Ý tưởng vượt rất xa thời đại
Đây là câu chuyện về Senior Peg, một dự án máy bay tàng hình mà vì sao chúng ta không có được nó và có thể muốn nó quay trở lại.
Là cỗ máy biết bay đắt và phức tạp nhất từng được chế tạo, với hình dạng kỳ quái và có thể tưởng tượng rằng nó như “hồn ma” bay lảng vảng vòng quanh khắp địa cầu trong hơn 2 thập kỷ rưỡi qua.
Thiết kế độc đáo và hết sức ngoạn mục của B-2 Spirit dễ gây ấn tượng, người Mỹ rất nể trọng cũng như kẻ thù phải khiếp sợ mỗi khi nó có mặt trên chiến trường.
Tuy nhiên máy bay ném bom tàng hình của Không quân Mỹ đã có thể có cánh đuôi, nắp buồng lái hình kim cương và logo của Lockheed Skunk Work trên cần lái.
B-2 Spirit là máy bay ném bom chiến lược đắt nhất, phức tạp nhất và có kiểu dáng viễn tưởng nhất được sử dụng bởi Không quân Mỹ trong 2 thập kỷ qua
Dự án tối mật của chính phủ Mỹ
Phát triển công nghệ tàng hình là một trong những dự án tối mật nhất, luôn nằm trong bóng tối của chính phủ Mỹ trong những năm 1970.
Một nhóm nhỏ trong Cơ quan Phát triển Dự án Tiên tiến của Lầu Năm Góc (Pentagon's Advanced Research Projects Agency/DARPA) muốn phát triển một loại máy bay chiến thuật có thể “tàng hình” trên màn hình radar.
Sáng kiến này chính là chương trình Máy bay chiến thuật thử nghiệm sống sót (eXperimental Survivable Tactical/ XST), mà sau này trở thành một dự án phát triển máy bay hàng đầu của Không quân Mỹ.
Yêu cầu rất đơn giản, thiết kế một máy bay chiến thuật có thể biến mất khỏi màn hình radar, một yêu cầu nghe có vẻ đơn giản nhưng thực sự không phải vậy, vì ở thời điểm này việc dự đoán độ phản xạ radar ở các hình dạng đơn giản đã là một thử thách.
Cuối cùng, Lockheed Skunk Work được đọ sức với nhà sản xuất máy bay huyền thoại là Tập đoàn Northrop và họ đã chiến thắng.
Sau năm 1970, nhóm Skunk Works chiến thắng trong chương trình XST, kết quả của họ chính là máy bay thử nghiệm biểu dễn công nghệ “Have Blue”.
Cuối cùng sự thành công của "Have Blue" chính là máy bay tấn công tàng hình F-117A Nighthawk. Nhưng trước đó, đã có một quyết định lớn là Không quân Mỹ sẽ phải thực hiện trước khi chọn thiết kế cuối cùng.
Có hai đề xuất máy bay chiến thật tiên tiến (Advanced Tactical Aircraft/ ATA) do Skunk Work đưa ra cho Không quân Mỹ sau khi chiến thắng cuộc thi ATX và mẫu thử nghiệm "Have Blue", đó là ATA-A và ATA-B.
ATA-A là một phi cơ có kích cỡ máy bay tiêm kích với bán kính chiến đấu là 730 km, 1 phi công, trọng tải vũ khí khoảng 2 tấn.
ATA-B là một "máy bay ném bom khu vực" có kích cỡ lớn hơn với bán kính chiến đấu là 1.850 km, 2 phi công và trang bị khoảng 4,5 tấn vũ khí dẫn đường chính xác. ATA-B được Skunk Works cho là một sự thay thế tiềm năng đối với F-111 Aardvark.
Cuối cùng Không quân Mỹ đã chọn đề xuất ít tốn kém và ít rủi ro hơn đó là ATA-A, họ muốn mua đủ số lượng máy bay với số tiền trong quỹ đen để làm cho chương trình đáng giá. Kết quả của quyết định quan trọng trên là F-117A Nighthawk như chúng ta biết ngày nay.
Đội ngũ quản lý của Skunk Works rất nhanh nhẹn và sáng tạo, đứng đầu là nhà thiết kế máy bay huyền thoại và là cha đẻ của thiết kế tàng hình, Ben Rich.
Họ sớm trở về với Không quân Hoa Kỳ, trong trường hợp này là Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược (Strategic Air Command/ SAC), và họ muốn một phiên bản lớn hơn đề xuất ATA-B.
Không quân Mỹ và chính phủ Tổng thống Carter, người đã tranh cãi huỷ bỏ chương trình B-1A Lancer một phần do sự phát triển của công nghệ tàng hình, đã có ý tưởng giống như Ben Rich.
Trong thực tế, chính phủ Carter tin tưởng vào công nghệ tàng hình từ rất sớm và mất rất nhiều công sức để huỷ bỏ các rắc rối từ dự án B-1A.
Họ thậm chí còn không thể giải thích với báo chí rằng sẽ tập trung vào một công nghệ mới mang tính đột phá (chính là công nghệ tàng hình) và nó được giữ trong tình trạng tối mật vào thời điểm đó.
Sau khi nhận được sự đồng thuận, việc sản xuất một máy bay ném bom tàng hình chiến lược rất thích hợp và thực sự có thể chế tạo được, chương trình gần như ngay lập tức bắt đầu.
Skunk Works khá bất ngờ khi Không quân Mỹ không muốn thay thế F-111, nhưng họ muốn một máy bay thay thế dự án B-1A vừa bị đình chỉ, thậm chí cả máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-52.
Không quân Mỹ muốn có một máy bay lớn, tầm bay xa, khó đánh chặn... và họ muốn nó vô hình trước radar như "Have Blue".
(Còn tiếp)