Động thái trên của Nga ngay lập tức đã gây xôn xao giới phân tích quân sự quốc tế. Mặc dù được thiết kế để đảm nhiệm vai trò máy bay ném bom tiền tuyến tương tự Su-24, nhưng Su-34 khác biệt ở chỗ nó là một chiếc tiêm kích - bom thực sự, có năng lực đối không mạnh hơn rất nhiều.
Cụ thể, trong khi Su-24 chỉ có khả năng mang tên lửa không đối không tầm ngắn R-60 để tự vệ và radar Orion chỉ được tối ưu hóa cho nhiệm vụ đối đất và đối hải, nên nó phải hoàn toàn phụ thuộc vào đầu dò của R-60 trong việc bắt mục tiêu trên không.
Bên cạnh đó, vì sử dụng đôi cánh thay đổi hình dạng (cánh cụp cánh xòe) khiến Su-24 đành chấp nhận việc không thực hiện được các động tác nhào lộn phức tạp. Theo đánh giá của nhiều phi công Nga thì Su-24 tương đối khó điều khiển.
Còn Fullback, nhờ trang bị các loại đạn đối không hiện đại như tên lửa tầm trung R-77, R-27 dẫn đường bằng radar hay tên lửa tầm ngắn R-73 sử dụng đầu dò hồng ngoại có tầm bắn lên đến 30 km mà nó hoàn toàn đủ sức "tự vệ" trước tiêm kích đối phương.
"Thú mỏ vịt" Su-34 Fullback có năng lực đối không mạnh hơn Su-24 rất nhiều
Tuy vậy, việc cho Su-34 mang tên lửa đối không để làm nhiệm vụ phòng không, thay thế vai trò của tiêm kích đánh chặn có thực hợp lý?
Xét về tác chiến tầm xa, theo công bố của nhà sản xuất, radar của Su-34 là loại Leninets B-004 có tầm phát hiện mục tiêu mặt đất bề mặt phản xạ radar lớn lên tới 200 - 250 km, lập được bản đồ địa hình số từ cự ly 150 km.
Trong tác chiến đối không, loại radar này nhận biết được máy bay tiêm kích hạng nặng từ cách xa 90 km và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt ở khoảng cách dưới 60 km.
Các thông số trên chỉ đủ để đối phó với tiêm kích thế hệ cũ chứ chưa thể giúp Su-34 chiến đấu ngang cơ trước F-16 hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Radar Leninets B-004 của Su-34 vẫn được tối ưu hóa cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, năng lực đối không ở mức trung bình khá
Còn trong tác chiến tầm gần, với động cơ AL-31FM1 thế hệ mới cùng kết cấu cánh mũi khiến Su-34 cũng thực hiện được động tác thao diễn "Rắn hổ mang" nổi tiếng.
Tuy nhiên xét về tổng thể, độ cơ động ở cự ly ngắn (yếu tố quyết định trong không chiến quần vòng) của Su-34 vẫn bị đánh giá thấp hơn dòng Su-27 được thiết kế cho nhiệm vụ không chiến chuyên nghiệp.
Trong khi đó, cả Su-27SM lẫn Su-30SM đang triển khai tại Syria chưa chắc đã dễ dàng đánh bại được tiêm kích F-16C/D Block 50 Plus.
Do vậy, việc Nga dùng Su-34 tham gia chiến dịch phòng không chắc chắn chỉ là giải pháp tình thế trong lúc chờ đợi lực lượng tăng viện bổ sung tới căn cứ không quân Latakia mà thôi.