Trang mạng "War is Boring" đăng bài viết của tác giả David Axe cho hay:
Sức mạnh trên không là thứ không dễ bị đánh bại. Vì vậy, tất cả các lực lượng không quân trên thế giới đều nỗ lực duy trì các máy bay chiến đấu cũ, song song với việc mua sắm thêm các chiến đấu cơ mới và đầu tư đào tạo đầy đủ cho phi công.
Những chủ trương này đều được đặt trong khuôn khổ chiến lược quốc gia và học thuyết không quân mà đôi lúc có thể vô cùng phức tạp, khó hiểu, thậm chí là những thất sách.
Do đó, cũng không ngạc nhiên khi đôi lúc, có nhiều quốc gia thất bại trong việc duy trì sức mạnh trên không.
Một ví dụ tiêu biểu là Argentina, quốc gia từng sở hữu một trong những lực lượng không quân hùng mạnh nhất Mỹ Latinh nhưng giờ đây, lại đang có nguy cơ mất đi toàn bộ các máy bay chiến đấu của mình.
May thay, những sự suy tàn như vậy có thể chỉ là tạm thời. Tương tự như trường hợp của Không quân Philippines.
Lực lượng này từng mất đi nhiều máy bay chiến đấu tốc độ cao vào năm 2005 nhưng hiện tại, họ đã nhanh chóng mua thêm các chiến đấu cơ mới.
Cũng có một số quốc gia chưa từng thực sự sở hữu một lực lượng không quân đúng nghĩa, chẳng hạn như Haiti.
Trong khi một số quốc gia khác thậm chí tự nguyện từ bỏ toàn bộ năng lực tác chiến trên không vì lý do ngân sách hoặc chính sách.
Một chiếc A-4K Skyhawk của New Zealand. Ảnh: Airliners.net
Ví dụ như, New Zealand đã ngừng sử dụng các chiến đấu cơ A-4 Skyhawk từ năm 2001 nhưng chưa bao giờ thay thế chúng.
Họ cho rằng sự cô lập về địa lý đủ để bảo vệ đất nước không bị tấn công từ trên không.
Ngày nay, quốc đảo này là một trong số ít các quốc gia công nghiệp không có lực lượng máy bay chiến đấu vũ trang.
Tuy nhiên, Argentina lại rất cần các máy bay chiến đấu. Đất nước này mong muốn trở thành một cường quốc trong khu vực.
Argentina đã tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ lân cận mà cả Chile và Anh cũng đang có tranh chấp.
Trong khi đó, chính phủ Argentina lại dường như không thể duy trì lực lượng không quân.
Trước khi chiến tranh Falkland với Anh Quốc nổ ra vào năm 1982, Argentina sở hữu một trong những lực lượng không quân mạnh nhất châu Mỹ Latinh, với hơn 400 máy bay chiến đấu, trong đó không ít hơn 111 chiến đấu cơ khá hiện đại vào thời đó.
Trong 2 tháng giao chiến đẫm máu, quân Anh đã bắn hạ hoặc tiêu diệt trên mặt đất 1/3 số máy bay chiến đấu của Argentina.
Trong bối cảnh kinh tế đình trệ nghiêm trọng và nội loạn trên quy mô lớn, sau chiến tranh, Argentina phải vật lộn để duy trì phi đội máy bay chiến đấu của mình.
Thảm cảnh của Không quân Argentina
Trong bài viết trên tạp chí Combat Aircraft, chuyên gia Santiago Rivas cho hay, quân đội Argentina đang gánh hậu quả từ sự thiếu quan tâm và lập kế hoạch không hợp lý của chính phủ.
Năm 2011, chi tiêu quốc phòng của Argentina chiếm khoảng 0,0075% GDP, rất khiêm tốn so với mức chi tiêu quốc phòng của hầu hết các quốc gia.
Máy bay chiến đấu Mirage của Không quân Argentina. Ảnh: Wiki
Trên giấy, Không quân và Hải quân Argentina có khoảng 60 chiến đấu cơ, gần như tất cả đều là máy bay từ những năm 1970, gồm 20 chiếc Mirage, 30 chiếc A-4 Skyhawk và 10 chiếc Super Etendard.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo Rivas, chỉ khoảng 12 chiếc trong số này bay được.
"Chỉ vài chiếc Mirage trong tình trạng hoạt động", Rivas viết, "hầu hết hệ thống của các tiêm kích Mirage không vận hành được".
Trong số 33 máy bay Skyhawk, chỉ một số ít sẵn sàng hoạt động, một nửa trong số chúng được sử dụng như nguồn cung cấp phụ tùng thay thế.
Còn lại tất cả các máy bay Super Etendard đều đang xếp xó.
Trong năm 2015, Không quân Argentina có kế hoạch cho nghỉ hưu các tiêm kích Mirage và phục hồi một số máy bay A-4 Skyhawk để thay thế chúng.
Nhưng theo Rivas, những chiếc A-4 này cũng sắp hết tuổi thọ hoạt động.
Một chiếc A-4Q SkyHawk của Hải quân Argentina. Ảnh: Wiki
Hải quân Argentina muốn mua lại các máy bay Super Etendard từ Pháp khi Paris cho chúng "nghỉ hưu" và tháo dỡ các máy bay bị loại biên để lấy phụ tùng nâng cấp các chiến đấu cơ của Argentina.
Tuy nhiên, họ sẽ phải đợi tới năm 2016 hoặc lâu hơn.
Argentina thậm chí đã xúc tiến những kế hoạch mơ hồ khi đàm phán mua 24 máy bay chiến đấu Gripen từ dây chuyền lắp ráp mà Brazil đang thiết lập.
Thế nhưng, nếu Argentina không thể có đủ chi phí để tu sửa một chiếc A-4 từ những năm 1970 thì khó mà tưởng tượng nổi họ sẽ làm cách nào để dành dụm được 1 tỷ USD để mua các chiến đấu cơ Gripen.
Máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen
Rivas cho rằng, kết cục cuối cùng sẽ là, trong vài năm tới, "không quân Argentina sẽ mất toàn bộ thành phần máy bay chiến đấu của mình".
Nước này sẽ gia nhập vào nhóm các quốc gia không có máy bay chiến đấu như Haiti và New Zealand.
Tất nhiên, không phải bởi Argentina muốn như vậy, chỉ là do họ dường như không thể kết hợp hiệu quả mục tiêu, kế hoạch và các nguồn lực.
Nhìn sang Không quân Philippines
Quay trở lại với Philippines. Quốc gia Đông Nam Á này cũng từng phải trải qua những khủng hoảng kinh tế - chính trị và hiện tại đang có mức chi tiêu quốc phòng (theo % GDP) tương tương với Argentina.
Tuy nhiên, trái với Argentina, Philippines đang hiện đại hóa lực lượng để đối phó với tình hình tranh chấp lãnh thổ ngày càng leo thang do những động thái hung hăng của Trung Quốc.
8 năm trước, Manila đã đưa chiếc chiến đấu cơ F-5 cuối cùng còn hoạt động ra khỏi biên chế. Giờ đây, chính phủ nước này quyết tâm tái xây dựng lực lượng máy bay chiến đấu.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50
Năm 2012, Không quân Philippines đã chọn mua các máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc.
Hai bên chính phủ ký kết hợp đồng trị giá 300 USD vào đầu năm 2014.
Hai chiếc FA-50 đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Philippines vào năm 2015, 6 chiếc tiếp theo vào năm 2016 và 4 chiếc khác vào năm 2017.
Cuối năm 2014, Không quân Philippies còn cử 3 phi công kỳ cựu sang Hàn Quốc để được đào tạo lái FA-50.
3 phi công này sau khi trở về nước sẽ trở thành những phi công huấn luyện lái FA-50 cho Không quân Philippines.
Manila đang đặt mục tiêu có thể khôi phục khả năng tác chiến trên không vượt trội trong vòng 3 năm.
Dễ nhận thấy rằng, dù ở trong hoàn cảnh có phần tương tự nhưng trong khi Không quân Argentina đang trên còn đường suy tàn tới sụp đổ, thì Không quân Philippines lại nỗ lực vùng dậy để thoát khỏi vực thẳm.