Không quân Việt Nam hiện được đánh giá nằm trong top đầu tại khu vực Đông Nam Á, chúng ta có trong tay phi đội tiêm kích hạng nặng Su-27/30 đông đảo với tính năng nổi trội, đi kèm các biến thể của Su-22 mặc dù cũ hơn nhưng vẫn rất đáng gờm.
Trong tương lai gần, khả năng cao Việt Nam sẽ mua thêm biến thể xuất khẩu của Su-30SM là Su-30SME để tăng cường sức mạnh, do chúng ta đã gửi phi công sang tập huấn trên chính những chiếc Su-30MKI của Ấn Độ - Nguyên mẫu thiết kế của Su-30SM/SME.
Thêm vào đó, ông Viktor Kuznetsov - Tổng giám đốc Aviaprom còn cho biết: "Các máy bay Su-30 do Tổng công ty Irkutsk chế tạo sẽ được bán cho Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Angola".
Ghép nối các dữ kiện, chắc chắn tới 99% là hợp đồng mua máy bay chiến đấu tiếp theo Việt Nam ký với Nga sẽ có "diễn viên chính" là Su-30SME.
Mô hình Su-30SME trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Singapore Airshow 2016
Do Su-30SME dùng hoàn toàn linh kiện nội địa được Nga sản xuất, cho nên độ ổn định và tin cậy sẽ cao hơn hẳn biến thể Su-30MKI của Ấn Độ hay Su-30MKM dành cho Malaysia vốn được "cấy ghép" nhiều thiết bị ngoại lai.
Bên cạnh đó, các thành phần chính làm nên sức mạnh của chiếc tiêm kích này như radar N011M BARS hay động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều AL-31FP vẫn được giữ nguyên, khiến năng lực tác chiến tổng thể là vô cùng ấn tượng.
Nếu Không quân Việt Nam được bổ sung 2 trung đoàn Su-30SME kết hợp cùng 3 trung đoàn Su-30MK2 hiện có, vùng nhận dạng phòng không đang manh nha được thiết lập trái phép trên biển Đông sẽ hoàn toàn mất tác dụng.
Tuy nhiên một vấn đề nữa cần phải cân nhắc, đó là đến thời điểm Việt Nam nhận đủ số lượng Su-30 thì Su-22 cũng đến tuổi nghỉ hưu. Tiếp tục thay thế Su-22 bằng Su-30/35 sẽ không được hợp lý, do dòng tiêm kích hạng nặng này có phi phí khai thác rất cao.
Nhìn sang Hàn Quốc, đất nước hùng mạnh này cũng chỉ duy trì phi đội 60 chiếc F-15K làm chủ lực, còn lại xương sống của không lực vẫn do 200 chiếc KF-16 đảm nhiệm.
Vì vậy Việt Nam rất cần một dòng tiêm kích hạng nhẹ tiên tiến, kinh tế trong vận hành để bảo vệ không phận cũng như chi viện cho tác chiến không đối hải lúc cần thiết.
Tiêm kích JAS-39 Gripen
Trong các ứng viên, JAS-39C/D Gripen đang nổi lên như sự lựa chọn tối ưu. Vào tháng 5/2015, Reuters đã đưa tin về việc Việt Nam có các cuộc tiếp xúc với Tập đoàn Saab của Thụy Điển để đánh giá dòng chiến đấu cơ này.
Mặc dù chi phí ban đầu hơi cao (lên tới 70 triệu USD) nhưng lại khai thác được tới 10.000 giờ bay (so với 3.000 giờ của Su-30) và chỉ tiêu tốn 4.700 USD cho 1 giờ hoạt động, JAS-39 đặc biệt phù hợp với những quốc gia có ngân sách quốc phòng còn eo hẹp.
Hơn thế nữa, JAS-39 còn nổi tiếng vì độ linh hoạt cao kết hợp với hệ thống điện tử hàng không cực kỳ tiên tiến. Trong cuộc tập trận với Không quân Trung Quốc, JAS-39C/D của Thái Lan đã chứng minh tính ưu việt của mình khi áp đảo hoàn toàn J-11.
Ngoài ra nếu chọn JAS-39, Việt Nam còn đứng trước cơ hội mua được Meteor - Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn số 1 thế giới hiện nay, khi đó sự vượt trội của JAS-39 nếu phải đối đầu với J-10/11 là không cần bàn cãi.
Viễn cảnh Su-30SME và JAS-39C/D cùng xuất hiện tại Việt Nam là rất cao
Với cặp "song sát" Su-30SME - JAS-39C/D, Không quân Việt Nam ngoài việc bảo vệ tốt không phận trên đất liền còn làm chủ được cả vùng trời kéo dài tới tận quần đảo Trường Sa.
Khi đó ngoài vị trí số 1 ASEAN, chúng ta sẽ vươn lên trở thành một thế lực lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là viễn cảnh rất tươi sáng nhưng cũng mang đầy tính thực tế.