Theo tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly, Quân đội Paraquay đã hồi sinh xe tăng M4 Sherman và M3 Stuart sản xuất trong Thế chiến 2 để phục vụ cho quá trình huấn luyện lính tăng thiết giáp .
M4 Sherman là dòng xe tăng chủ lực của Mỹ trong Thế chiến 2. Dòng xe tăng này trở nên nổi tiếng trên mặt trận phía Tây.
Mặc dù Sherman bị đánh giá yếu hơn nhiều so với Tiger hay Panther của Đức quốc xã nhưng do chi phí thấp, dễ sản xuất với số lượng lớn nên M4 tỏ ra áp đảo so với xe tăng Đức trên chiến trường.
Sherman được trang bị pháo chính 75 mm, hoặc 76 mm với cơ số đạn tương ứng là 90 và 71 viên; súng máy hạng nặng M2HB 12,7 mm với cơ số đạn 500 viên, 2 súng máy M1919A4 7,8 mm với cơ số đạn 4.750 viên.
Ngoài M4, những năm Thế chiến 2, quân đội Mỹ còn phát triển dòng xe tăng hạng nhẹ M3 Stuart. Xe được vũ trang một pháo 37 mm với cơ số 174 viên đạn, 3 súng máy M1919A4 7,8 mm với cơ số 7.500 viên đạn.
Sau khi kết thúc Thế chiến II, M4 và M3 nhanh chóng trở nên lạc hậu và bị thay thế bằng các loại xe tăng khác hiện đại hơn.
Quân đội Mỹ ngưng sử dụng M4 vào năm 1955. Tuy vậy, dòng xe tăng này vẫn tiếp tục hoạt động trong quân đội một số nước thêm vài thập kỷ.
Những năm 1970, quân đội Brazil “biếu không” cho Paraguay 15 xe tăng hạng nhẹ M3 phục vụ trong sư đoàn kỵ binh số 3.
Các xe tăng M4 được quân đội Argentina chuyển giao cho Paraquay vào năm 1980 cũng theo dạng "cho không" khi quân đội nước này loại biên Sherman.
Năm 1989, Paraguay xảy ra đảo chính, lật đổ chính quyền Tổng thống Alfredo Stroessner. Sau đó, những chiếc xe tăng M4 và M3 được đưa vào kho lưu trữ do lo ngại xảy ra đảo chính quân sự vào năm 1996.
Từ đó, quân đội Paraguay hầu như không có lực lượng xe tăng có khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Theo tạp chí National Interest (Mỹ), quân đội Paraguay có 3 xe tăng M4 và 14 xe tăng hạng nhẹ M3 trong kho. Hiện tại, các xe tăng này đã có tuổi đời hơn 75 năm.
Năm 2013, quân đội Paraguay quyết định hồi sinh xe tăng M3 và M4 để xây dựng lực lượng tăng thiết giáp.
Một nguồn tin quân sự Paraguay tiết lộ với Jane’s Defence Weekly rằng, 10 xe tăng M3 đã được tân trang lại động cơ, thay thế súng máy M1919A4 bằng súng máy hạng nặng M2 Browning.
Các xe tăng này sẽ dùng cho nhiệm vụ huấn luyện binh lính. 3 xe tăng M3 đã được nhìn thấy trong một cuộc diễn tập vào năm 2013, 4 chiếc M3 khác vẫn đang lưu trữ.
Hiện tại chưa rõ 3 chiếc M4 đã hoàn tất quá trình tân trang lại hay chưa. Với việc hồi sinh và đưa vào sử dụng xe tăng M3 và M4, lực lượng tăng - thiết giáp của quân đội Paraguay được xem là lực lượng già nhất thế giới.
Đối với quân đội Paraguay, xe tăng M3 và M4 chủ yếu để “làm cảnh”.
Khi lực lượng lục quân của các cường quốc đã giới thiệu nhiều dòng xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến như M1A2SEP của Mỹ, T-14 Armata của Nga hay Leopard-2A7 của Đức thì khả năng đem lại giá trị chiến đấu của những xe tăng cổ lỗ này gần như không có.
Mặt khác, giá trị đào tạo của chúng cũng rất thấp. Xe tăng hiện đại khác xa rất nhiều về hệ thống điều khiển hỏa lực và các hệ thống khác so với cỗ máy chiến tranh từ hơn 70 năm trước.
Ngay tại Nam Mỹ, nơi những quốc gia có công nghệ quân sự kém nhiều so với phương Tây thì 2 loại xe tăng M3 và M4 chỉ thích hợp để trưng bày trong bảo tàng hơn là phục vụ.
Tuy nhiên, Paraguay có mối quan hệ thân thiết với các nước lớn trong khu vực là Brazil và Argentina.
Tranh chấp biên giới với Bolivia cũng được giải quyết vào năm 2009. Paraguay hầu như không có mối đe dọa cụ thể nào nên dường như không có nhu cầu cấp thiết về các phương tiện chiến đấu mặt đất hiện đại.