RPG-29 (Tên định danh NATO: Vampir) là loại súng phóng rocket chống tăng dùng nhiều lần được phòng thiết kế Tula phát triển và chính thức đưa vào trang bị từ năm 1989.
Súng được thiết kế để bắn đạn tamdem PG-29V nhằm tiêu diệt các loại xe tăng, thiết giáp trang bị giáp phản ứng nổ và đạn nhiệt áp TBG-29V để chống lô cốt, công sự.
Súng chống tăng RPG-29 cùng đạn tandem PG-29V
Súng RPG-29 có chiều dài 1.000 mm khi hành quân, 1.850 mm ở tư thế sẵn sàng bắn; cỡ nòng 105 mm; trọng lượng 12,1 kg. Bên cạnh thước ngắm cơ khí, súng còn được tích hợp kính ngắm 1P38 có độ phóng đại 2,7 lần hoặc kính nhìn đêm 1PN51-2.
Đầu đạn PG-29V cỡ 65/105 mm; trọng lượng 4,5 kg; tầm bắn hiệu quả 500 m; sơ tốc 280 m/s; sức xuyên 750 mm thép sau giáp phản ứng nổ, 1.500 mm tường gạch, 3.700 mm đất đá.
Kíp chiến đấu của RPG-29 gồm 2 người, khi hành quân súng được tháo rời làm 2 phần, cơ cấu điểm hỏa khác với các dòng RPG trước đây khi quả đạn được kích hoạt thông qua cò súng gắn sát tay cầm.
Một chiếc xe tăng Abrams bị tiêu diệt bởi RPG-29
Vào ngày 20/10/1999, các thử nghiệm về khả năng phòng vệ của T80U và T90S trước một số mối đe dọa được tiến hành tại trường bắn TsNIIO 643a - Nga.
Trong cuộc thử nghiệm này, khi bắn vào giáp trước của xe tăng T-80U và T-90S trong trường hợp có và không có giáp phản ứng nổ (ERA), kết quả như sau:
Với 3 loại đạn rocket chống tăng gồm PG-7VR (xuyên được 650 mm giáp đồng nhất), PG-26 (xuyên được 500 mm giáp đồng nhất) và PG-29V:
T-90 không có ERA bị PG-29V bắn thủng 3 lần. Không một loại đạn RPG nào khác bắn thủng nổi dù mục tiêu không có ERA.
T-80U bị PG-29V bắn thủng 3 lần trong trường hợp có ERA và cả 5 lần không có ERA. Ngoài ra chỉ có 1 lần PG-7VR xuyên được mục tiêu không có ERA.
Với 3 loại tên lửa chống tăng (ATGM) gồm Malyutka-2 (xuyên được 600 mm giáp đồng nhất), Konkurs (xuyên được 650 mm giáp đồng nhất) và Kornet (xuyên được 1.200 mm giáp đồng nhất):
T-90: Không một ATGM nào xuyên nổi mục tiêu có trang bị ERA. Chỉ một phát Kornet xuyên được mục tiêu không có ERA, kết quả này cho thấy thực tế Kornet còn thua xa PG-29V (xuyên được 3 lần).
T-80U: 2 quả Kornet xuyên được mục tiêu có ERA, toàn bộ 5 phát bắn vào mục tiêu không có ERA đều xuyên được. Ngoài ra, không một loại ATGM nào khác xuyên nổi. Kết quả trên của Kornet vẫn kém PG-29V.
Như vậy, kết quả thử nghiệm cho thấy RPG-29 tỏ ra là thứ vũ khí diệt tăng uy lực nhất, vượt xa các loại ATGM đời cũ và có phần còn trội hơn cả loại ATGM hiện đại nhất của Nga hiện nay là Kornet.
Thực tế chiến trường tại Iraq và Libanon cũng ghi nhận rất nhiều xe tăng M1 Abrams của Mỹ hay Merkava của Israel đã trở thành nạn nhân của RPG-29.
Đại tướng Phùng Quang Thanh tham quan các sản phẩm của Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng. Ảnh: Quân đội nhân dân
Trong một phóng sự đăng trên báo Quân đội nhân dân về việc Đại tướng Phùng Quang Thanh đến kiểm tra, tham quan các sản phẩm khoa học - công nghệ trưng bày và trình diễn báo cáo tại Trung tâm Huấn luyện Miếu Môn đã xuất hiện hình ảnh của súng RPG-29.
Ống phóng màu vàng chính là RPG-29, quả đạn thứ 3 từ ngoài vào là đạn xuyên giáp PG-29V. Điều đáng chú ý ở đây là các loại vũ khí được triển lãm đều do công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất.
Như vậy chúng ta có thể đi tới nhận định: Việt Nam đã được phía Nga chuyển giao công nghệ sản xuất súng chống tăng RPG-29.
Việc tự chủ được loại vũ khí chống tăng đẳng cấp này sẽ cho phép Quân đội Việt Nam vô hiệu hóa mọi mối đe dọa từ lực lượng tăng thiết giáp đối phương, đảm bảo giữ vững chủ quyền tổ quốc.