Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết sau vụ Su-22, kiểm tra toàn bộ yếu tố liên quan đến an toàn bay
Thời gian gần đây đã xảy ra một số tai nạn đối với máy bay quân sự nên Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo kiểm tra toàn bộ các yếu tố liên quan đến vấn đề an toàn bay, từ đảm bảo về hậu cần, kỹ thuật đến việc chuẩn bị, tổ chức bay…
Sau hơn hai tuần nỗ lực tìm kiếm, thi thể của hai phi công và những bộ phận quan trọng của hai máy bay SU-22 đã được tìm thấy.
Đây là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của lực lượng chỉ huy và các cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
Khi quá trình tìm kiếm vừa kết thúc, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Giao thông về toàn bộ sự cố này.
500 chiến sĩ nỗ lực tìm kiếm cứu nạn hơn nửa tháng
Thưa Trung tướng, trong hơn hai tuần tìm kiếm, có tổng cộng bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị tham gia tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn hai máy bay SU-22?
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn máy bay, chỉ 20 phút sau, máy bay trực thăng của lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã đến hiện trường, 55 phút sau thì lực lượng biên phòng cũng có mặt để hỗ trợ.
Tổng lực lượng được huy động trong đợt tìm kiếm này gồm khoảng 500 cán bộ chiến sĩ của các đơn vị như: Phòng không không quân, hải quân, biên phòng, đặc công và các lực lượng ở địa phương cùng các ngư dân trong khu vực có liên quan.
Khoảng 11h30 ngày 16/4, hai chiếc máy bay SU-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đang bay huấn luyện trên vùng biển gần đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thì va chạm với nhau và rơi xuống biển. Hai phi công gặp nạn là Trung tá Lê Văn Nghĩa, lái máy bay Su-22 số hiệu 5857 (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) và phi công Nguyễn Anh Tú, điều khiển máy bay Su-22 số hiệu 5863 (Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370). Đến ngày 28/4, lực lượng đặc công nước (Lữ đoàn Đặc công nước) đã tìm được bộ phận dẫn đường của máy bay Su-22, phần thân máy Su-22 mang số hiệu 5857 và thi thể phi công Lê Văn Nghĩa. Ngày 1/5, lực lượng tìm kiếm tiếp tục tìm thấy thi thể phi công Nguyễn Anh Tú và hộp đen của hai máy bay gặp nạn.
Trực tiếp Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã tới hiện trường chỉ đạo, đồng thời giao cho đồng chí Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy trực tiếp toàn bộ lực lượng cứu hộ cứu nạn ở hiện trường.
Quá trình tìm kiếm đã sử dụng 32 phương tiện gồm 9 máy bay các loại như trực thăng cứu hộ cứu nạn, thủy phi cơ, máy bay AN 26…; 12 xuồng và 11 tàu chuyên dụng với các thiết bị rada có chức năng dò tìm dưới nước cùng 60 đặc công nước, người nhái chuyên lặn dưới đáy biển mò tìm.
Kết quả là sau 16 ngày nỗ lực đã tìm thấy thi thể của hai phi công hy sinh là Trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú cùng nhiều thiết bị, bộ phận liên quan của hai máy bay gặp nạn, trong đó có hai hộp đen.
Trong hơn nửa tháng đó, lực lượng tìm kiếm đã gặp phải những khó khăn gì, thưa Trung tướng?
Trước hết, có một số thuận lợi là lực lượng tìm kiếm cứu nạn của ta được đào tạo chuyên nghiệp, trình độ năng lực tham gia tìm kiếm cũng như các phương tiện, khí tài đều tốt.
Vùng biển máy bay gặp nạn đã được xác định nên có thể khoanh vùng để tập trung lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Đặc biệt, các thông tin liên lạc, phối hợp hiệp đồng được thực hiện một cách chặt chẽ.
Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm cũng gặp phải không ít khó khăn như mực nước khá sâu với khoảng hơn 30 m, lại cách xa bờ khoảng hơn 100 km, đặc biệt có những hôm trời gió to, sóng lớn, dòng hải lưu mạnh, tầm nhìn dưới nước bị hạn chế…
Đây là một nhiệm vụ phức tạp, vì trong quá trình thực hiện cứu hộ cứu nạn cũng rất dễ xảy ra rủi ro, tai nạn, nhưng mọi công tác đều được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Vẫn có xác suất xảy ra mất an toàn bay
Theo đánh giá ban đầu, tai nạn xảy ra do hai máy bay va chạm vào nhau trước khi rơi xuống biển, không phải lỗi kỹ thuật. Liệu có phải vấn đề về khoảng cách an toàn bay trong trường hợp này không được đảm bảo?
Tất nhiên mỗi lần luyện tập bay đều có khoảng cách an toàn khi bay, nhưng xác suất xảy ra mất an toàn là vẫn có.
Có thể nói, những bài bay đội hình của phi công chiến đấu là những bài bay trong điều kiện hết sức căng thẳng và nguy hiểm, đòi hỏi sự luyện tập, tập trung cao độ, trình độ cao của mỗi phi công.
Tai nạn này xảy ra không phải lần đầu tiên mà đã từng có tiền lệ ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Mỗi khi có vụ việc xảy ra mất an toàn bay thì đó là điều rất đáng tiếc nhưng dường như vấn đề này có một phần là quy luật của khách quan, tức là có bay thì có xảy ra sự cố. Vấn đề là làm sao phải tổ chức rút kinh nghiệm được sau mỗi vụ tai nạn đáng tiếc như thế.
Bộ phận quan trọng nhất của hai máy bay gặp nạn là hai hộp đen đã được tìm thấy. Dự kiến khi nào sẽ có thông tin chính xác về nguyên nhân hai máy bay gặp nạn, thưa Trung tướng?
Khi đưa hộp đen về giải mã, phải căn cứ vào thực trạng của hộp đen, nếu hộp đen còn nguyên vẹn, không bị va đập, tác động mạnh thì việc giải mã sẽ không mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, việc giải mã hộp đen chỉ là hỗ trợ việc tìm ra nguyên nhân, thời điểm xảy ra tai nạn máy bay một cách thuyết phục nhất, còn gần như qua kinh nghiệm, qua những bài bay, qua dấu vết hiện trường đã có thể đánh giá được nguyên nhân hai máy bay gặp tai nạn.
Tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm tra an toàn bay
Vậy sau sự việc này, Bộ Quốc phòng có kế hoạch cụ thể gì cho việc rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các máy bay quân sự nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về mặt kỹ thuật, nâng cao trình độ đào tạo phi công trong quá trình luyện tập?
Sau bất kỳ một tai nạn nào liên quan đến mất an toàn bay, Bộ Quốc phòng đều có chỉ đạo về việc tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm tra an toàn bay.
Đặc biệt vừa qua ở nước ta có một số vụ tai nạn máy bay xảy ra nên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo sẽ tổ chức kiểm tra toàn bộ các mặt từ đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm về trình độ phi công, về công tác chuẩn bị bay, công tác tổ chức bay cùng các vấn đề liên quan…
Sau khi rà soát toàn bộ xem còn vấn đề gì, còn mặt gì tồn tại, hạn chế để nhanh chóng khắc phục, rút kinh nghiệm.
Trong một thời gian khi đủ điều kiện thì mới tiếp tục tổ chức quá trình huấn luyện bay chiến đấu đảm bảo theo đúng yêu cầu.
Hai phi công đã hy sinh trong quá trình thực hiện việc huấn luyện bay, vậy Bộ Quốc phòng có những chế độ, chính sách gì hỗ trợ gia đình họ?
Hai đồng chí phi công do đặc thù nghề nghiệp đã hy sinh trong quá trình huấn luyện bay chiến đấu ở một môi trường nguy hiểm nên các đồng chí đã được Bộ Quốc phòng công nhận liệt sĩ.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã quyết định thăng một bậc quân hàm trước thời hạn cho hai chiến sĩ, theo đó, Trung tá Lê Văn Nghĩa được thăng quân hàm Thượng tá, Đại úy Nguyễn Anh Tú được thăng quân hàm Thiếu tá.
Ngoài ra, các cấp chính quyền cũng như Bộ Quốc phòng đều có chính sách hỗ trợ theo quy định của quân đội, của nhà nước nhằm hỗ trợ gia đình hai chiến sĩ tử nạn.
Xin cảm ơn Trung tướng!
Lãnh đạo Bộ GTVT viếng hai phi công máy bay SU-22
Ngày 3/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng các đơn vị trực thuộc đã đến viếng và tiễn đưa linh cữu hai phi công tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp, TPHCM.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ghi vào sổ tang: “Hai đồng chí phi công của chúng ta không còn nữa, để lại cho chúng ta niềm tiếc thương vô hạn.
Quân chủng PKKQ mất đi hai phi công ưu tú, hai gia đình, họ tộc mất đi trụ cột gia đình, người con hiếu thảo, vợ của hai anh mất đi người chồng nghĩa tình thủy chung, các con hai anh mất đi người cha mẫu mực, đáng kính.
Tổ quốc sẽ còn đọng mãi những ấn tượng tốt đẹp của các anh trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Xin vĩnh biệt hai chiến sĩ, các anh về nơi an nghỉ vĩnh hằng…”.
Trưởng ban Lễ tang, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng PKKQ thay mặt Ban lễ tang và gia đình cảm ơn sự quan tâm, động viên, chia buồn từ Bộ GTVT.