Từ vũ khí cũ qua nâng cấp...
Khi những hình ảnh kinh hoàng về các xe tăng T-64 được Ukraine sản xuất và nâng cấp bị tan xác trước hỏa lực của quân ly khai miền Đông khiến người ta đặt ra câu hỏi về chất lượng của chúng. Rõ ràng, xe tăng Ukraine không mạnh như người ta nghĩ.
Vũ khí mà dân quân miền Đông Ukraine sử dụng không phải quá hiện đại vẫn đủ sức phá hủy những chiếc xe tăng đã qua nâng cấp và được tung hô là hết sức hiện đại.
Do đặc điểm đặt đạn pháo đứng, nằm cùng với tổ lái trong thân xe nên việc các xe tăng do Liên Xô sản xuất bị nổ buồng đạn, tung tháp pháo khi bị bắn trúng là chuyện bình thường, nhưng việc những chiếc xe T-64 của Ukraine bị tan xác là điều khó hiểu.
Bởi trong cuộc chiến tranh ở Syria, các xe tăng T-72M trên lý thuyết có năng lực kém hơn T-64 nhưng chưa bao giờ thân xe bị xé nát khi nổ buồng đạn như T-64 của Ukraine.
Điều này có thể dẫn tới nhận định rằng xe tăng T-64 do Ukraine sản xuất và nâng cấp thực chất có khả năng bảo vệ kém, độ an toàn tồi hơn T-72 xuất khẩu rất nhiều.
Vết nứt trên thân xe BTR-4 mà Ukraine bán cho Iraq. Ảnh: Livejournal.com.
...cho tới vũ khí mới đều có những điểm yếu chết người
Các xe tăng và xe bọc thép kiểu mới như T-84 Oplot và BTR-3, BTR-4, niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện đại, cũng chẳng khá hơn.
Các xe BTR-4 mà Ukraine bán cho Iraq đã bị khách hàng từ chối và trả về ngay khi vừa được bàn giao bởi lý do hết sức đáng xấu hổ: trên các xe thiết giáp mới toanh này đã xuất hiện những vết nứt, thể hiện chất lượng rất tồi.
Vỏ thép trên các xe này lẽ ra phải đủ để chống được đạn, bảo vệ cho binh sĩ trong xe, nhưng khi chưa trúng phát đạn nào, chúng đã bị hư hại một cách "tự nhiên".
Azerbaijan cũng từ chối các xe BTR-3 và BTR-4 bởi chất lượng kém. Được biết, trong một cuộc thử nghiệm, những chiếc BTR-70 lạc hậu của nước này sau khi được nâng cấp trong nước, còn có khả năng cơ động hơn cả BTR mới của Ukraine.
Xe tăng T-84 Oplot tuy được quảng bá là hiện đại nhưng lại tồn tại đặc điểm thiết kế bất hợp lý đến khó hiểu. Đó là, súng máy phòng không trên tháp pháo lại bị chính tổ hợp quang điện tử của xe che mất đường ngắm.
Điều này đồng nghĩa với việc trong một số trường hợp, xạ thủ sẽ không thể sử dụng súng 12 ly 7 có hiệu quả như đáng ra phải thế.
Súng máy 12ly7 trên tăng T-84 tỏ ra rất hữu hiệu trong tác chiến phòng không và tác chiến đô thị, nay lại bị chính tổ hợp quang điện của xe che mất đường ngắm.
Mặt khác, khi mà Nga đang dần chuyển sang các thiết kế mới, mang tính cách mạng, Ukraine vẫn phải phụ thuộc vào các thiết kế từ thời Liên Xô vốn đã không còn phù hợp với điều kiện chiến tranh hiện đại.
Xe tăng T-84 được dựa trên xe T-80 của Liên Xô với các đặc điểm giáp dày, cơ động mạnh chuyên dùng cho các mũi thọc sâu, tiêu diệt xe tăng địch. Nhưng ngày nay nhu cầu của khách hàng đã khác.
Khả năng sống sót của kíp lái được ưu tiên hàng đầu trong khi chi phí vận hành thấp và phù hợp với các cuộc chiến tranh quy mô vừa và nhỏ chứ không phải chiến tranh tổng lực như mục đích chế tạo của T-80 và sau này là T-84.
Kể từ khi cuộc xung đột ở Miền Đông nổ ra, Ukraine từ nước hàng đầu về xuất khẩu xe tăng, thiết giáp, đã phải nhập khẩu và nhận viện trợ một lượng xe thiết giáp không nhỏ từ nước ngoài.
Điều này cho thấy sự thật rõ ràng rằng nền công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã không còn đáp ứng được nhu cầu của quân đội chính họ chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Không chỉ dừng lại ở việc thiếu xe bọc thép, Ukraine cho thấy họ thiếu cả vũ khí chống tăng khi mà kêu gọi phương Tây viện trợ cho họ súng chống tăng, thậm chí là loại cũ, vốn có tính năng còn kém hơn cả những vũ khí mà họ có trong kho.
Trong khi lãnh đạo Ukraine kêu gọi Mỹ và phương Tây viện trợ vũ khí sát thương thì các lãnh đạo công nghiệp quốc phòng của Ukraine cũng kêu gọi các nước này chuyển giao cho các công nghệ quân sự mới.
Thậm chí, nước này còn không trang bị nổi cho binh sĩ những bộ điện đài nhảy tần số, khiến việc quân chính phủ bị ly khai nghe lén điện đài trở nên thường xuyên và thật xấu hổ khi băng ghi âm những "mật lệnh" còn bị đưa lên YouTube.
Không thể tự sản xuất đủ xe bọc thép, những chiếc xe mà Ukraine nhận được từ phương Tây cũng chẳng phải là những vũ khí mạnh mẽ gì.
Điển hình như xe thiết giáp Saxon mà Anh bán cho Ukraine đã bị bẽ mặt khi mà trong 1 cuộc thử nghiệm, nó đã không thể vượt nổi một ụ đất nhỏ trong khi xe BRDM-2 sản xuất từ cách đây đã nửa thế kỷ là vượt qua dễ dàng.
Các loại tăng, thiết giáp Ukraine cũng góp phần gây ra không ít vụ tai nạn giao thông, hậu quả là đã có binh sĩ thiệt mạng "không trong chiến đấu".
Công nghiệp quốc phòng xuống cấp, tinh thần binh sĩ chán nản, những vũ khí hiện đại nhất liên tiếp bị rơi vào tay quân ly khai miền Đông, dường như Ukraine đang dần lộ rõ tiềm lực thực sự của mình không như những gì mà người ta từng nghĩ.