Việc hiện đại hoá ấy không ngoài mục đích lấp đầy các khoảng trống về khoa mục tác chiến trên không mà không quân tiêm kích phòng thủ không phận luôn được ưu tiên, nhất là khi những cánh én bạc huyền thoại MiG-21 đã chính thức về hưu.
Hiện tại, trang bị nòng cốt trong không quân Việt Nam là các máy bay đa nhiệm Su-30MK2 bên cạnh một ít máy bay tiêm kích phòng không Su-27SK/UBK đang dần hết niên hạn sử dụng.
Máy bay Su-30MK2 của Việt Nam, xét về mặt khí động học, đã lạc hậu phần nào về khả năng chiếm lĩnh bầu trời do năng lực cơ động ngày càng tụt hậu. Nó có tính năng cơ động quán tính giống như các biến thể Su-27, một máy bay tiêm kích siêu hạng của … thế kỷ trước.
Bài phản kích kinh điển của Su-27 đã dần vô hiệu với kẻ địch cơ động.
Hiện đại hóa không quân - Xu thế tất yếu
Không quân các nước trên thế giới bước vào thế kỷ 21 với các trang bị máy bay hoặc cơ động hơn, hoặc bộc lộ điện từ và quang học thấp hơn, hoặc cả hai. Đó là dòng chảy tất yếu của lịch sử để dành ưu thế trong các cuộc xung đột tiềm năng.
Chúng ta cũng không thể đứng ngoài xu thế ấy.
Các cuộc chiến hiện đại thường bắt đầu bằng tập kích đường không quy mô lớn vào hệ thống hạ tầng quân sự và kinh tế nhằm làm tê liệt hệ thống chỉ huy, triệt hạ các dự trữ tác chiến và sản xuất của đối phương.
Việc thất bại trong cuộc chiến chiếm lĩnh không phận chắc chắn dẫn đến hậu quả là toàn bộ hạ tầng kinh tế và quân sự bị phá huỷ, cơ cấu chỉ huy toàn quân bị chia cắt, thậm chí xoá sổ.
Một khi máy bay địch chiếm lĩnh bầu trời thì phòng thủ điểm bằng hệ thống phòng không và tiêm kích đánh chặn chỉ nhằm gây thiệt hại tối đa có thể cho kẻ địch hơn là để hạn chế tối đa các thiệt hai do tập kích đường không.
Như vậy, việc làm thất bại chiến dịch tập kích đường không của địch xem như bất khả thi nếu không chiếm lĩnh không phận.
Mục đích của chiến dịch tập kích đường không mà kẻ địch hoạch định là phá huỷ hạ tầng và cơ cấu chỉ huy, hậu cần thì họ vẫn đạt được dù ta có gây cho họ bao nhiêu thiệt hại nếu để họ chiếm lĩnh không phận.
Chiếm lĩnh không phận là hoạt động tầm soát thường xuyên nhằm đánh bật bất kỳ lực lượng không quân nào ra khỏi không phận mà chúng định xâm phạm.
Một máy tiêm kích phòng không hiện đại, xét về mặt khí động học, phải đạt được yêu cầu cơ động tốt hơn ở mọi độ cao; công kích địch sớm hơn và phản kích tốt để có thể chiếm lĩnh bầu trời.
Xét về mặt vũ khí và trang bị kỹ thuật, nó phải phát hiện và công kích địch sớm hơn ở tầm trung và xa. Nhưng nó bắt buộc phải tiến lên để chiếm lĩnh vùng trời có địch xâm phạm chứ không thoát ly vùng trời sau công kích như một tiêm kích đánh chặn.
Đó là nhiệm vụ của nó. Như thế, một cuộc giao tranh tầm gần cũng không thể tránh khỏi. Do đó, máy bay cũng phải có đặc tính kỹ thuật cơ động và trang bị vũ khí, khí tài cho cả không chiến quần vòng nữa.
Việc Việt Nam lựa chọn các máy bay Su-30MK2 với kíp chiến đấu 2 người có các đặc tính đầy đủ của tiêm kích phòng không hiện đại thời bấy giờ là Su-27 nhưng vẫn có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ chống tàu, tấn công mặt đất là một phương án tiết kiệm chi phí.
Khi tấn công mặt đất hay mặt nước, kíp lái 2 người để vừa cơ động công kích mục tiêu cả trên không lẫn dưới đất mà vẫn lái dẫn đường được cho các loại đạn hiện đại dẫn đường bằng quang truyền hình như Kh-59ME,… và các loại bom quang truyền hình, bom laser khác.
Với yêu cầu tính năng khí động khắt khe hơn của cuộc chiến chiếm lĩnh không phận hiện đại như đã đặt vấn đề, chúng ta cần một máy bay cơ động hơn, trang bị khí tài tốt hơn Su-30MK2, nhưng vẫn là máy bay 2 chổ ngồi để thực hiện đa nhiệm vụ.
Một máy bay như thế và có quan hệ gần gũi với Su-30MK2 để thuận lợi trong huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật và tác chiến chỉ có thể là Su-30SM chứ không phải loại máy bay nào khác.
Chúng ta cùng phân tích để xem tại sao Su-30SM lại hội tủ đầy đủ các tính năng của ứng viên sáng giá nhất cho yêu cầu trên.
Khác biệt căn bản giữa Su-30SM và Su-30MK2 là nó được bổ sung một cặp cánh mũi và hai động cơ có thể thay đổi hướng phụt hai chiều. Ảnh: Airliners.net.
Tính năng khí động học và khả năng thao diễn siêu hạng
Điểm khác biệt căn bản giữa Su-30SM và Su-30MK2 là nó được bổ sung một cặp cánh mũi và hai động cơ có thể thay đổi hướng phụt hai chiều (2D).
Nhà thiết kế đã nới rộng phần thân trước để đưa các cánh mũi ra xa thân hơn nhằm tránh việc cánh mũi gây ra nhiễu động khí trước cửa hút khí động cơ gây mất động lực khi máy bay cơ động. Hai động cơ có khả năng thay đổi hướng phụt theo mặt phẳng đứng.
Cơ động được ở tốc độ thấp là một lợi thế không chiến không nhỏ khi phản kích.
Ưu điểm của hướng thiết kế này là cánh mũi và khả năng thay đổi hướng phụt động cơ 2 chiều theo phương đứng cho máy bay khả năng chủ động cất đầu lên khỏi phương ngang hay phục hồi về trạng thái bay bằng mà không phụ thuộc quán tính.
Nó cho phép máy bay chủ động cơ động một phần bằng động lực mà không phải dùng cánh đuôi và cánh tà đứng để chuyển hướng bay. Lực tác động lên các cánh tà phụ thuộc rất lớn vào tốc độ bay.
Khi bay chậm thì lực giảm làm máy bay khó cơ động trong khi bay chậm thì quán tính tổng thể thấp dễ cơ động hơn. Đó là nghịch lý của chuyển hướng quán tính.
Một động tác phức hợp lộn nửa vòng và cất đầu khỏi hướng bay để hãm tốc chuyển hướng công kích mục tiêu.
Vì vậy, khi được trang bị động cơ đổi hướng phụt và cả cánh mũi, Su-30SM có khả năng cơ động ở dải tốc độ cực thấp bằng cách thay đổi hướng động lực và cất đầu ra khỏi phương bay.
Nó cho phép máy bay thực hiện động tác lộn vòng và xoay vòng cũng như phức hợp các động tác mà không phụ thuộc vận tốc bay như Su-30MK2 hay Su-27.
Trước kia, các máy bay như Su-27 hay Su-30MK2 thực hiện động tác Cobra phải phụ thuộc vào quán tính và lực cản của cánh để phục hồi phương bay. Một động tác tránh công kích và phản kích như thế kéo dài khoảng 7 giây.
Và không cần lộn vòng để hãm tốc và quay đầu phản kích.
Ngày nay, Su-30SM có thể chủ động thời gian với động tác này cho phù hợp với thực tế do chủ động được động lực chuyển hướng. Đồng thời, dải tốc độ có thể thực hiện động tác cũng rộng hơn để linh động tác chiến.
Tất cả các động tác trên đều có thể thực hiện trong dải tốc độ rộng nhằm linh động tác chiến.
Kiểu thiết kế này tồn tại một hạn chế cánh mũi gây ra nhiễu động khí trước cánh tà trước, là trái tim tạo ra và thay đổi lực nâng cánh cho phù hợp với dải tốc độ nhằm duy trì ổn định máy bay.
Động tác Cobra giờ đây đơn giản hơn với động cơ đổi hướng phụt và cánh mũi...
... và có thể chủ động về quỹ đạo bay khi thực hiện động tác.
Đồng thời, việc nới rộng thân trước cũng tạo thêm lực nâng thân khi máy bay tăng tốc. Hệ quả là Su-30SM có tốc độ tối đa giảm rất đáng kể so với Su-30MK2 dù động lực và trọng lượng tương tự nhau.
Vì nếu máy bay bay quá nhanh thì các nhiễu động khí tạo ra bởi cánh mũi công với lực nâng thân trước sẽ gây mất lực nâng tổng thể và máy bay mất ổn định, thậm chí thất tốc.
Ngoặt nhanh với góc ngoặt hẹp để tránh công kích mà không thay đổi hướng bay.
Lực nâng lớn ở dải tốc độ thấp thì khi bay nhanh lực nâng đó cũng mất dần đi sớm hơn nếu không có cơ cấu thay đổi mặt cắt khí động. Tuy nhiên, với một nước không phận hẹp như Việt Nam, không cần thiết phải bay quá cao và quá nhanh.
Cho nên điểm yếu này cũng không phát tác khi khai thác ứng dụng máy bay trong thực tế.
Động tác xoay vòng hãm tốc ở tốc độ cao để tránh công kích và phản kích của Su-35S, điều mà Su-30SM chưa thể thực hiện với động cơ đổi hướng phụt 2D.
Khác với Su-35S là máy bay tiêm kích phòng không chiếm lĩnh bầu trời siêu cơ động ở mọi tốc độ và đặc biệt mạnh ở độ cao lớn và tốc độ cao, Su-30SM thiết kế như một máy bay hộ tống mạnh về không chiến ở dải tốc độ thấp, tốc độ của các máy bay ném bom chiến dịch.
Với không phận nhỏ hẹp như Việt Nam, kẻ địch muốn tập kích đường không phải hạ độ cao xuống dưới 12 nghìn mét trước khi xâm phạm không phận nên một máy bay mạnh không chiến tầm cao với tốc độ lớn là không cần thiết.
Nó chỉ phù hợp với các nước diện tích lớn như Nga, Mỹ hay Trung Quốc, Ấn Độ…
(Còn tiếp)