Napalm là tên một chất gây cháy dạng lỏng, kết hợp từ muối nhôm naphthenic và axit palmitic. Khi sử dụng, hợp chất này thường được cho thêm vào chất dễ bắt cháy để làm cho nó trở thành dạng keo.
Chất napalm được chế tạo nhằm khắc phục nhược điểm của súng phun lửa và bom cháy sử dụng xăng, do trong quá trình cháy xăng quá dễ dàng bị vung tóe và chảy đi hết, không có khả năng duy trì cháy lâu dài.
Hợp chất napalm thường được nạp vào các loại bom, bom napalm có khá nhiều chủng loại: cỡ nhỏ có trọng lượng 6 - 10 pound, cỡ vừa từ 100 - 200 pound và cỡ lớn có khối lượng 500 - 750 pound (1 pound = 0,45359237 kg)
Một số loại bom napalm phổ biến gồm: AN-68A1 là loại nhỏ có đường kính 80 mm, chiều dài 500 mm, trọng lượng 6 pound, trong khi đó Mk 77 là loại bom napalm cỡ lớn có trọng lượng 750 pound.
Bom napalm Mk 77 trên máy bay cường kích A-6 Intruder của Hải quân Mỹ.
Bom napalm khi cháy sẽ tạo ra cột khói màu đen, lửa màu vàng, có mùi khét, nhiệt độ cháy từ 800 - 1.000 0C.
Độ dính bám vật thể lớn của chất napalm rất lớn, rơi xuống nước vẫn có thể tiếp tục cháy. Với loại bom 250 pound, phạm vi gây cháy là từ 20 - 30 m.
Bom napalm gây ra những vết bỏng nặng, rất sâu, có thể vô hiệu hóa và giết chết nạn nhân một cách nhanh chóng.
Đối với những người sống sót nhưng bị bỏng độ 3, phần da và mạch (vascular dermis) bị thương tổn không có các cơ quan tiếp nhận cảm giác đau. Tuy nhiên, các nạn nhân bỏng độ 2 do bị các giọt napalm dính vào sẽ phải chịu rất nhiều đau đớn.
Một vụ thử nghiệm bom sử dụng hợp chất napalm-B, có thành phần chính là benzen và polystyrene được tiến hành vào thời điểm năm 2003
Bom napalm lần đầu tiên được sử dụng là trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vào ngày 17/7/1944 các máy bay P-38 của Mỹ đã ném những quả bom napalm xuống một kho nhiên liệu của quân Đức tại Coutances, Pháp nhằm tăng thêm thiệt hại.
Sau đó loại vũ khí này còn được sử dụng để oanh kích các mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản, được sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên và trên cả chiến trường Việt Nam để phát quang những vùng đất trống cho máy bay trực thăng hạ cánh.
Do khi cháy bom napalm nhanh chóng hút hết oxy trong không khí, đồng thời tạo ra một lượng lớn chất mônôxít cacbon (CO) gây ngạt thở nên nó còn được sử dụng nhiều để chống lại bộ binh ẩn nấp trong hầm hào, công sự.
Bà Kim Phúc, một nạn nhân, một nhân chứng sống may mắn thoát chết trong bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, sau đợt đội bom napalm đã nói:
"Napalm là nỗi đau đớn khủng khiếp nhất mà ta có thể tưởng tượng được. Nước sôi ở 100 0C. Napalm tạo ra nhiệt độ lên tới 800 - 1.200 0C."
Bom napalm được quân đội Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam