Điều gì xảy ra khi F-35 chạm trán Su-35?
Tiêm kích tiến công kết hợp F-35 dự kiến sẽ là chiến đấu cơ chủ lực của Mỹ trong thời gian tới.
Không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng phát triển những máy bay chiến đấu thế hệ 5 đắt đỏ. Ngay cả Nga và Trung Quốc vẫn đang phải cố gắng để hoàn thiện chương trình này, nhưng để sản xuất với số lượng lớn và đưa vào hoạt động còn rất xa.
Do đó trong thời gian tới, Nga vẫn phải dựa vào dòng tiêm kích Flanker để duy trì sức mạnh trên không. Trong gia đình Flanker, Su-35 được đánh giá là chiến đấu cơ mạnh nhất với nhiều nâng cấp về vũ khí và hệ thống điện tử hàng không.
Những năm tiếp theo, nhiều khả năng Su-35 sẽ là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Nga cũng như xuất khẩu rộng rãi cho nhiều quốc gia trên thế giới. Để đối phó với sự gia tăng của phi đội Flanker, quân đội Mỹ sẽ phải dựa vào các phiên bản F-35.
Tuy nhiên, F-35 không phải là một thiết kế chuyên dụng cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Nó là máy bay tấn công mặt đất kết hợp với khả năng đối không mạnh mẽ. Trong kịch bản phi đội 4 chiếc Su-35 chạm trán 4 F-35 điều gì sẽ xảy ra?
Thường thì Không quân Mỹ sẽ lựa chọn giải pháp thay đổi lịch trình bay và gọi F-22 hoặc F-15, những tiêm kích chiếm ưu thế trên không đúng nghĩa ra ứng chiến. Khi đó, F-35 có thể rảnh tay thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Nhưng lịch sử không chiến cho thấy, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo kịch bản tối ưu. Nếu F-35 buộc phải chạm trán Su-35, phi công Mỹ sẽ phải nhanh chóng tận dụng tính năng tàng hình để phát huy lợi thế.
Rất ít cơ hội cho F-35 nếu rơi vào tình huống không chiến quần vòng với Su-35
F-35 nên tránh xa Su-35
Lầu Năm Góc từng tuyên bố, điểm mạnh của F-35 là tấn công từ ngoài tầm nhìn và không cho đối phương cơ hội tiếp cận chiến đấu cơ này ở cự ly gần.
Tuy nhiên, các tên lửa có thể hoạt động không như quảng cáo của nhà sản xuất. Khi đó, F-35 sẽ gặp bất lợi nếu rơi vào tình huống không chiến quần vòng, không giống như F-22 Raptor được thiết kế cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không.
Chiếc Raptor có khả năng tàng hình ưu việt kết hợp với tốc độ cao, nó có thể bay siêu âm mà không cần sử dụng buồng đốt lần 2.
Trong khi đó, F-35 chỉ có tốc độ tối đa Mach 1,6 khi đốt sau. Ngoài ra, F-35 còn thiếu tính cơ động trong không chiến quần vòng. Mới đây, thông tin F-35 kém xa F-16 trong không chiến cự ly gần đã gây xôn xao dư luận Mỹ.
Mặt khác, trần bay của F-35 tương đối thấp so với F-22, điều đó có nghĩa là tên lửa AIM-120 AMRAAM bắn đi từ F-35 sẽ có phạm vi ngắn hơn so với Raptor. Một hạn chế khác là F-35 không thể mang nhiều tên lửa trong khoang.
Su-35 với hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ có thể khiến tên lửa AIM-120 mất mục tiêu. F-35 sẽ không đủ tên lửa để bắn hạ Su-35, khi đó tiêm kích Mỹ sẽ bị đẩy gần hơn đến Flanker.
Su-35 còn sở hữu khả năng siêu cơ động nhờ vào động cơ kiểm soát vector 3D. Trong một cuộc không chiến quần vòng, kỹ năng và kinh nghiệm của phi công có thể là yếu tố duy nhất giúp họ không bị bắn hạ.
Nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar nhận định, giải pháp tốt nhất cho F-35 là tránh rơi vào tình huống không chiến tầm gần. Vì vậy rất khó để Không quân Mỹ chỉ định F-35 làm nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không nếu có lựa chọn thay thế.
Nhưng với số lượng hạn chế của F-22 cùng sự nghỉ hưu của F-15, lúc đó, Không quân Mỹ sẽ buộc phải sử dụng F-35 cho nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, tiêm kích không phải là mối đe dọa lớn nhất đối với F-35 vì phần lớn lực lượng không quân trên thế giới đều kém năng lực so với Mỹ.
Lầu Năm Góc từng tuyên bố rằng, những máy bay không có khả năng tàng hình không thể tồn tại trong môi trường phòng không hiện đại. Đó là lý do tại sao F-35 vẫn tiếp tục được phát triển cho dù năng lực không chiến tầm gần của nó kém xa Su-35.