Ngư dân hối hả đóng tàu lớn vươn khơi xa Đà Nẵng bán 7 'siêu xe' lấy tiền...đóng tàu cho ngư dân
Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn lịch treo tường Tết năm 2011 của Tập đoàn Damen (Hà Lan) lại đưa ảnh một con tàu do Tổng công ty Sông Thu (gọi tắt là Sông Thu) đóng lên trang bìa.
Đây là bộ lịch 7 tờ được Damen phát hành với số lượng hàng trăm ngàn cuốn và làm quà tặng cho các đối tác, liên doanh trên toàn thế giới. Điều đó phần nào nói lên niềm tin vào thương hiệu mang tính chiến lược cùng các sản phẩm của Sông Thu đã và đang hợp tác với Damen.
Bước chuyển giao quan trọng
Ngày tổ chức lễ hạ thủy và bàn giao tàu ASD 2411/YN 512263 xuất khẩu sang New Zealand rất đông đại biểu và khách mời trong nước và quốc tế đến tham quan. Ngắm con tàu kéo hiện đại từ từ được sàn nâng hạ xuống mặt nước, tất cả mọi người đều hân hoan…
Trong niềm vui chung ấy, Đại tá Hà Sơn Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Thu khẳng định: “Sông Thu được như ngày hôm nay là nhờ có bước đi, cách làm phù hợp; nội bộ đoàn kết, trên dưới đồng lòng. Bài học thành công đầu tiên phải nói tới bước chuyển giao quan trọng và đầu tư đúng hướng!”.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy chặng đường phát triển của Sông Thu khá gian nan, song rất đáng tự hào…Từ tháng 1-2004, Bộ Quốc phòng ký quyết định chuyển Tổng công ty Sông Thu từ Quân khu 5 về Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Với quân số 450 cán bộ, công nhân viên, trong đó trên 30% người có trình độ kỹ sư, cao đẳng chuyên ngành và những thành quả đạt được sau bao nhiêu năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Sông Thu trở thành địa chỉ tin cậy trong khu vực về đóng mới, sửa chữa tàu biển cho các đơn vị trong và ngoài quân đội như: Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn...
Buổi đầu gia nhập vào đội hình có nhiều công ty, xí nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, Ban giám đốc tổng công ty đã rất lo lắng, phải làm như thế nào để đưa tổng công ty vươn lên khẳng định vị thế của mình trong quá trình hội nhập và phát triển.
Chính ủy Phạm Hồng Nam kể: “Ngày ấy, tôi cùng Tổng giám đốc Hà Sơn Hải và các đồng chí trong ban giám đốc tổng công ty luân phiên vào tận Vũng Tàu, đến các đơn vị có phương tiện vận tải, dầu khí để tìm việc và làm tất cả các sản phẩm, kể cả hệ thống thoát nước... Để khích lệ tinh thần hăng say lao động sản xuất, ban giám đốc tổng công ty thường xuyên xuống từng phân xưởng, nhà máy gần gũi động viên anh em công nhân, khuyến khích đội ngũ cán bộ, kỹ sư bàn cách tháo gỡ khó khăn.
Suy tính nhiều phương án, Đại tá Hà Sơn Hải đề xuất với ban giám đốc tổng công ty vạch ra một hướng đi cụ thể, một chiến lược dài hơi nhằm phát triển thương hiệu mới của Sông Thu. Sau một thời gian trao đổi, bàn bạc, ban giám đốc tổng công ty xác định: “Không trường vốn để đóng các sản phẩm tàu lớn, mà phải “đi tắt, đón đầu” từ các công nghệ mới, tiên tiến từ nước ngoài để từng bước định hình dòng sản phẩm”.
Công nhân Phân xưởng đóng mới đang thi công tàu Cảnh sát biển.
Điều đó được thể hiện rõ trong nghị quyết của Đảng ủy:“Vinashin đóng các loại tàu lớn, Sông Thu phải có hướng đi của riêng mình. Trong điều kiện nguồn tài chính của công ty còn có hạn thì phải lựa chọn dòng tàu chuyên dùng. Nếu đóng loại tàu này mức độ đầu tư về kinh phí sẽ thấp hơn, nhưng đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về chất xám thì tính cạnh tranh mới cao.
Mặt khác, loại sản phẩm này vừa phù hợp với nền kinh tế đất nước mà vẫn đáp ứng kịp thời nhu cầu cần thiết của xã hội. Thực tế đất nước mình vẫn còn cần rất nhiều những dạng tàu cứu hộ, cứu nạn, cứu hỏa; tàu lai dắt cảng, dịch vụ dầu khí... Vậy thì tại sao công ty lại không đột phá vào lĩnh vực sản xuất mới?”.
Nghị quyết thì rất ngắn gọn, nhưng để biến thành hiện thực đòi hỏi phải có lộ trình, thời gian và bước đi, cách làm phù hợp. Sau khi hoàn thành công tác chuyển giao và lựa chọn hướng đi đúng, Đại tá Hà Sơn Hải và ban giám đốc tổng công ty đã chủ động tìm gặp các đối tác, trong đó chú ý đặc biệt đến tập đoàn Damen (Hà Lan).
Trên thực tế, một thời gian không lâu sau đó, cùng với sự tin tưởng của đối tác Hà Lan và sự học hỏi của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, dòng tàu mới chuyên dùng được tập đoàn Damen chuyển giao công nghệ thuận lợi đã giúp thương hiệu Sông Thu gây tiếng vang đối với ngành đóng tàu biển Việt Nam, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý cho đơn vị nhận chuyển giao công nghệ toàn bộ để đóng tàu cứu hộ DST-4612 có công suất 3.500 CV thành công, chất lượng tàu ngang với nhập ngoại, nhưng giá thành chỉ chiếm khoảng 70%.
Đầu tư đúng hướng
Trong lần đến thăm và làm việc tại Tổng công ty Sông Thu, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhận xét: “Thành công của Sông Thu là đón đầu công nghệ mới và đầu tư đúng hướng!”…
Bằng sự tìm tòi, nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình thực tế khách quan, Đại tá Hà Sơn Hải cùng Ban giám đốc Tổng công ty Sông Thu đã giải quyết được khâu quan trọng đối với ngành đóng tàu là chuyển giao công nghệ và đầu tư đúng hướng trên bước đường hội nhập.
Hạ thủy tàu kéo cảng ASD 2411/YN512263.
Thành công bước đầu ấy như động lực thúc đẩy cán bộ, công nhân tổng công ty củng cố thêm niềm tin vào năng lực cũng như nhiệt huyết làm việc của đội ngũ lính thợ. Cho đến nay, sau nhiều năm bươn chải ngoài thị trường xây dựng thương hiệu, uy tín, Sông Thu đã tìm ra hướng đi riêng: “đi tắt đón đầu” công nghệ mới, tiên tiến từ châu âu để từng bước định hình dòng sản phẩm mang thương hiệu “Made in Sông Thu”.
Chính từ chủ trương này nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết thị đòi hỏi phải đồng bộ. Với sự quyết đoán táo bạo, ban giám đốc tổng công ty đã chủ động đề xuất với trên đầu tư hệ thống nâng hạ tàu cơ điện Rolls& Royce - Mỹ.
Đây là thiết bị hiện đại bậc nhất về hệ thống nâng hạ tàu cơ điện của ngành đóng tàu, Sông Thu là doanh nghiệp đầu tiên của cả nước và là doanh nghiệp thứ 2 ở Đông Nam á (sau Xin-ga-po) lắp đặt và đưa vào khai thác.
Đại tá Hà Sơn Hải kể: “Thời điểm đưa hệ thống nâng hạ tàu cơ điện Rolls& Royce vào phục vụ sản xuất vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi, song thực tế đã chứng minh tính hiệu quả thiết thực của việc áp dụng công nghệ mới. Nếu như trước kia phải mất thời gian hai ngày với 30 công nhân mới có thể nâng, hạ được một con tàu, thì nay chỉ cần hai người sử dụng, trong vòng 30 phút có thể nâng hạ tàu một cách nhanh chóng với sức nâng 1.600 tấn và điều khiển hoàn toàn bằng hệ thống phần mềm máy tính.
Từ hiệu quả thiết thực trong khai thác, sử dụng của Sông Thu, hiện nay đã có 5 đơn vị trong và ngoài Quân đội áp dụng công nghệ này vào phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Sông Thu còn áp dụng hiệu quả công nghệ phun bi, phun nước tạo áp lực cao, làm giảm lượng chất thải và năng lượng, bảo đảm môi trường xung quanh xưởng không bị phát tán bụi bẩn.
Một khó khăn không riêng của Sông Thu đó là không trường vốn mà đầu tư dàn trải sẽ là một thảm họa. Xuất phát từ thực tế đó và trong điều kiện nguồn tài chính còn có hạn nên Sông Thu đã lựa chọn dòng tàu chuyên dùng làm sản phẩm chủ lực. Đại tá Phạm Hồng Nam, Chính ủy Sông Thu cho biết thêm, đóng loại tàu này phù hợp với thế mạnh của tổng công ty vì mức độ đầu tư về kinh phí thấp hơn, nhưng đòi hỏi phải đầu tư lớn về chất xám thì tính cạnh tranh mới cao.
Mặt khác, loại sản phẩm này vừa phù hợp với nền kinh tế đất nước mà vẫn đáp ứng kịp thời nhu cầu cần thiết của xã hội. Thực tế không chỉ trong nước mà nhiều nước trên thế giới rất cần những dạng tàu cứu hộ, cứu nạn, cứu hỏa; tàu lai dắt cảng, dịch vụ dầu khí...
Chính việc xác định được mục tiêu ấy đã giải quyết được khâu quan trọng mang tính đột phá đối với hướng đi của mình, góp phần đưa Sông Thu từng bước vươn lên khẳng định vị thế như hiện nay.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như mở rộng thị trường, Sông Thu đã không ngừng nâng cao hệ thống quản lý chất lượng nhằm sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao. Tháng 6-2010, tổng công ty đã được tổ chức Lloyd’s Register Quality Assurance cấp Chứng chỉ ISO 9001:2008 trong lĩnh vực “Làm sạch tàu dầu” và hiện nay đang hoàn thiện những công tác cuối cùng để nhận chứng chỉ ISO 9001:2008 do Lloyd’s Register Quality Assurance cấp trong lĩnh vực “Đóng mới và sửa chữa tàu biển”.