Dự án hợp tác quân sự - kỹ thuật lớn đầu tiên là Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc các máy bay tiêm kích Su-27SK .
Ngày 27/6/1992, 8 chiếc Su-27SK và 4 Su-27UBK (tác chiến - huấn luyện) được chuyển giao cho PLA. Đến tháng 11/1992, có thêm 12 chiếc nữa được cung cấp cho TQ.
Su-27SK trên sân bay TQ
Ngoài việc cung cấp trực tiếp cho TQ các máy bay thành phẩm, LX cũng ký với TQ thỏa thuận về việc chuyển giao tài liệu kỹ thuật và hỗ trợ sản xuất theo giấy phép.
Năm 1996, sau các cuộc đàm phán kéo dài Công ty “Sukhoi” và “Shenyang Aircraft Corporation” (SAC) ký một hợp đồng cùng sản xuất 200 chiếc Su-27SK (tên gọi theo TQ là J-11) trị giá 2,5 tỷ đô la.
Theo hợp đồng J-11 sẽ được lắp ráp tại TP Thẩm Dương từ các linh kiện đồng bộ Nga .
Chiếc J-11 lắp ráp trong khuôn khổ hợp đồng cất cánh lần đầu tiên vào năm 1998. Những tiêm kích J-11 đầu tiên được đưa vào trang bị cho Sư đoàn số 2 không quân PLA và được khai thác cùng với Su-27SK nguyên bản.
Ảnh Google Earth: Sân đỗ máy bay tại sân bay nhà máy Thẩm Dương
Tổng cộng đã có 105 chiếc J-11 được lắp ráp tại TQ. Phần lớn trong số đó được trang bị các thiết bị điện tử TQ tự sản xuất.
Sau khi lắp ráp được 105 chiếc, TQ từ chối tiếp tục sản xuất 95 chiếc còn lại với lý do “chất lượng tác chiến thấp” của các máy bay tiêm kích Xô Viết.
Tháng 12/2003, nước này bắt đầu giai đoạn hai của “ Dự án 11” - chiếc tiêm kích J-11B đầu tiên do TQ “tự lực tự cường” sản xuất theo mẫu Su-27SK cất cánh bay thử nghiệm.
Do các đơn vị không quân PLA được trang bị các máy bay Su-27SK và J-11B nên J-6 và các biến thể máy bay đánh chặn J-8 trước đó dần được đưa ra khỏi biên chế.
Riêng J-7 vẫn tiếp tục được khai thác, nhưng chủ yếu dùng cho huấn luyện và trực chiến ở những khu vực có tầm quan trọng thứ yếu.
Tiêm kích J-11 TQ bay trên khu vực núi Hymalaia cao nhất thế giới (8.848 m)
Để không bị phụ thuộc vào công nghệ Nga, các kỹ sư TQ thiết kế một loạt các phần tử và các hệ thống để các lắp ráp các máy bay tiêm kích không cần phụ tùng và các chi tiết của Nga và để có thể sử dụng vũ khí hàng không do TQ tự thiết kế.
Máy bay tiêm kích thế hệ 5 (trong tương lai) TQ J-20
Những công nghệ và tài liệu kỹ thuật của Liên Xô và Nga mà TQ có được đã giúp công nghiệp hàng không nước này tiến hành một bước đột phá và bước vào một giai đoạn phát triển mới. Trong một thời gian ngắn, TQ đã thu hẹp sự tụt hậu hơn 30 năm trong lĩnh vực này.
Hiện nay, tuy còn gặp nhiều khó khăn trong chế tạo động cơ máy bay (chưa đạt độ tin cậy cần thiết), TQ đã có khả năng chế tạo tất cả các kiểu máy bay chiến đấu, trong đó có cả tiêm kích thế hệ năm.
Cũng cần phải bổ sung thêm là bên cạnh sản xuất các máy bay tiêm kích mới, tiến hành các nghiên cứu và thiết kế trong lĩnh vực hàng không, TQ còn chi một khoản kinh phí rất lớn để phát triển hệ thống các sân bay.
TQ đã xây dựng trên lãnh thổ của mình một khối lượng lớn các đường băng cất hạ cánh nền cứng (bê tông) để trong trường hợp cần thiết có thể tiếp nhận và khai thác tất cả các kiểu máy bay hiện có trong trang bị .
Mạng lưới các sân bay TQ
Hiện nay có khoảng 30% các sân bay TQ hoặc là không được khai thác, hoặc chỉ khai thác với công suất tối thiểu. Nhưng tất cả các sân bay thường xuyên được duy tu bảo dưỡng để có thể được sử dụng vào bất cứ lúc nào.
Với một số lượng lớn các đường băng cất hạ cánh dự bị và một cơ sở hạ tầng sân bay như vậy, trong trường hợp cần thiết, TQ có thể phân tán máy bay chiến đấu, đưa chúng ra khỏi khu vực bị tấn công.
Nếu tính về số lượng các sân bay có thể hoạt động và các đường băng nền cứng thì TQ vượt xa Nga.
Cùng với các máy bay chiến đấu hiện đại, đến đầu những năm 90, PLA cần gấp những tổ hợp phòng không để có thể thay thế các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 lúc này đã lạc hậu .
Các cuộc đàm phán về mua các tổ hợp phòng không Xô Viết (Nga) được tiến hành từ năm 1990. Sau khi Nga cho giới thiệu tổ hợp S-300P tại triển lãm phòng không Matxcova 1992, thì đến năm 1993, các tổ hợp trên đã được cung cấp cho TQ.
Nước này đã đặt hàng 4 tiểu đoàn (cơ số đủ) S-300PMU trị giá 220 triệu đô la. Trước khi cung cấp S-300 PMU cho TQ, hàng chục sỹ quan PLA và các nhân viên kỹ thuật dân sự đã được huấn luyện sử dụng chúng tại Nga.
Trong năm 1993, Nga đã cung cấp cho TQ 32 tổ hợp phóng xe kéo 5P85T cùng xe kéo KrAz-265.
Ngoài ra Nga còn cung cấp thêm 120 quả tên lửa để huấn luyện và bắn tập. Tổ hợp này có thể tiêu diệt 6 mục tiêu cùng lúc ở cự ly đến 75 km, mỗi mục tiêu cần 2 tên lửa .
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU đã gây ấn tượng mạnh cho các chuyên gia TQ .Các tiểu đoàn tên lửa S-300 được bố trí để bảo vệ các mục tiêu quân sự, hành chính và công nghiệp quan trọng.
Năm 1994, hai bên lại ký tiếp hợp đồng mua 8 tiểu đoàn (cơ số) tổ hợp S-300 đã hiện đại hóa là S-300PMU1 trị giá 400 triệu đô la. Theo hợp đồng, Nga cung cấp 32 bệ phóng 5P85SE/DE trên xe MAZ-543M và 196 tên lửa.
Tên lửa đã hiện đại hóa có hệ thống radar dẫn đường bán chủ động với tầm bắn lên tới 150 km. Một nửa giá trị hợp đồng được thanh toán theo phương thức “hàng đổi hàng” (lợi dụng khó khăn của Nga lúc đó), nửa còn lại bằng ngoại tệ.
Ảnh Google Earth: các trận địa tên lửa S-300PМU ở ngoại ô Bắc Kinh
Năm 2001, hai bên ký tiếp hợp đồng bổ sung trị giá 400 triệu đô la về việc cung cấp thêm 8 tiểu đoàn S-300PMU-1 với 32 tổ hợp phóng và 198 tên lửa 48N6E. Các tổ hợp này được bố trí tại khu vực eo biển Đài Loan và quanh Bắc Kinh.
Năm 2003, TQ đề xuất mua tổ hợp tên lửa phòng không đã hiện đại hóa S-300PMU2 (đề nghị bạn đọc lưu ý đến các con số sau cùng) “favorit” do Nga giới thiệu tại hội chợ vũ khí quốc tế năm 2001.
Đơn đặt hàng gồm 64 tổ hợp phóng 5P85SE/De2 và 256 tên lửa phòng không có điều khiển 48NE6E2.
Các tiểu đoàn đầu tiên đã được chuyển giao cho TQ năm 2007. Tổ hợp đã hiện đại hóa có thể tiêu diệt cùng lúc 6 mục tiêu trên không ở cự ly 200 km và độ cao đến 27 km.
Lần đầu tiên trong lịch sử, với S-300PMU2 , lực lượng phòng không TQ đã có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở cự ly đến 40 km.
Theo các nguồn tin công khai của Nga, tổng cộng TQ đã mua 4 tiểu đoàn S-300PMU, 8 tiểu đoàn S-300PMU1 và 12 tiểu đoàn S-300PMU2.
Cơ số của mỗi tiểu đoàn có 6 bệ phóng. Như vậy, đến thời điểm hiện tại (cuối năm 2015) PLA có 24 tiểu đoàn S-300 PMU/PMU1/PMU2 với 144 bệ phóng.
Sau khi được hướng dẫn khai thác sử dụng S-300, TQ muốn sản xuất theo giấy phép các tổ hợp này trên lãnh thổ TQ.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nga do đã quá thấm “bài học kinh nghiệm sâu sắc” với Su-27 và sợ rò rỉ công nghệ nên từ chối thẳng thừng. Vì vậy, nước này phải tự thiết kế các tổ hợp tên lửa phòng không mới.
Tuy thế, dễ nhận thấy là tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 (HongQi-9) rõ ràng là bản copy không đầy đủ từ S-300P của Nga (các đặc điểm kết cấu và giải pháp kỹ thuật). Nhưng cũng không thể coi HQ-9 là bản sao hoàn toàn S-300P của Nga.
Tổ hợp phóng HQ-9
Tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 sử dụng tên lửa có kích thước khác với tên lửa S-300, HQ-9 sử dụng radar với mạng pha CJ-202. Tổ hợp phóng trên xe địa hình do TQ tự sản xuất (ảnh) .
Tổ hợp TQ này có tầm bắn tối đa gần 125 km, độ cao tiêu diệt mục tiêu tối đa 18.000 m, tối thiểu 25 m, cự ly tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo từ 7 đến 25 km ở độ cao từ 2.000 đến 15.000 m.
(Xin bạn đọc so sánh các số liệu này với các số liệu mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa).
Mỗi lữ đoàn có 6 tiểu đoàn, các tiểu đoàn có xe chỉ huy riêng và radar điều khiển hỏa lực. Một tiểu đoàn có 8 bệ phóng, số lượng tên lửa sẵn sàng phóng là 32 quả.
Phiên bản xuất khẩu của HQ-9 là FD-2000 đã thắng thầu trong một cuộc đấu thầu của Thổ Nhĩ Kỳ, loại “Patriot” của Mỹ, “S-400” của Nga và “Aster” của Châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ gây sức ép và kết quả đấu thầu bị hủy.
Hiện nay, TQ đang sản xuất phiên bản cải tiến với ký hiệu HQ-9A. HQ- 9A có hiệu quả tác chiến và xác xuất tiêu diệt mục tiêu lớn hơn, đặc biệt trong phòng chống tên lửa do thiết bị điện tử và đảm bảo lập trình được cải tiến đáng kể.
Hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng có tin là TQ sản xuất và đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa phòng không HQ-15 - được cho là bản sao của S-300PMU-1. Nhưng không có bằng chứng rõ ràng khẳng định thông tin này.
Từ năm 1991, TQ đã cho giới thiệu tại Le Bourget (Pháp) tổ hợp tên lửa tầm trung HQ-12. Công tác thiết kế tổ hợp này bắt đầu từ đầu những năm 80 để thay thế HQ-2 đã lạc hậu và hết tuổi thọ .
Bệ phóng tự hành tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung HQ-12
Tuy nhiên , công tác thiết kế bị kéo dài. Mãi đến năm 2009 tổ hợp mới được ra mắt công khai một số đại đội HQ-12 tham gia duyệt binh kỷ niệm 60 năm thành lập TQ. Hiện nay, TQ có khoảng trên dưới 10 tiểu đoàn HQ-12.
Có lẽ thành công hơn cả là tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung TQ - HQ-16 . Đấy là một tổ hợp “tích hợp” các giải pháp kỹ thuật tiên tiến “cóp” được từ S-300P và Buk-M2 của Nga. Nhưng HQ-16 khác “Buk” ở chỗ là HQ-16 phóng thẳng đứng.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung HQ-16
HQ-16 được trang bị các tên lửa phòng không trọng lượng 328 kg , cự ly bắn 40 km. Bệ phóng tự hành có 4 đến 6 tên lửa trong các ống phóng.
Radar của tổ hợp có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở cự ly 150 km. Các thành phần của tổ hợp bố trí trên xe địa hình TQ sản xuất.
Hiện nay, một số tiểu đoàn phòng không trang bị tổ hợp này được bố trí trên các trận địa ở khu vực phía Tây - Nam TQ.
Ảnh Google Earth: các trận địa HQ-16 tại khu vực Thành Đô
Tổ hợp này có thể tiêu diệt các mục tiêu là máy bay của không quân lục quân (máy bay lên thẳng, máy bay chiến thuật và chiến lược, máy bay lên thẳng hỗ trợ hỏa lực, tên lửa có cánh và các máy bay không người lái điều khiển từ xa.
Đảm bảo đánh trả có hiệu qủa các đợt tấn công đường không ồ ạt trong điều kiện bị chế áp điện tử mạnh, có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến trong các điều kiện thời tiết phức tạp.
Hiện trong trang bị của Bộ đội tên lửa phòng không PLA TQ có khoảng 110 - 120 tổ hợp tên lửa phòng không (tiểu đoàn) với gần 700 tổ hợp (bệ) phóng. Theo chỉ số này, TQ chỉ kém Nga (gần1.500 tổ hợp phóng). Tỷ lệ các tổ hợp hiện đại ngày càng tăng.
Theo các phương tiện thông tin đại chúng, tại triển lãm vũ trụ - hàng không Chu Hải Nga và TQ đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc Nga bán cho TQ các tổ hợp tên lửa phòng không mới nhất S-400.
Hiện các bên đang đàm phán khả năng cung cấp cho TQ từ 2 đến 4 tiểu đoàn S-400, mỗi tiểu đoàn có 8 tổ hợp phóng. TQ đòi cung cấp toàn bộ thông tin về tính năng kỹ - chiến thuật của tổ hợp này.
Nếu có S-400, TQ có thể kiểm soát khu vực không phận không chỉ trên lãnh thổ của mình, mà còn cả Đài Loan và Quần đảo Sensaku của Nhật Bản .
Ảnh Google Earth: Sơ đồ bố trí các tổ hợp tên lửa phòng không TQ (hình vuông và tam giác và các đài radar (hình quả trám màu xanh) dọc bờ biển TQ
Phần lớn các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung TQ được bố trí dọc bờ biển. Chính tại các khu vực này tập trung các nhà máy lớn tạo ra 70% GDP của TQ.
(Còn tiếp)