Su-33 (được phía NATO định danh là “Flanker-D”) là một loại tiêm kích đánh chặn phục vụ trong Hải quân Liên bang Xô Viết và Hải quân Nga. Su-33 có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết dù là khắc nghiệt nhất trên biển.
Su-33 được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn hàng không Sukhoi và được sản xuất chủ yếu tại các nhà máy của KnAAPO. Là hậu duệ trực tiếp của dòng máy bay tiêm kích huyền thoại Su-27 nên Su-33 được thừa hưởng những điểm mạnh nhất của Su-27 như tốc độ, sự linh hoạt và cơ động.
Các phiên bản đầu tiên của Su-33 được phát triển trong dự án nâng cấp và cải tiến Su-27K, về sau được đổi thành tên thành Su-33, giữ vai trò là máy bay tiêm kích phục vụ trong Hải quân.
Su-33 bay thử thành công lần đầu tiên năm 1989, trên Hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuzetsov, sử dụng các máy phóng hơi nước. Sau đó, đến năm 1995, Su-33 được tiếp tục thử nghiệm và được biên chế chính thức vào Hải quân Nga vào năm 1998. Thời điểm này cũng chính là lúc Su-27K được mang cái tên mới là Su-33 “Flanker-D”. Mẫu máy bay tiêm kích đánh chặn này trở thành thành viên thứ 3 của gia đình Flanker. Hai người tiền nhiệm của Su-33 là Su-30 và Su-27 nhưng cả 2 đều là các máy bay cất cánh từ mặt đất.
Su-33 mang sứ mệnh mới là cất cánh từ đường băng khá ngắn của các hàng không mẫu hạm. Chiếc tiêm kích được trang bị hệ thống bánh đáp mới, cứng cáp hơn. Lớp khung và vỏ máy bay được phủ một lớp sơn nano, kèm hợp chất chống ăn mòn để phục vụ trong môi trường có nhiều hơi nước biển.
Cánh chính của Su-33 cũng được làm lớn hơn hẳn người tiền nhiệm Su-27 nhằm ổn định thăng bằng khi phải hoạt động trong các môi trường có gió lớn trên biển, đồng thời giúp tăng lực nâng của Su-33.
Hệ thống động cơ của Su-33 được nâng cấp và hiện đại hóa theo hướng phục vụ liên tục không ngừng nghỉ và có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết dù là khắc nghiệt nhất. Cụ thể, hệ thống động cơ được trang bị hệ thống cánh xoay mũi đôi nhằm giảm lượng hơi nước từ biển vào động cơ. Cuối cùng, khả năng tiếp liệu trên không giúp Su-33 có thể hoạt động được trong phạm vi khá rộng và bao quát được một vùng biển có bán kính lên đến 1.000m.
Su-33 được kì vọng sẽ là một thế lực mới trên đại dương nhưng do một số điều kiện, nó đã bị bỏ quên và nhanh chóng chìm vào quên lãng. Chỉ có 24 chiếc Su-33 được sản xuất do điều kiện kinh tế khó khăn của Liên bang Nga sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, cùng đó là chính sách cắt giảm nhân sự và thu hẹp phạm vi hoạt động của các hạm đội do thâm hụt ngân sách.
Sau này, Su-33 được chào hàng ở Ấn Độ và Trung Quốc nhưng các thương vụ này đều không đạt được kết quả nào do sự bất đồng quan điểm của các phía và kết quả là 4 thương vụ mua bán Su-33 đều đổ bể.
Su-33 được đánh giá là vượt trội hơn một số điểm so với Mig-29K (một phiên bản của Mig-29 có thể cất cánh từ Hàng không mẫu hạm). Tuy nhiên, Mig-29 lại có khá nhiều điểm cộng so với người làng giếng Su-33, đó là hệ thống điện tử hiện đại hơn. Không những thế, Mig-29K là một chiếc tiêm kích đa năng chứ không phải đơn thuần là đánh chặn như Su-33. Thế nên, Mig-29K có thể tham gia các hoạt động như tấn công tàu chiến, đánh chặn phòng thủ trên không, bảo vệ hạm đội và tấn công mặt đất bằng các loại vũ khí chính xác.
Bắt đầu từ năm 2009, do sự tốn kém trong chương trình Su-33, Bộ quốc phòng Nga đã đặt hàng các máy bay tiêm kích Mig-29K thay thế cho Su-33. Có thể nói rằng Su-33 là mẫu tiêm kích có thời gian hoạt động khá ngắn trong lịch sử của gia đình “Flanker”. Hầu hết, các mẫu của gia đình “Flanker” đều được chào đón ở bất kỳ quốc gia nào, thế nhưng Su-33 lại nhanh chóng bị lãng quên.
Lịch sử phát triển
Suốt thập niên 70 của thế kỷ XX, tiêm kích đa năng Yakolev Yak-38 là loại tiêm kích chính hoạt động trên các Hàng không mẫu hạm của Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, Yak-38 bắt đầu bộc lộ quá nhiều nhược điểm và bị đánh giá là tệ hơn các loại tiêm kích khác hoạt động trên Hàng không mẫu hạm của kình địch Hoa Kỳ.
Yak-38 có tầm hoạt động chỉ 300km, quá ngắn so với người hàng xóm Hoa Kỳ, thế nên Yak-38 không có khả năng bảo vệ hạm đội từ xa và dễ bị tấn công bất ngờ. Bên cạnh đó, nếu xét về tải trọng, Yak-38 chỉ mang được chưa đến 1.5 tấn vũ trang, quá ít so với một loại tiêm kích với vai trò đánh chặn từ xa trên biển. Những điểm yếu này nhanh chóng bị các phi công từ phía Hoa Kỳ nắm bắt và Yak-38 đã không thể nào chống chọi lại các máy bay từ phía họ. Không những vậy, nó còn gây bất lợi cho cả hệ thống phòng thủ của các Hàng không mẫu hạm lớp Kiev.
Để hiện đại hóa các máy bay tiêm kích hải quân, một dự án đã được khởi động với 2 nhà thầu chính là Tập đoàn hàng không Sukhoi và Tập đoàn hàng không Mikoyan nhằm phát triển một loại tiêm kích STOL (Short take-off and landing).
STOL – Short take-off and landing: là các loại tiêm kích có khả năng cất cánh được trên các đường băng ngắn của Hàng không mẫu hạm và có thể cất cánh bằng các máy phóng trên các tàu sân bay. Ngoài ra, chúng còn có khả năng hạ cánh bằng cáp hãm tốc độ trên các Hàng không mẫu hạm.
Trong suốt quá trình đánh giá và thử nghiệm, đã có 2 loại tiêm kích khá nổi trội là Mig-23 và Su-24 nhưng những thâm hụt trong kinh tế đã khiến dự án này bị hoãn lại giữa chừng.
Trong khi đó, người Nga đang có tư tưởng không muốn thua kém người Mỹ, nhất là khi Hải quân Hoa Kỳ có Hàng không mẫu hạm lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân. Để thu hẹp khoảng cách, phía Nga đã triển khai đề án tàu sân bay Project-1153 với cái tên Orel, có khả năng mang đến 70 tiêm kích và 20 trực thăng. Đây là một dự án khá tham vọng của người Nga.
Lúc này, ứng viên Su-25 được chọn làm loại tiêm kích chính, bên cạnh đó còn có Mig-23K và Su-27K làm dự phòng. Thế nhưng, Su-25 lại không đáp ứng được các tính năng kỹ chiến thuật nên Su-27K đã được chọn để thay thế. Tiếc là, một lần nữa, đề án lại bị hủy bỏ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, Su-27K sau đó vẫn được Bộ quốc phòng Liên bang Nga tài trợ để trang bị trên hàng không mẫu hạm phi hạt nhân Đô đốc Kuzetsov và cả các hàng không mẫu hạm lớp Kiev.
Thử nghiệm và trang bị
Mẫu Su-27K đầu tiên được xuất xưởng KnAAPO vào ngày 21-1-1987. 7 tháng sau, sau các quá trình kiểm tra kỹ lưỡng, nó được phi công huyền thoại Viktor Pugachev thử nghiệm tại trung tâm thử nghiệm hàng không NITKA.
Mọi chuyện diễn ra khá tốt đẹp, không có bất kỳ tai nạn hay sự cố ngoài ý muốn nào xảy ra. Su-27K do phi công Viktor Pugachev được cất cánh trên một đường băng chỉ dài ½ so với đường băng trên mặt đất, với sự hỗ trợ của hệ thống máy phóng hơi nước, tương tự như trên tàu Đô đốc Kuzetsov.
Cùng thử nghiệm với Su-27K là Mig-29K. Tất cả đều phải trải qua quá trình cất cánh thử nghiệm dưới sự hỗ trợ của máy phóng và kỹ thuật cất cánh Ski-Jump.
Ski-Jump là kỹ thuật cất cánh được áp dụng khá nhiều trên các Hàng không mẫu hạm của Liên bang Xô Viết nói chung và Liên bang Nga nói riêng. Sau khi được đẩy đi từ máy phóng, chiếc máy bay sẽ lướt trên đường băng của Hàng không mẫu hạm khi chỉ còn cách điểm kết thúc của đường băng khoảng 150m. Tại các vị trí này có các lớp cao su giúp hỗ trợ sức bật cho nó. Lúc cách vị trí này 100m, động cơ của chiếc tiêm kích sẽ được đẩy lên công suất 75%, bánh đáp trước được trợ lực từ hệ thống cân bằng và hệ thống thủy lực để không bị mất thăng bằng khi va chạm với lớp cao su. Khi va chạm với lớp cao su, mũi máy bay sẽ chếch lên phía trên 8 độ, sử dụng lực nâng từ động cơ để cất cánh khỏi tàu. Kỹ thuật này khá khác với kỹ thuật cất cánh từ các Hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Su-27K còn phải qua được các bài thử nghiệm hạ cánh với tính huống giả định trên các Hàng không mẫu hạm như bài thử nghiệm hãm tốc độ bằng cáp hãm. Do đó, Su-27K được trang bị thêm một bộ phận mà các phiên bản cất cánh từ đường băng trên mặt đất không có, đó là móc hãm tốc độ. Khi hạ cánh, chiếc móc này sẽ được thả ra để bám vào 4 cáp hãm tốc độ được căng sẵn trên đường băng của Hàng không mẫu hạm. Kỹ thuật này cần phải thao tác khá nhịp nhàng bởi cần kết hợp cả việc mở bánh đánh trước và cáp hãm sau đó mới đến bánh đáp sau. Với các bài thử nghiệm này, chiếc Su-27K được đưa đến trung tâm Tbilisi.
Sau đó 1 năm, vào ngày 1-11-1989, Viktor Pugachev đã là phi công đầu tiên cất cánh theo các kỹ thuật mới, sử dụng thiết bị phóng và bộ phận ổn định hướng.
Trên hàng không mẫu hạm hiện đại có hai bộ phận rất quan trọng đó là máy phóng và bộ phận điều hướng (ổn định hướng):
- Máy phóng: do độ dài đường băng trên Hàng không mẫu hạm chỉ dài bằng ½ so với đường băng tiêu chuẩn trên mặt đất nên cần có lực hỗ trợ để nó đạt được vận tốc cất cánh nhanh hơn bình thường. Thiết bị này hoạt động bằng hơi nước và có lực đẩy khá mạnh.
- Bộ phận ổn định hướng: do hoạt động trên đường băng Hàng không mẫu hạm nên các yếu tố như gió và độ ổn định của tàu là rất quan trọng. Để ổn định hướng trong lúc động cơ phản lực khởi động, chiếc tiêm kích thường có một bộ phận được gọi là máy chỉnh độ nghiêng, giữ nhiệm vụ chắn bớt lực từ động cơ phản lực, đồng thời cân bằng lực chiếc tiêm kích để nó không bị lệch hướng. Độ lệch tiêu chuẩn của Hàng không mẫu hạm của Liên bang Nga là 60 độ (Admiral Kuzetsov) còn Hoa Kỳ là 65 độ (USS Enterprise) và thông thường chỉ dao động từ 65 độ đến 68 độ nhằm ổn định hướng và lực đẩy.
Tai nạn
- Ngày 17-7-2001: một chiếc Su-33 đã lao thẳng xuống đường băng khi đang bay ở độ cao 3.000m trong một buổi triển lãm Hàng không Russian’s Pskov. Phi công là trung tướng Timur Apakidze đã hy sinh trong vụ tai nạn
- Ngày 5-9-2005: một chiếc Su-33 hạ cánh xuống tàu Đô đốc Kuzetsov thì không thể móc được vào cáp hãm tốc độ. Rất may, phi công đã kéo cần thoát hiểm và thoát ra ngoài. Còn chiếc Su-33 thì chạy thẳng trên đường băng và rơi xuống biển. Sau vụ việc đã có một phiên điều trần nhằm làm rõ trách nhiệm và xem xét độ an toàn của Su-33.