Su-30 thế hệ mới của Việt Nam có gì đặc biệt?

Dương Phạm |

(Soha.vn) - Các máy bay Su-30 tiếp theo của Việt Nam sẽ do Irkut sản xuất chứ không phải là sản phẩm của tổ hợp Komsomolsk-on-Amur như trước đây.

Theo ông Viktor Kuznetsov, Tổng giám đốc Công ty "Aviaprom” cho biết tại phiên họp hội đồng cổ đông được tổ chức tại thủ đô Moscow hôm 30/5 thì các máy bay Su-30 do Tổng công ty Irkut chế tạo sẽ được bán cho Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Angola.

Trong phát biểu trên của ông Viktor Kuznetsov chúng ta thấy một điểm rất đáng lưu ý đó là các máy bay Su-30 tiếp theo của Việt Nam sẽ do Irkut sản xuất chứ không phải là sản phẩm của tổ hợp Komsomolsk-on-Amur như trước đây. Vậy 2 loại Su-30 do 2 cơ sở trên sản xuất khác nhau ở điểm nào?

Trước hết, Irkut chính là cơ sở sản xuất ra các loại Su-30MK có cánh mũi và động cơ đẩy 2D TVC gồm Su-30MKI, Su-30MKM, Su-30MKA và phiên bản nội địa Su-30SM còn Komsomolsk-on-Amur là nơi sản xuất Su-30MK2 để xuất khẩu và Su-30M2 dùng cho nội địa. Su-30 do Komsomolsk-on-Amur sản xuất có đặc trưng là không có cánh mũi và không có động cơ đẩy kiểm soát vector.

Khi so sánh hai loại máy bay này với nhau thì Su-30 của Irkut vẫn được đánh giá cao hơn hẳn và thường được ví von như chiếc Lexus cao cấp với giá khoảng 75 triệu USD/chiếc còn Su-30 của Komsomolsk-on-Amur chỉ được coi như chiếc Toyota bình dân có giá 60 triệu USD/chiếc.

Su-30MKA của Không quân Angeri

Su-30MKA của Không quân Angeria

Su-30 do Irkut sản xuất được trang bị radar mảng pha N-011 BARS, đây là loại radar hàng không xuất khẩu mạnh nhất của Nga, có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 350 - 400 km với các vật thể bay cỡ lớn, theo dõi ở cự ly 200 km, phát hiện được máy bay cỡ F-16 ở cự ly từ 140 - 160 km. Radar này có thể giám sát 15 mục tiêu trên không và dẫn đường cho tên lửa tấn công đồng thời 4 mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, N-011 BARS còn giúp Su-30 có thể đảm đương chức năng của một máy bay cảnh báo sớm mini (Mini AWACS), chỉ huy biên đội lên đến 4 chiếc.

Trong không chiến quần vòng cự ly ngắn, kết cấu cánh mũi cùng động cơ AL-31FP có điều khiển vector định hướng 2 chiều giúp cho máy bay có khả năng cơ động rất cao.

Ban đầu dòng Su-30 do Irkut sản xuất được thiết kế với nhiệm vụ tiêm kích chiếm ưu thế trên không nên chỉ được lắp tổ hợp ngắm bắn đơn nhiệm BARS N-011 nhưng hiện tại với tổ hợp ngắm bắn đa nhiệm thế hệ mới N-011M bổ sung chức năng cường kích, có thể phát hiện nhóm xe tăng ở cự ly 40 - 50 km hoặc tàu khu trục ở cự ly 80 -120 km, Su-30 do Irkut sản xuất đã thực sự trở thành một chiếc máy bay chiến đấu đa năng có thể thực hiện tốt cả 2 nhiệm vụ tiêm kích lẫn cường kích.

Su-30MK2 của Không quân Venezuela

Su-30MK2 của Không quân Venezuela

Nếu Su-30 do Irkut sản xuất là phiên bản tiêm kích phòng không thì Su-30 do Komsomolsk-on-Amur sản xuất lại thiên về cường kích mà cụ thể như Su-30MK2 của Việt Nam thì thiên hẳn về chức năng cường kích đánh biển.

Su-30MK2 được trang bị tổ hợp ngắm bắn đa nhiệm SUV-VEP bao gồm radar N-001 và OLS-30 có phạm vi tìm kiếm mục tiêu trên không khoảng 110 km, phát hiện tàu sân bay và xuồng cao tốc từ cự ly tương ứng 250 km và 70 km, radar của Su-30MK2 có thể theo dõi 10 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 2 mục tiêu (1 xa 1 gần) cùng lúc.

Động cơ trang bị cho Su-30 do Komsomolsk-on-Amur sản xuất là AL-31F không có kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều như AL-31FP cùng với kết cấu không có cánh mũi khiến khả năng không chiến quần vòng của máy bay hạn chế hơn khá nhiều nhưng loại động cơ này lại có tuổi thọ cao hơn hẳn, tỏ ra thích hợp với một chiếc máy bay chiến đấu đa năng thiên về cường kích đánh biển hơn.

Với các thông số trên, chúng ta dễ dàng nhận ra ở vai trò tiêm kích phòng không thì Su-30 do Irkut sản xuất vượt trội hơn nhưng Su-30 của Komsomolsk-on-Amur lại “ăn đứt” ở chức năng cường kích.

Su-30MK2 của Không quân Việt Nam

Su-30MK2 của Không quân Việt Nam

Trên đây là một số so sánh về những điểm khác biệt cơ bản nhất của 2 dòng máy bay Su-30MK do 2 cơ sở Irkut và Komsomolsk-on-Amur sản xuất. Việc Việt Nam chuyển sang đặt hàng Su-30 của Irkut có thể giải thích rằng sau một thời gian dài xây dựng lực lượng không quân thiên về nhiệm vụ cường kích đánh biển, Việt Nam bắt đầu kế hoạch bù đắp lỗ hổng trong lực lượng tiêm kích phòng không của mình khi MiG-21 đã sắp hết hạn sử dụng, những chiếc Su-27 không chiến chuyên nghiệp thì không còn đáp ứng được yêu cầu tác chiến trong thời kỳ mới, còn Su-30MK2 tiếng là máy bay chiến đấu đa năng nhưng chức năng tiêm kích cũng chỉ ở mức khá chứ không có gì nổi trội.

Rất có thể sau khi hợp đồng mua Su-30MK2 thứ 3 hoàn thành vào năm 2015 Việt Nam sẽ chính thức đặt mua dòng Su-30 do Irkut sản xuất. Với sự xuất hiện của phiên bản Su-30 cao cấp này chắc chắn sức mạnh của Không quân Việt Nam sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Su-30MKI của Không quân Ấn Độ

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại