Trong 7 loại vũ khí lần đầu công khai trước công chúng tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức trên Quảng trường Đỏ ngày 9/5 vừa qua, chiến xa bộ binh hạng nặng T-15 có thể xem là một ngôi sao.
T-15 được phát triển trên khung gầm hạng nặng Armata, dự án được bảo mật thông tin khá chặt chẽ, phải đến hôm tổng duyệt ngày 5/5, tấm bạt phủ trên tháp pháo mới được kéo xuống và đã giải đáp những thắc mắc lâu nay về sức mạnh hỏa lực của nó.
Ngay khi hình ảnh tổng thể về T-15 được công bố, giới phân tích quân sự đã có những đánh giá, so sánh tính năng của T-15 với xe chiến đấu bộ binh tốt nhất của phương Tây là Puma.
Thiết kế
Ấn tượng đầu tiên về T-15 là thiết kế rất "hầm hố" vượt xa so với đối thủ Puma.
Hông xe được trang bị giáp module rất chắc chắn, nửa thân trên có thêm giáp yếm khá lạ mắt. Thân xe dài hơn so với Puma, T-15 sử dụng hệ truyền động 7 bánh xích trong khi Puma là 6 bánh.
Thiết kế của T-15 (ở trên) vượt trội so với Puma (ở dưới).
Phía trên giáp hộp bảo vệ hông của T-15 có 5 ống phóng đạn khói gây nhiễu cỡ lớn cùng một tổ hợp nhiều ống nhỏ hơn. Cách bố trí hệ thống này trên T-15 rất khác biệt và chưa từng thấy ở các dòng xe tăng-thiết giáp khác.
Cấu hình của T-15 chia thành 3 phần, phía trước mũi là khoang động cơ, tiếp đến khoang của kíp vận hành, cuối cùng là tháp pháo. Xe có thể chở theo 6 - 8 binh lính trong khoang phía dưới tháp pháo.
Dù chưa thể đánh giá khả năng hoạt động của tháp pháo điều khiển từ xa trên T-15, nhưng rõ ràng về mặt thiết kế, T-15 vượt trội so với chiến xa bộ binh tối tân nhất của phương Tây.
Giáp bảo vệ
Theo Military-today, T-15 sử dụng giáp composite hỗn hợp có khả năng chống chịu rất tốt trước các loại vũ khí chống tăng. Ngoài ra, nó còn được bổ sung thêm giáp phản ứng nổ Malakhit thế hệ mới cùng hệ thống phòng vệ chủ động Afganit.
Puma được trang bị giáp tổng hợp tiên tiến AMAP, giới quân sự phương Tây đánh giá AMAP là một “tuyệt tác công nghệ”, có khả năng chống đạn xuyên giáp cỡ 30 mm ở vòng cung phía trước và đạn 14,5 mm ở toàn thân xe.
Theo một số nguồn tin, Puma có thể trang bị giáp bổ sung với khả năng chịu đạn pháo cỡ nòng 120 - 125 mm ở vòng cung phía trước tương tự như xe tăng chiến đấu chủ lực. Puma an toàn trước vụ nổ mìn có trọng lượng 10 kg TNT.
Ngoài ra, trên xe còn có hệ thống cảnh báo mối đe dọa tiên tiến và hệ thống bảo vệ kíp chiến đấu trước tác nhân xạ - sinh - hóa (NBC).
Trong khi đó, theo nguồn tin Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga, T-15 sở hữu khả năng bảo vệ tương đương siêu tăng T-14.
Xét tổng thể, khả năng bảo vệ của T-15 và Puma là tương đương nhau. Nếu Puma chỉ lắp giáp tiêu chuẩn mà không có giáp bổ sung thì mức độ bảo vệ kém hơn T-15.
Hỏa lực
Hỏa lực của T-15 (ở trên) mạnh hơn so với Puma (ở dưới).
Cả T-15 lẫn Puma đều sử dụng tháp pháo điều khiển từ xa lắp pháo cỡ nòng 30 mm. Pháo 30 mm trên T-15 có tầm bắn 4 km với cơ số đạn 500 viên, gồm 160 đạn xuyên giáp và 340 đạn nổ mảnh. Ngoài ra, tháp pháo còn có 1 súng máy đồng trục 7,62 mm.
Hai bên tháp pháo là 4 tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-EM đủ sức vô hiệu hóa mọi xe tăng hiện đại nhất. Tên lửa có tầm bắn 8 - 10 km và có khả năng tiêu diệt cả trực thăng bay thấp.
Pháo chính của Puma có tầm bắn 3 km, vũ khí phụ gồm súng máy đồng trục 5,56 mm. Theo một số nguồn tin, Puma có thể lắp thêm hệ thống phóng tên lửa chống tăng có điều khiển. Tuy nhiên, vũ khí này vẫn chưa thấy trên xe.
Xét về hỏa lực, T-15 mạnh hơn, điều này không gây bất ngờ vì các loại xe tăng-thiết giáp do Nga sản xuất vẫn luôn chiếm ưu thế về hỏa lực so với các thiết kế của phương Tây.
T-15 sử dụng động cơ diesel công suất 1.200 mã lực, tốc độ tối đa 70 km/h, dự trữ hành trình 550 km. Puma được trang bị động cơ 1.073 mã lực, tốc độ tối đa 70 km/h, phạm vi hoạt động 600 km. Khả năng cơ động của 2 chiến xa này tương đương nhau.
Đánh giá tổng thể, T-15 chiếm ưu thế so với Puma. Viết về dự án Armata, Telegraph từng nhận định: “Xe tăng và xe chiến đấu bộ binh mới của Nga sẽ chấm dứt ưu thế công nghệ quân sự của phương Tây kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.
>>> Việt Nam đã có tên lửa Uran-E phiên bản phóng từ trên không?
>>> Đối thủ của pháo tự hành CAESAR tại khu vực Đông Nam Á