Nhờ có nền kinh tế phát triển, 4 quốc gia Đông Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đã xây dựng được cho mình những hạm đội hải quân hùng hậu với nhiều chiến hạm lớn. Mặc dù vậy, họ vẫn không quên đầu tư đóng thêm tàu tên lửa tấn công nhanh cỡ nhỏ để phục vụ mục đích tuần tra, phòng thủ ven bờ. Bài viết sau đây xin được giới thiệu đến độc giả những lớp tàu tên lửa tấn công nhanh hàng đầu của 4 quốc gia nói trên.
1. Tàu tuần tra lớp Gumdoksuri
Thông số cơ bản: Lượng giãn nước đầy tải 561 tấn; dài 63m; rộng 9m. Tàu được trang bị kết hợp 2 động cơ turbine khí General Electric LM500 cùng 2 động cơ phản lực nước MTU 12V 595 TE90 cho tốc độ tối đa 41,5 hải lý/h; thủy thủ đoàn 40 người.
Gumdoksuri (hay còn được gọi với cái tên PKG) là lớp tàu chiến nhỏ của Hải quân Hàn Quốc, được đóng phục vụ mục đích tuần tra ven bờ. Chiếc đầu tiên của lớp có tên Yoon Youngha mang số hiệu 711 được biên chế cho Hải quân Hàn Quốc ngày 17/12/2008. Đến nay đã có tất cả 15 tàu chiến lớp Gumdoksuri đi vào hoạt động.
Hàn Quốc bắt đầu phát triển tàu tuần tra lớp PKG vào năm 2003, sau khi 1 tàu lớp Chamsuri (PKM) bị chìm trong cuộc đụng độ với Hải quân Triều Tiên ngày 29/6/2002. Chương trình nghiên cứu có mã PKX, được xem như dự án hiện đại hóa hạm đội tàu tuần tra của Hải quân Hàn Quốc.
PKX gồm 2 phân lớp: tàu tên lửa PKG-A có lượng giãn nước 500 tấn, được thiết kế để thực hiện một số nhiệm vụ thay cho tàu hộ vệ lớp Pohang và tàu pháo PKG-B có lượng giãn nước 200 tấn, nằm trong kế hoạch thay thế đội tàu tuần tra lớp Chamsuri đã khá cao tuổi. Hải quân Hàn Quốc dự định đóng tất cả 18 tàu PKG-A và 24 tàu PKG-B.
Phiên bản PKG-A được vũ trang khá mạnh với 1 pháo hạm Hyundai Wia 76mm phía trước tàu và 1 pháo hạm Doosan DST 40mm nòng đôi phía sau; 4 tên lửa hành trình đối hạm SSM-700K Hae Sung và tên lửa phòng không loại vác vai KP-SAM Shingung.
Thông số cơ bản: Lượng giãn nước đầy tải 240 tấn; dài 50,1m; rộng 8,4m; mớn nước 1,7m. Hệ thống động lực gồm 3 động cơ turbine khí General Electric LM500-G07 cùng 3 động cơ phản lực nước cho phép tàu chạy với tốc độ tối đa 46 hải lý/h; thủy thủ đoàn 21 người.
Hayabusa là lớp tàu tuần tra trang bị tên lửa của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Có tất cả 6 tàu loại này đã được biên chế trong khoảng thời gian từ 2002 đến 2004.
Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản bắt đầu đóng 3 tàu tên lửa cánh ngầm lớp “PG 1-go” vào năm 1993 - 1995. Tuy nhiên sau khi đi vào hoạt động, vấn đề gặp phải với khả năng đi biển và phạm vi hoạt động ở tốc độ trung bình của tàu trở nên rõ ràng. Kết quả là không có thêm một tàu nào thuộc lớp này được tiếp tục đóng mới.
Tàu tuần tra lớp Hayabusa được thiết kế để khắc phục những nhược điểm trên của “PG 1-go”. Sau khi xảy ra một sự cố ngoài khơi bán đảo Noto liên quan đến tàu gián điệp của Triều Tiên, 2 tàu Hayabusa đã được lên kế hoạch đóng mới trong năm tài chính 1999. Tên của 2 chiếc này được lấy lại từ tàu phóng lôi Hayabusa và tàu quét mìn Wakataka của Hải quân Đế quốc Nhật Bản.
Vũ khí trang bị của Hayabusa gồm 1 pháo Oto Breda 76mm, 4 tên lửa đối hạm SSM-1B và 2 súng máy 12,7mm M2.
3. Tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022 Houbei
Thông số cơ bản: Lượng giãn nước đầy tải 220 tấn; dài 42,6m; rộng 12,2m; mớn nước 1,5m. Tàu được trang bị 2 động cơ diesel 6.865 mã lực (5.119 kW) cùng 4 động cơ phản lực nước MARI cho tốc độ tối đa 36 hải lý/h; thủy thủ đoàn 12 người.
Type 022 Houbei (Hồ Bắc) là lớp tàu tên lửa tấn công nhanh của Hải quân Trung Quốc. Chiếc đầu tiên được hạ thủy vào tháng 4/2004 tại nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua, Thượng Hải. Type 022 là lớp tàu tên lửa tấn công nhanh 2 thân rất tiên tiến, có hỏa lực mạnh, được áp dụng công nghệ tàng hình. Tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 83 chiếc Type 022 được đóng và phân bổ đều cho cả 3 hạm đội của Hải quân Trung Quốc.
Việc áp dụng công nghệ tàu 2 thân (cataraman) trên Type 022 có một số ưu điểm so với tàu một thân truyền thống (mono hull) như cung cấp sự ổn định cao và độ nghiêng thấp, cho phép chạy với tốc độ rất cao và làm tăng khả năng tàng hình của tàu.
Vũ khí trang bị của Type 022 gồm 8 tên lửa đối hạm YJ-83 (có thể thay thế bằng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hongniao-2), tên lửa vác vai FLS-1 và 1 pháo phòng không copy AK-630 của Nga. Mặc dù được vũ trang khá mạnh nhưng Type 022 được cho là chỉ giữ vai trò bệ phóng di động, để có thể bắn thì tên lửa cần có sự chỉ thị mục tiêu từ máy bay hoặc tàu chiến khác.
4. Tàu tên lửa tấn công nhanh Kuang Hua VI
Thông số cơ bản: Lượng giãn nước đầy tải 171 tấn; dài 34,2m; rộng 7,6m; mớn nước 3m; tốc độ tối đa 33 hải lý/h được cung cấp nhờ động cơ diesel Tognum Series 4000; tầm hoạt động 1.000 hải lý khi chạy với tốc độ 22 hải lý/h; thủy thủ đoàn 19 người.
Tàu tên lửa tấn công nhanh Kuang Hua VI là lớp tàu tuần tra mới nhất của Hải quân Đài Loan. Được giới thiệu lần đầu vào năm 2003, đây có thể xem như câu trả lời với Type 022 Houbei của Trung Quốc. Hiện tại có tất cả 30 chiếc Kuang Hua VI đã đi vào hoạt động.
Dự án Kuang Hua VI được khởi động từ năm 1996 với vai trò thay thế tàu tên lửa lớp Hai Ou đã lạc hậu. Với thiết kế tối ưu hóa cho khả năng tàng hình, Kuang Hua VI không được trang bị các radar tìm kiếm bề mặt cũng như radar trinh sát trên không, tham số về mục tiêu sẽ được cung cấp bởi các trạm radar ven bờ hoặc từ máy bay hay tàu chiến khác.
Vũ khí trang bị của Kuang Hua VI gồm 4 tên lửa hành trình đối hạm siêu âm Hsiung Feng II, đây là loại tên lửa có bề ngoài rất giống với Kh-31 của Nga. Ngoài ra tàu còn được trang bị 1 pháo phòng không 20mm và 2 súng máy 7,62 mm GP T-74.
Ngoài 4 lớp tàu tên lửa tấn công nhanh tiên tiến trên, tại khu vực Đông Á còn có sự hiện diện của một loại tàu khác đó là lớp Soju của Triều Tiên, đây là phiên bản copy Osa I của Liên Xô đã rất lạc hậu và không thể đáp ứng được các yêu cầu của tác chiến hải quân hiện đại.
Tàu tuần tra Hayabusa
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA