Indonesia - Xứ sở vạn đảo, được biết đến là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (ĐNA), họ cũng là đất nước có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Indonesia còn sở hữu một nền Công nghiệp quốc phòng (CNQP) phát triển hàng đầu khu vực.
Trong khi phần lớn các quốc gia trong khu vực phải nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài thì Indonesia đã có thể tự sản xuất rất nhiều trang thiết bị quân sự quan trọng như xe bọc thép, máy bay vận tải, tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu đổ bộ hạng trung, súng trường tiến công, pháo phản lực phóng loạt.
Thậm chí Indonesia sẽ là quốc gia thứ 5 ở châu Á khởi động chương trình nghiên cứu phát triển tiêm kích thế hệ 5 trong dự án KF-X/IF-X hợp tác cùng với Hàn Quốc. Vậy chiến lược nào đã giúp cho CNQP Indonesia có thể tự sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí quan trọng cho quân đội như vậy?
Chiến lược mượn sức mạnh công nghệ nước ngoài
Để có được sự phát triển và thành tựu như ngày hôm nay, CNQP Indonesia đã trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn. Cuối những năm 1990, nền kinh tế nước này gần như sụp đổ hoàn toàn trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, ngân sách eo hẹp dẫn đến lao động trong các đơn vị sản xuất quốc phòng bị cắt giảm hàng loạt.
Bên cạnh đó, Indonesia còn bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí do vi phạm nhân quyền ở Đông Timor kéo dài từ năm 1999 và chỉ được nới lỏng vào năm 2010. Lệnh cấm vận vũ khí trên đã gây nhiều khó khăn cho Indonesia nhưng chính điều đó lại tạo động lực cho sự phát triển của CNQP nước này.
Với những quốc gia có xuất phát điểm thấp như Indonesia hay một số nước đang phát triển khác thì việc độc lập nghiên cứu phát triển các loại vũ khí, khí tài trang thiết bị quân sự là một vấn đề cực kỳ khó khăn và rất khó để bắt kịp tốc độ phát triển của những nước có nền CNQP tiên tiến.
Nhận thức được hạn chế đó, Indonesia đã chọn giải pháp mua vũ khí từ bên ngoài đi kèm điều khoản chuyển giao công nghệ để sản xuất loại vũ khí đó tại các nhà máy quốc phòng của họ theo giấy phép. Sản phẩm lớn đầu tiên Indonesia làm theo phương thức này là khẩu súng trường tiến công Pindad SS1.
Nguyên bản Pindad SS1 là một biến thể của khẩu FN FNC kết hợp với một vài cải tiến để phù hợp với điều kiện sử dụng tại khu vực khí hậu nhiệt đới. Trên cơ sở SS1, Indonesia đã phát triển thành mẫu súng trường tiến công Pindad SS2.
Đến mẫu súng SS2 người ta đã xem nó là sản phẩm trí tuệ của Indonesia chứ không còn đơn thuần là một sản phẩm sản xuất theo giấy phép từ nước ngoài. Bên cạnh việc mua giấy phép chế tạo, Indonesia cũng chủ động bắt tay với các nhà thầu quốc phòng lớn của nước ngoài để hợp tác sản xuất các trang thiết bị quân sự quan trọng.
Sản phẩm tiêu biểu cho kiểu hợp tác này là máy bay vận tải quân sự CN-235 hợp tác giữa Construcciones Aeronáuticas SA (CASA), Tây Ban Nha và Indonesian Aerospace ( PT. Dirgantara Indonesia ). Đây là một loại máy bay khá thành công cả trên lĩnh vực quân sự cũng như dân sự.
Dự án hợp tác sản xuất máy bay vận tải CN-235 với Tây Ban Nha là một thành công lớn của Indonesia mà các nước khác cần phải học tập theo.
Thông qua quá trình hợp tác sản xuất máy bay CN-235, Indonesia đã có cơ hội tiếp cận với công nghệ hàng không quân sự tiên tiến của châu Âu vì bản thân CASA là một công ty con của Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu (EADS). Điều đó tạo ra nền tảng vững chắc cho việc nắm bắt các công nghệ quan trọng để tiến đến những nghiên cứu độc lập xa hơn trong tương lai.
Trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, Indonesia đã tạo dựng được tên tuổi đáng kể trong khu vực. Họ đã tự đóng được các loại tàu tuần tra, tàu tên lửa cao tốc. Dự án đình đám nhất đang tiến hành là tàu tên lửa cao tốc KRC-40.
Đặc biệt, Indonesia đã ký hợp đồng mua tàu đổ bộ đa năng có sàn đáp cho trực thăng lớp Makassar do Daesun Shipbuilding & Engineering, Hàn Quốc thiết kế. Hai chiếc đầu tiên đóng tại Hàn Quốc, từ chiếc thứ 3 trở đi được đóng tại Indonesia. Hai bên cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu loại tàu này cho các khách hàng nước ngoài.
Với dự án hợp tác này, Indonesia là quốc gia duy nhất ở ĐNA có khả năng đóng tàu đổ bộ đa năng với lượng giãn nước trên 10.000 tấn. Gần đây, Indonesia cũng đã đạt được một cột mốc quan trọng trong việc tiếp cận công nghệ đóng tàu ngầm phi hạt nhân. Trong tháng 12/20111, họ đã ký hợp đồng lớn với Hàn Quốc về việc mua 3 tàu ngầm diesel-điện lớp Chang Bogo (một biến thể của tàu ngầm Type-209/1400).
Trong 3 chiếc tàu ngầm này sẽ có 2 chiếc được cấp giấy phép sản xuất tại công ty đóng tàu nhà nước Indonesia PT PAL. Trong hợp đồng bán tàu ngầm diesel-điện cho Indonesia có sự tham gia đấu thầu của tàu ngầm Kilo, Nga. Tuy nhiên, Indonesia đã chọn Hàn Quốc cho dù công nghệ đóng tàu ngầm của Seoul không bằng Nga vì điều quan trọng là họ có được cơ hội tiếp cận công nghệ đóng tàu ngầm mà phía Nga không đồng ý chuyển giao.
Về lĩnh vực phát triển các phương tiện chiến đấu mặt đất, CNQP Indonesia đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Dự án sản xuất xe thiết giáp Pindad APS-3 Anoa 6x6 là một thành công lớn của nước này mà không phải quốc gia nào ở ĐNA cũng có thể làm được.
Indonesia cũng đang hy vọng đạt được thỏa thuận với AM General của Mỹ để sản xuất xe bọc thép đa năng Humvee tại PT Pindad nhằm cung cấp cho quân đội nước này. Các sản phẩm quốc phòng sản xuất theo giấy phép sẽ không chỉ cung cấp cho Quân đội Indonesia mà còn được xuất khẩu cho nước ngoài.
Indonesia đang xây dựng một chiến lược mua sắm quốc phòng rất hợp lý mà những nước khác trong đó có Việt Nam cần phải học tập. Họ không mua những sản phẩm vũ khí tốt nhất mà mua những sản phẩm có công nghệ phù hợp nhất để có thể nhận chuyển giao.
Bất kể sản phẩm quốc phòng nào mua từ nước ngoài Indonesia đều cố gắng đưa điều khoản chuyển giao công nghệ để lắp ráp và sản xuất trong nước vào hợp đồng. Họ coi đó là nhân tố để quyết định ai sẽ thắng thầu; đặc tính kỹ chiến thuật, chi phí của sản phẩm chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để giành chiến thắng.
Bên cạnh chiến lược mua sắm hợp lý, sự thành công của CNQP Indonesia còn có được từ sự hậu thuẫn của chính sách do lãnh đạo nước này ban hành. Năm 2012, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã ra một đạo luật yêu cầu Quân đội Indonesia phải ưu tiên mua các sản phẩm quốc phòng sản xuất trong nước.
Họ còn cho phép các nhà thầu tư nhân tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm quốc phòng để tận dụng nguồn vốn và nhân lực sẵn có. Những bước đi chiến lược trên đã cho phép Indonesia xây dựng được một nền CNQP hàng đầu khu vực ĐNA. Tương lai không xa họ có thể trở thành một nhà xuất khẩu vũ khí lớn của khu vực.
Xe thiết giáp APS-3 Anoa của Indonesia
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA
Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình. Hãy gửi bài cho chúng tôi theo địa chỉ [email protected] Chúng tôi sẽ duyệt để đăng tải và trả nhuận bút cho bạn trong vòng 24 giờ. |