Theo National Interest, Nga đã triển khai ít nhất 4 tiêm kích Su-30SM - biến thể nâng cấp hiện đại nhất của dòng Su-30 đến Latakia, Syria.
Việc triển khai chiến đấu cơ là một phần trong gói hỗ trợ quân sự của Moscow dành cho Damascus nhằm giúp nước này chống lại bất ổn, đặc biệt là sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trước thông tin Nga triển khai Su-30SM, nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar cho rằng, mục đích của Nga nhằm trợ giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đối phó với IS, nhưng nếu không nhận được sự phối hợp của Mỹ có thể sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ vô ý giữa hai bên.
Do vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã gọi điện cho người đồng cấp Sergei Shoigu để bàn về các hoạt động quân sự của Nga tại Syria. Trong khi đó, một vị thư ký quốc phòng cho biết, khu vực hoạt động của Nga chồng lấn lên vùng của Mỹ.
Ông Majumdar nhận định, mặc dù các quan chức quốc phòng hai nước sẽ tìm cách để không xảy ra một cuộc đụng độ ngoài ý muốn, nhưng nếu Su-30SM vì một lý do nào đó bất ngờ chạm trán F-22 Raptor thì điều gì sẽ xảy ra?
Liệu máy bay chiến đấu thế hệ 4++ của Nga có cơ hội nào trước tiêm kích tàng hình thế hệ 5 số một thế giới của Mỹ hay không?
F-22 rất mạnh trong không chiến tầm xa...
Việc Nga triển khai Su-30SM đến Syria là một lựa chọn hợp lý, ông Majumdar nhận định.
Chiến đấu cơ này mang tải trọng vũ khí rất lớn, tầm bay xa. Su-30SM là một tiêm kích đa nhiệm thực hiện tốt cả nhiệm vụ đối không và đối đất, nó có thể hoạt động độc lập mà không cần máy bay hộ tống riêng biệt.
Su-30SM được thiết kế với 2 phi công điều khiển, điều này đặc biệt hữu ích trong các nhiệm vụ phức tạp. Ông Majumdar lập luận, Su-30SM là một chiến đấu cơ rất có năng lực, nhưng nó có rất ít cơ hội khi đối đầu với F-22, đặc biệt là trong tình huống không chiến ngoài tầm nhìn.
F-22 có lợi thế lớn về khả năng tàng hình cùng hệ thống cảm biến tiên tiến. Về mặt lý thuyết, F-22 sẽ bắn hạ Su-30SM trước khi nó kịp nhận ra sự có mặt của chiến đấu cơ Mỹ.
Trong các chương trình huấn luyện không chiến, Không quân Mỹ thường sử dụng phi đội 4 tiêm kích F-22 chống lại 20 chiến đấu cơ đối phương.
... nhưng lại yếu thế ở không chiến tầm gần
Tuy nhiên F-22 đã có thời gian sử dụng 10 năm, trong khi Su-30SM lại mới được đưa vào hoạt động nên khoảng cách về hệ thống điện tử giữa hai chiến đấu cơ này có thể không khác biệt quá lớn.
Mặt khác, mã nguồn phần mềm của Raptor rất khó nâng cấp nên nó chưa thể sử dụng những tên lửa mới nhất của Mỹ, trong khi Su-30SM có thể sử dụng tất cả những tên lửa hiện đại nhất của Nga hiện nay.
Nếu F-22 không thể tiêu diệt Su-30SM ở tầm xa, khi đó Raptor sẽ bất lợi nếu rơi vào không chiến tầm gần. Tiêm kích của Nga được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy mang lại khả năng cơ động tuyệt vời.
F-22 cũng được trang bị động cơ tương tự nhưng nó phải sử dụng tên lửa không đối không tầm gần thế hệ cũ AIM-9M được đưa vào sử dụng từ năm 1982. Raptor không thể bắn loại hiện đại nhất là AIM-9X do khó khăn trong việc nâng cấp phần mềm điều khiển.
Còn Su-30SM với tên lửa không đối không tầm gần R-73M, đặc biệt, tên lửa tương thích với hệ thống nhắm mục tiêu trên mũ bay, cho phép phi công khóa mục tiêu bằng cái lắc đầu.
Điều đáng buồn là tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ lại không được trang bị mũ bay tích hợp, F-22 buộc phải hướng mũi máy bay về phía đối phương mới khóa được mục tiêu. Đây là một bất lợi lớn trong không chiến quần vòng cự ly gần.
Không quân Mỹ hiểu rõ hạn chế này, nhưng chương trình nâng cấp F-22 với mũ bay tích hợp dự kiến đến năm 2020 mới hoàn thành.
Một lợi thế khác của Su-30SM là hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại IRST, tiêm kích Nga có thể lần ra dấu vết của F-22 ngay cả khi nó áp dụng cơ chế tàng hình.
Ông Majumdar kết luận, một cuộc đụng độ giữa chiến đấu cơ Nga - Mỹ tất nhiên là không có lợi cho cả hai bên, nhưng các phân tích trên cho thấy, F-22 không phải là kẻ thống trị bầu trời trong mọi hoàn cảnh.