Sở hữu tàu ngầm Kilo có tính năng rất mạnh
Theo trang thông tin khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc, hiện hợp đồng mua sắm 6 tàu ngầm diesel điện lớp Varsavyanka (NATO phân loại là Kilo) đang được Nga và Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Cùng với đó, những hạng mục hợp tác khác cũng tiếp tục được tiến hành rốt ráo.
Ngày 30-6, chiếc tàu ngầm Varsavyanka thứ tư mà Việt Nam mua của Nga mang tên Đà Nẵng đã được đưa về cảng Cam Ranh. Ba tàu được chuyển giao trước đó, được đặt tên là "Hà Nội", "TP. Hồ Chí Minh" và "Hải Phòng" đã được trang bị cho Hải quân Việt Nam.
Theo hợp đồng, việc cung cấp toàn bộ sáu chiếc tàu ngầm cho Việt Nam dự kiến sẽ được hoàn tất vào năm 2016. Khi đó, ít nhất Việt Nam cũng đã xây dựng được 2 nhóm tác chiến tàu ngầm, thay nhau đảm nhận nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu trên biển.
Tàu Varsavyanka dài 74 m, rộng 10 m, thủy thủ đoàn 52 người, có thể lặn sâu 300 m và di chuyển với tốc độ 20 hải lý/h (37 km/h), với tầm hoạt động gần 10.000 km và thời gian lặn liên tục 1 tháng rưỡi, nó sẽ góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Báo Trung Quốc đưa tin, sau Kilo, Việt Nam sẽ nhận 10 tiêm kích Su-30MK2
Khác với các tàu tương tự khác trên thế giới, tàu Varsavyanka có độ ồn và độ rung chấn rất nhỏ, khó bị phát hiện bằng các phương tiện dò tìm âm thanh dưới nước. Đó là lý do để các chuyên gia phương Tây gọi tàu Kilo của Nga là "hố đen trong đại dương” (Black Hole).
Chuyên gia quân sự Nga Victor Litovkin khẳng định, Trung Quốc cũng có loại tàu tương tự nhưng tính năng kém hơn tàu ngầm của Việt Nam, cả về độ ồn, độ rung chấn, điều kiện sinh hoạt của thủy thủ.
Một lợi thế lớn của tàu ngầm mà Nga cung cấp cho Việt Nam là tàu còn được trang bị hệ thống tên lửa “Club” hiện đại nhất.
Tất cả các tàu ngầm Việt Nam đều được trang bị tên lửa hành trình Club-S, phiên bản tấn công mặt đất 3M-14E có khả năng tấn công xa tới 280 km và phiên bản chống hạm 3M-54E có tầm phóng 220 km, thậm chí là phiên bản 3M-54E1 có tầm phóng 300 km.
Tên lửa 3M-54E1 có tầm bắn 300 km, ngoài tầm tấn công của các chiến hạm địch, nhưng điểm quan trọng nhất của nó là đầu đạn nặng 400 kg có khả năng tấn công phá hủy tuần dương hạm hoặc khu trục hạm hàng vạn tấn, thậm chí là đánh chìm hàng không mẫu hạm.
Việt Nam đã mua một số lượng không nhỏ các tiêm kích hiện đại Su-27 và Su-30 của Nga
Còn tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14E có tầm phóng lên tới gần 300 km.
Việc sở hữu loại tên lửa này sẽ khiến tàu ngầm Việt Nam có khả năng đe dọa các căn cứ quân sự, các cơ sở hạ tầng trên bờ, hoặc tấn công các điểm tập kết binh lực tạm thời, căn cứ quân sự cố định, phá vỡ ý đồ tấn công phủ đầu của đối phương.
Việt Nam tiếp tục nhận 10 máy bay chiến đấu Su-30MK2
Trong bài viết dẫn lại, trang mạng Đông Phương bình luận, Việt Nam và Nga là 2 bạn hàng truyền thống có mối quan hệ hết sức mật thiết. Mấy năm gần đây Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng mua sắm trang bị, vũ khí của Nga, có trị giá lên tới hơn 4,5 tỷ USD.
Theo đà tăng trưởng của nền kinh tế, mức chi tiêu quân sự của Việt Nam bình quân là khoảng 1,5 tỷ USD, tương đương với 1,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Việt Nam đã ký các hợp đồng mua sắm 6 tàu ngầm Kilo, trị giá hơn 2 tỷ USD và chi 1 tỷ USD mua thêm 1 lô máy bay chiến đấu Su-30MK2.
Trang tin của Trung Quốc cho biết, sau khi tiếp nhận chiếc tàu ngầm Kilo thứ 4 mang số hiệu 185 Đà Nẵng, Nga sẽ tiếp tục bàn giao cho Việt Nam 10 máy bay chiến đấu Su-30MK2 ngay trong năm 2015, nâng tổng số máy bay loại này của Việt Nam lên con số 36 chiếc.
Hồi cuối tháng 8-2013, Hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin, Việt Nam đã ký hợp đồng mua thêm 12 chiến đấu cơ Su-30MK2 của Nga, tổng trị giá hơn 600 triệu USD.
Số tiền mua 12 máy bay chỉ là 450 triệu USD, nhưng việc mua kèm theo các vũ khí và thiết bị kỹ thuật khác, đã đẩy giá trị hợp đồng lên trên 600 triệu USD.
Theo kế hoạch, hợp đồng mới sẽ được thực hiện làm ba đợt, mỗi đợt bốn chiếc Sukhoi, giao hàng trong hai năm 2014 và 2015.
Tuy nhiên, do yếu tố khách quan, trong năm 2014 Việt Nam mới nhận được 2 chiếc máy bay đầu tiên trong lô này (vào tháng 11), 10 chiếc còn lại sẽ được bàn giao toàn bộ trong năm nay.
Theo RIA Novosti, đây là lô Su-30MK2 thứ 3 mà Việt Nam đặt mua của Nga. Hợp đồng thứ nhất gồm tám chiếc được hoàn thành năm 2011, hợp đồng thứ hai gồm 12 chiếc, đã được giao hàng xong vào tháng 12-2012.
Trước đó, Việt Nam cũng đã đặt mua 4 chiếc Su-30MK vào năm 2003, nhận năm 2004.
Với hợp đồng thứ 3 này, Không quân Việt Nam sẽ sở hữu 36 chiếc Su-30MK/MK2, biên chế thành 3 trung đoàn, bố trí tại những vị trí trọng yếu để bảo vệ vùng trời và biển đảo Tổ quốc.
Đưa tiêm kích Su-30MK2 từ máy bay vận tải An-124 Ruslan xuống, tại sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày 6-12-2014
Cụ thể, Trung đoàn Không quân 927 (Đoàn Lam Sơn) đóng tại Sân bay Kép, Bắc Giang sẽ bảo vệ vùng trời phía Bắc, Trung đoàn 923 (Đoàn Yên Thế) đóng tại Sân bay Sao Vàng, Thanh Hóa làm nhiệm vụ tại khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó là Trung đoàn 935 (Đoàn Biên Hòa) bảo vệ vùng trời - vùng biển phía nam, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa.
Ngoài ra, Việt Nam cũng còn sở hữu số lượng tương đương một trung đoàn máy bay tiêm kích tương đối hiện đại thuộc dòng Su-27 của Nga.
Vào giữa những năm 1990 của thế kỷ trước, các máy bay chiến đấu trong lực lượng không quân Việt Nam đều đã lỗi thời, lạc hậu. Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước trong tình hình mới, Việt Nam đặt mua 12 tiêm kích Su-27SK/UBK của Nga vào năm 1995 - 1996.
Theo báo chí Nga, lô Su-30 kế tiếp của Việt Nam (Su-30SM?) sẽ do Irkut sản xuất chứ không phải sản phẩm của Komsomolsk-on-Amur như trước.
Như vậy, Su-30 mới sẽ thiên về chức năng không chiến do được trang bị radar mảng pha thụ động (PESA - Passive Electronically Scanned Array radar) N-011 BARS.
Đây là loại radar hàng không xuất khẩu mạnh nhất của Nga, có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 350 - 400 km với các vật thể bay cỡ lớn, theo dõi ở cự ly 200 km, phát hiện được máy bay cỡ F-16 ở cự ly từ 140 - 160 km.
Radar này có thể giám sát 15 mục tiêu trên không và dẫn đường cho tên lửa tấn công đồng thời 4 mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, N-011 BARS còn giúp Su-30 có thể đảm đương chức năng của một máy bay cảnh báo sớm mini (Mini AWACS).
Điểm đặc biệt lưu ý là Su-30 mới sẽ được trang bị động cơ AL-31FP (FU) là phiên bản tiên tiến nhất nhất của dòng AL-31F, có lực đẩy 14.500 kg/chiếc, ngang với lực đẩy của 117S (AL-41F-1S) trên Su-35, độ linh hoạt cũng không hề kém.
Trong không chiến tầm gần, kết cấu cánh mũi cùng động cơ AL-31FP có điều khiển vector định hướng 2 chiều giúp cho Su-30 mới có vận tốc rất cao, khả năng cơ động cực kỳ linh hoạt, đủ khả năng đối phó với những tiêm kích tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, kể cả là Su-35.