Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tên lửa đặc biệt là tên lửa phòng không đã khiến máy bay mất dần ưu thế trong các chiến dịch tấn công mặt đất. Những tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa như S-300, S-400 của Nga, Patriot PAC-2 của Mỹ, HQ-9 của Trung Quốc... với phạm vi tác chiến từ 100 - 150 km làm cho máy bay chiến đấu gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ chế áp phòng không đối phương (SEAD - Suppression of Enemy Air Defenses).
Phần lớn các vũ khí tấn công như tên lửa chống bức xạ, tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không đều có phạm vi tác chiến dưới 150 km, điều này sẽ buộc các máy bay chiến đấu phải tiến vào khu vực phòng không của đối phương để thực hiện nhiệm vụ với nguy cơ rủi ro rất cao.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của tên lửa phòng không tầm xa, Mỹ đã khai sinh một xu hướng chế tạo vũ khí mới đó là “đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm”, được kỳ vọng sẽ là nhân tố làm thay đổi tác chiến không đối đất hiện đại.
Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển các loại đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm với sản phẩm đầu tiên là AGM-154 JSOW. Bản thân JSOW là một loại bom lượn tinh khôn được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất bên ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không.
AGM-154 JSOW được dẫn bằng hệ thống quán tính INS và hệ thống định vị toàn cầu GPS, nó có khả năng hoạt động trong điều kiện ngày/đêm và thời tiết bất lợi. Biến thể AGM-154C được trang bị bộ cảm biến hồng ngoại để tìm kiếm mục tiêu trong giai đoạn cuối.
JSOW có thể lượn lờ trên khu vực mục tiêu và tung ra đòn tấn công bổ nhào từ trên cao, phạm vi hoạt động đạt khoảng 28 km khi thả ở độ cao thấp và lên đến 130 km khi thả ở độ cao lớn. AGM-154 JSOW được đánh giá là chương trình phát triển vũ khí thành công nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ.
AGM-154 được chấp nhận đưa vào trang bị sớm hơn 1 năm so với kế hoạch và quá trình phát triển không gặp bất cứ khó khăn về kỹ thuật nào. Sự ra đời của JSOW đã cho phép Không quân và Hải quân Mỹ có thêm một vũ khí đắc lực trong các chiến dịch SEAD.
Những biến thể đời đầu của AGM-154 JSOW đã được sử dụng trong chiến dịch đánh bom Iraq năm 1998 với tên mã "Cáo sa mạc", chiến dịch không kích Kosovo năm 1999, chiến dịch "Tự do bền vững" ở Afghanistan năm 2001, chiến dịch "Tự do cho Iraq" năm 2003. Nó đã chứng minh là một vũ khí cực kỳ hiệu quả trong việc tiêu diệt các mục tiêu mặt đất.
Nối tiếp thành công của JSOW, giữa những năm 1990, Mỹ tiếp tục phát triển một loại đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm khác còn tinh vi hơn là AGM-158 JASSM. So với AGM-154, AGM-158 có nhiều thay đổi quan trọng và điều đó đã góp phần làm tăng sức mạnh và sự đáng sợ của nó.
JASSM được trang bị động cơ phản lực Teledyne CAE J402 cho phép hoạt động trên một khu vực rộng lớn trong thời gian lâu hơn. Thân tên lửa được thiết kế với khả năng tàng hình cùng các biện pháp che chắn hồng ngoại khiến nó khó bị phát hiện từ xa bởi các hệ thống radar cảnh giới.
AGM-158 được trang bị hệ thống dẫn đường rất tinh vi kết hợp giữa dẫn hướng quán tính INS cập nhật từ hệ thống định vị toàn cầu GPS đi kèm bộ cảm biến hồng ngoại cho việc tìm kiếm và khóa mục tiêu ở giai đoạn cuối. Tên lửa còn được trang bị một bộ liên kết dữ liệu cập nhật trạng thái hoạt động trong suốt hành trình bay.
Với đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm như AGM-158 JASSM-ER phóng từ B-1B Lancer thì đối phương chỉ biết đứng nhìn mà thôi.
Những cải tiến quan trọng về động cơ và hình dáng khí động học khiến cho AGM-158 JASSM có tầm bắn tới 370 km và lên đến 1.000 km với biến thể JASSM-ER. AGM-158 JASSM hoạt động với vai trò như một tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không chứ không còn là một loại bom lượn tinh khôn như AGM-154.
Tầm bắn của AGM-158 đã vượt ra ngoài tầm với của hầu hết các hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay. Khả năng tàng hình cùng động cơ phản lực thế hệ mới êm hơn, có thể hoạt động tại độ cao thấp dưới tầm của các radar cảnh giới cho phép tên lửa bất ngờ tung đòn tấn công khiến đối phương không kịp trở tay.
AGM-158 JASSM-ER đang trở thành vũ khí chủ lực cho chương trình nâng cấp máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ. Sự kết hợp giữa B-1B Lancer với JASSM-ER cho phép Mỹ thực hiện những cuộc tấn công mà đối phương “chỉ còn biết đứng nhìn”
Thách thức to lớn với tác chiến phòng không hiện đại
Sự ra đời của, AGM-154 JSOW và AGM-158 JASSM đã tạo ra những thách thức to lớn trong tác chiến phòng không hiện đại. Khi sử dụng các loại đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm thì đối phương hầu như không có khả năng đáp trả bởi máy bay vẫn ở ngoài tầm với của hệ thống phòng không. Nếu không thể vô hiệu hóa các đợt tấn công đầu tiên này thì rất khó duy trì được sức mạnh chiến đấu.
Đến đợt tấn công tiếp theo của đối phương, sẽ càng khó khăn hơn trong việc duy trì khả năng chiến đấu nếu không muốn nói là rất dễ bị đánh bại. Nhìn lại các cuộc xung đột quân sự gần đây do Mỹ dẫn đầu cho thấy họ đều thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng bằng vũ khí dẫn đường công nghệ cao trong đó có đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm.
Từ Kosovo đến Iraq và gần đây nhất là Libya đều đại bại ngay sau các đợt SEAD của liên quân Mỹ - NATO. Trong các phi vụ SEAD thì đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm là một công cụ cực kỳ hiệu quả. Thực tế thì sức mạnh của các quốc gia trên quá nhỏ bé so với sức mạnh của liên quân do Mỹ đứng đầu, tuy nhiên thất bại của họ có một điểm chung là đều bất lực trước các loại vũ khí dẫn đường chính xác công nghệ cao.
Với một số trình bày sơ lược ở trên, chúng ta có thể thấy rằng đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm đang tạo ra những thay đổi theo chiều hướng ngày càng bất lợi cho tác chiến phòng không hiện đại.
Tên lửa tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA