Ông Andrey Ryabukhin tuyên bố khi đang tham gia cuộc tập trận Indra-2015 giữa Nga và Ấn Độ: “Chúng tôi đang rất mong chờ nhận được các tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen, tuy nhiên có lẽ phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, có thể là 1 hoặc 2 năm”.
Hiện tại, Hải quân Nga chỉ có một tàu ngầm lớp thuộc pjoject 855 lớp Yasen là Severodvinsk, được khởi công từ 1993 và đã bắt đầu hoạt động thử nghiệm từ cuối năm 2013 ở Hạm đội phương Bắc. Kể từ chiếc thứ 2 trở đi, các tàu ngầm pjoject 855M - Yasen sẽ được bổ sung nhiều tính năng hiện đại hơn.
Theo những thông tin được công khai, tàu ngầm lớp Yasen có trọng lượng giãn nước 9.500 tấn khi nổi và 13.800 tấn khi lặn, chiều dài 120m, chiều rộng 15m, mớn nước 8,4m.
Với một lò phản ứng hạt nhân có tuổi thọ 30 năm và một động cơ đẩy hoàn toàn mới, nó có thể lặn sâu 600m, đạt tốc độ 20 hải lý/h khi nổi và 31 hải lý/h (khoảng 57 km/h) khi lặn, biên chế 90 thủy thủ.
Về hệ thống vũ khí, tàu ngầm Project 885 trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất kiểu thẳng đứng (32 ống) và 10 ống phóng ngư lôi gồm: 8 ống cỡ 650mm và 2 ống cỡ 533m.
Ngoài ra, thiết kế còn được điều chỉnh lại, chuyển khoang phóng ngư lôi ở đầu mũi ra sau đài chỉ huy trung tâm.
Tàu ngầm này có thể phóng nhiều loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất, có tầm phóng từ 2500-5000km, cùng với thế hệ tên lửa hành trình phiên bản nội địa Kaliber-S (phiên bản xuất khẩu giới hạn tầm bắn là Klub-S) bao gồm tên lửa đối hạm (3M54, tầm phóng 440-660km) và tấn công đất liền (3M-14, tầm phóng 600-900km) và ngư lôi chống ngầm.
Vào tháng 2/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, lực lượng tàu ngầm Nga sẽ nhận được 8 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Yasen.
Mỗi tàu trong số đó được trang bị 24 tên lửa hành trình tầm xa Rk-55 Granat với một đầu đạn hạt nhân 200 kiloton. Trong tương lai, các tàu ngầm lớp này còn có thể được trang bị mạnh hơn nữa.
Tên lửa hành trình chiến lược Rk-55 Granat (SS-N-21 ‘Sampson’) là câu trả lời của Liên Xô cho tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk của Mỹ.
Rk-55 Granat có chiều dài 8,09m, đường kính thân 0,514m, sải cánh 3,1m, trọng lượng phóng 1,7 tấn, có thể mang đầu đạn hạt nhân 200klt. Nó có tốc độ hành trình 0.77Mach, tầm phóng tối đa 2500 km.
Loại tên lửa này sử dụng hệ dẫn đường áp dụng thuật toán so sánh ảnh quét địa hình phản hồi từ radar với dữ liệu hình ảnh lưu trữ trên bộ nhớ máy tính của tên lửa.
Tên lửa sử dụng động cơ phản lực 2 luồng khí đẩy gắn dưới đuôi tên lửa và có thể mang đầu đạn hạt nhân 200 kiloton.
Ngoài ra, cuối tháng 1/2014, trang mạng Khoa học công nghệ quốc phòng của Trung Quốc còn cho biết, tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới lớp Yasen của Hải quân Nga còn có thể được trang bị 2 loại tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân rất mạnh, tầm bắn 2.500 và 5.000km.
Một trong số đó là tên lửa hành trình siêu âm thế hệ mới, có thể mang đầu đạn hạt nhân mang tên Kaliber-S, tầm bắn 2.500km. Tên lửa hành trình mới này có tầm bắn vượt trội so với thế hệ cũ, lên đến hơn 2.500 km, nếu được trang bị đầu đạn hạt nhân, có thể được coi như là vũ khí chiến lược của Nga.
Ngoài ra, tàu còn còn được trang bị loại tên lửa hành trình đạt tầm bắn 5.000 km, tuy nhiên hiện vẫn chưa xác định được đây là loại tên lửa gì.
Trước đó, một nguồn tin tình báo hải quân Anh nhận định rằng có thể phương Tây “chỉ nắm được phân nửa về những loại vũ khí được trang bị trên tàu ngầm lớp Yasen” vì hiện Nga đang triển khai nhiều dự án bí mật nhằm nâng cao sức mạnh của lực lượng răn đe trên biển, đặc biệt là khả năng tấn công tầm xa.
Phương Tây tỏ ra lo ngại với lớp tàu ngầm Yasen của Nga khi cho rằng lớp tàu ngầm này đang dần trở thành một mối đe dọa lớn với các cường quốc hải quân trên thế giới.
Dự kiến đến năm 2020, hải quân Nga sẽ tiếp nhận tổng cộng 16 tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới, bao gồm 8 tàu ngầm hạt nhân tấn công (mang tên lửa hành trình thế hệ mới) lớp Yasen và 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey mang tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava.
Với việc tàu ngầm chiến lược lớp Borey vừa liên tiếp phóng thành công tên lửa đạn đạo Bulava, nỗi lo của phương Tây lại càng tăng lên.