ 3 răn đe hạt nhân của quân đội Mỹ.
Minuteman-3 có trọng lượng 35,3 tấn, chiều dài 18,26m, đường kính thân 1,67m, tầm bay cao tối đa 1120km, tầm bắn 13.000km với tốc độ 7km/s, tương đương 25.200 km/h (Mach23). Điểm khác biệt của Minuteman-3 so với 2 phiên bản trước là ngoài phương thức phóng từ giếng phóng nó còn được phóng từ xe chở, nâng cao tính cơ động của tên lửa.
Loại tên lửa này áp dụng mô hình phóng đa đầu đạn phân hướng, đa phương thức dẫn đường, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân loại W62, W78, W87 với lượng nổ tối đa của mỗi đầu đạn hạt nhân có thể từ 170 kiloton tới 500 kiloton (tương đương 175.000 tấn TNT), sai số mục tiêu từ 85 - 450m.
Loại tên lửa này bao gồm 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn; mỗi tầng tương ứng với một loại động cơ đẩy, chỉ sử dụng trong một giai đoạn bay, sau đó sẽ tách ra và rơi xuống. Giai đoạn 1 sử dụng động cơ Thiokol TU-122 (M-55); giai đoạn 2 là động cơ Aerojet-General SR-19-AJ-1, còn giai đoạn 3 sử dụng Aerojet/Thiokol SR73-AJ/TC-1 làm động cơ đẩy.
Minh họa các giai đoạn phóng của tên lửa LGM-30 Minuteman-3 như sau:
1: Khởi đầu giai đoạn 1, điểm hỏa động cơ thứ nhất đẩy tên lửa được ra khỏi giếng (A).
2: Khoảng 60 giây sau, khai hỏa động cơ thứ 2, tầng thứ nhất tách ra, rơi xuống, kết thúc giai đoạn 1, chuyển sang giai đoạn 2 (B).
3: Khoảng 120 giây sau, động cơ thứ 3 (C) được khai hỏa và tầng thứ 2 tách ra, rơi xuống, bắt đầu giai đoạn 3.
4: Khoảng 180 giây sau, tầng thứ 3 tách ra, bóc vỏ và lớp chụp đầu đạn (D) để lộ đầu đạn.
5: Phần đế gắn đầu đạn sẽ chuẩn bị được tách ra
6: Đế gắn đầu đạn tách ra, đầu đạn tự bay theo quán tính (E)
7&8: Trong 2 giai đoạn này, bộ vi xử lý của đầu đạn sẽ tự dẫn, nó sẽ lấy độ cao rồi tự phân hướng và phóng liên tiếp xuống mục tiêu.