Sau ASU-85, liệu Việt Nam có bất ngờ công khai SA-6?

Tuấn Trung |

Một điều khá thú vị đó là pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 không hề xuất hiện trong bản danh sách những vũ khí Việt Nam đã nhận từ Liên Xô được SIPRI công bố.

Vừa qua, Lữ đoàn Pháo binh 168 thuộc Quân khu 2 đã tiến hành huấn luyện chiến đấu với pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85. Đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ bắn, đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.

Đến nay, Lữ đoàn 168 đã hoàn toàn làm chủ phương tiện, sẵn sàng chiến đấu độc lập hoặc hiệp đồng chi viện hỏa lực cho các đơn vị bạn.


Pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 của Việt Nam bắn đạn nước kiểm tra kỹ thuật. Ảnh: Quân đội nhân dân

Pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85 của Việt Nam bắn đạn nước kiểm tra kỹ thuật. Ảnh: Quân đội nhân dân

Được biết pháo tự hành ASU-85 do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam sau khi Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 nổ ra. Đây là điều khá bất ngờ vì hầu hết các tài liệu thống kê trang bị của Quân đội Nhân dân Việt Nam đều không ghi nhận chúng ta có loại pháo tự hành này.

Thậm chí ngay cả bản báo cáo tình hình mua sắm vũ khí trang bị của các quốc gia trên thế giới được Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố, cũng không nhắc đến việc Việt Nam được Liên Xô chuyển giao ASU-85.

Do vậy, việc trở lại biên chế chiến đấu sau một thời gian dài niêm cất bảo quản trong tình trạng hoàn toàn im hơi lặng tiếng của ASU-85 thực sự là điều gây ngạc nhiên lớn.

Trước kia Việt Nam thường được biết đến với truyền thống "giấu hàng" khá kỹ, chúng ta chỉ công khai một chủng loại vũ khí khi nó trở nên lạc hậu hoặc đã có loại hiện đại hơn nằm trong kho.

Trường hợp ASU-85 ở trên có thể coi như một ngoại lệ, vì đây không phải là phương tiện chiến đấu tối tân, thậm chí xét về sức mạnh hỏa lực nó còn thua xa pháo tự hành SU-100 hay 2S3 Akatsiya.


Xe mang phóng tự hành 2P25 và radar điều khiển hỏa lực 1S91 của hệ thống tên lửa phòng không SA-6

Xe mang phóng tự hành 2P25 và radar điều khiển hỏa lực 1S91 của hệ thống tên lửa phòng không SA-6

Vậy ngoài ASU-85, còn vũ khí, khí tài nào của Quân đội Nhân dân Việt Nam đang trong trạng thái niêm cất chờ được đưa vào trực chiến, liệu hệ thống tên lửa phòng không SA-6 có nằm trong danh sách trên?

Bản báo của SIPRI từng ghi rõ, trong giai đoạn 1979 - 1980, Việt Nam đã nhận từ Liên Xô tổng cộng 10 hệ thống tên lửa phòng không 2K12 Kvadrat/SA-6A, kèm theo 600 đạn tên lửa đánh chặn 3M9.

Như vậy, khớp các số liệu lại thì SA-6 đã có trong biên chế của Bộ đội Phòng không Việt Nam cùng thời điểm với pháo tự hành ASU-85.

Thời gian qua, việc chúng ta có SA-6 hay không luôn là chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt khi Việt Nam đã công khai các hệ thống tên lửa phòng không tối tân hơn nhiều như S-300PMU-1 hay sắp tới là SPYDER-SR.

Tuy nhiên với sự xuất hiện gây kinh ngạc của ASU-85, những người yêu quân sự có quyền hy vọng rằng trong tương lai không xa, hệ thống tên lửa phòng không di động SA-6 cũng sẽ có màn ra mắt đầy ấn tượng như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại