S-300PMU1 - Lá chắn thép bảo vệ bầu trời
Sáng 16-12-2013, tại huyện Long Thành, Đồng Nai, Đoàn tên lửa 93, Sư đoàn phòng không 367 Anh hùng đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc nâng cấp Đoàn tên lửa 93 lên Trung đoàn tên lửa 93 và đón nhận Quân kỳ Quyết thắng.
Tại buổi lễ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thọ, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho Trung đoàn tên lửa 93.
Như vậy, bên cạnh Trung đoàn tên lửa 64, Trung đoàn tên lửa 93 là đơn vị thứ 2 thuộc Quân chủng PK-KQ đang được trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không (TLPK) di động đa kênh S-300PMU1 thuộc loại hiện đại nhất thế giới.
Theo Catalogue giới thiệu về các loại vũ khí thế hệ mới của Nga do Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport (Nga) ấn hành, thì S-300PMU1 xứng đáng là lá chắn thép bảo vệ bầu trời. Cụ thể:
Hệ thống TLPK di động đa kênh S-300PMU1 được thiết kế cho nhiệm vụ phòng chống các cuộc tiến công đường không ồ ạt ở mọi độ cao và tốc độ chiến đấu, cũng như hoạt động chế áp điện tử mạnh của các loại phương tiện chiến đấu đường không hiện tại và thế hệ mới.
S-300PMU1 có khả năng tiêu diệt máy bay chiến đấu các loại, vũ khí tấn công tầng thấp, tên lửa hành trình chiến lược, các loại tên lửa đường đạn chiến thuật, chiến thuật - chiến dịch hay tên lửa đường đạn hoạt động trong tầng khí quyển.
Hệ thống tên lửa phòng không di động đa kênh S-300PMU1 là loại vũ khí phòng không tầm xa, có khả năng tác chiến độc lập hay tác chiến hiệp đồng trong đội hình phòng không hợp thành thông qua các hệ thống khí tài chỉ huy đồng bộ 83M6E.
Nhờ ứng dụng các khí tài kết nối tiên tiến tương thích với các hệ thống nhận diện bảo mật mặt đất và khí tài thông tin liên lạc của các cấp chỉ huy chiến đấu, S-300PMU1 có khả năng thích ứng và hoà nhập nhanh chóng trong mọi hệ thống phòng không quốc gia.
Hệ thống S-300PMU1 cùng khí tài chỉ huy đồng bộ 83M6E có thể được nâng cấp theo chuẩn của hệ thống phòng không S-300PMU2 Favorit theo yêu cầu của khách hàng.
Cấu hình cơ bản của hệ thống S-300PMU1 gồm: tới 12 xe bệ phóng tự hành; 1 xe đài điều khiển bắn và chỉ thị mục tiêu đa kênh 30N6E1; 1 xe đài nhìn vòng mọi độ cao 96L6E; đài nhìn vòng bắt thấp 76N6; khí tài bảo đảm chiến đấu và khí tài phục vụ chiến đấu khác.
Đặc biệt, S-300PMU1 có thể tích hợp thêm xe tháp anten 40V6M để nâng các loại radar 96L6E/76N6 lên độ cao tới 40m, giúp tăng cự ly phát hiện mục tiêu, đặc biệt là các mục tiêu bay thấp, đánh lén.
Ngoài ra, tổ hợp có thể được cung cấp kèm theo bộ khí tài mô phỏng chiến đấu ALTEK-300 nhằm phục vụ huấn luyện các kíp trắc thủ vận hành hệ thống chỉ huy đồng bộ 83M6E và bộ khí tài chiến đấu của hệ thống tên lửa S-300PMU1.
Tổ hợp TLPK S-300PMU1 của Trung đoàn tên lửa phòng không 93 triển khai huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Phòng Chính trị Sư đoàn phòng không 367.
Bộ đội tên lửa phòng không được huấn luyện rất bài bản
Trong phóng sự truyền hình về Học viện PK-KQ trên chuyên mục Media của Báo QĐND điện tử cho thấy các học viên sĩ quan đang được giới thiệu tổ hợp tên lửa S-300 với cấu hình cơ bản, có đầy đủ khí tài theo biên chế chuẩn của bộ đội tên lửa S-300 của Nga.
Một điểm rất đặc biệt, các học viên sĩ quan tên lửa phòng không tương lai đã được làm quen với radar bắt thấp 76N6 với mật danh Clam Shell do khối NATO đặt. Vậy loại radar này có gì đặc biệt?
76N6 là đài radar bắt thấp chuyên nhiệm được dùng để phát hiện từ xa các mục tiêu bay thấp và siêu thấp nhằm cung cấp đủ 3 tham số với sai số rất nhỏ, giúp các tổ hợp tên lửa S-300 kịp thời phản ứng và phóng đạn tiêu diệt chúng.
Theo công bố của Tổ hợp LEMZ - nhà sản xuất loại radar này, khi đặt trên tháp 40V6M cao 28m, 76N6 có khả năng phát hiện các loại mục tiêu bay ở độ cao 500m từ cự ly 90km hoặc bay ở độ cao 1.000m từ cự ly 120km.
76N6 là khắc tinh của các mục tiêu có diện tích phản xạ radar thấp tới 0,02m2 như các loại máy bay tàng hình, tên lửa hành trình, máy bay không người lái,... Ngoài ra, nó cũng có khả năng kháng triệt nhiễu cực tốt, giúp đối phó với mọi loại khí tài gây nhiễu của đối phương.
Học viện PK-KQ huấn luyện kíp chiến đấu tổ hợp TLPK S-300PMU1 với đầy đủ vũ khí, trang bị, trong đó có đài radar phát hiện máy bay bay thấp 76N6. Nguồn: Quân đội nhân dân.
Việc được học đầy đủ các vũ khí, khí tài theo tiêu chuẩn của các đơn vị TLPK S-300 Nga cho thấy Học viện PK-KQ chuẩn bị tài liệu huấn luyện hết sức chu đáo, bài bản, giúp các học viên nắm chắc mọi trang bị để ứng dụng vào thực tế chiến đấu sau này.
Từ đó, với sự sáng tạo và nghệ thuật tác chiến phòng không đỉnh cao của Việt Nam, trong bất kỳ tình huống nào, dù được trang bị đủ hoặc tùy biến cấu hình, các kíp chiến đấu tên lửa S-300PMU1 vẫn đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong chuyến thăm, kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Đoàn Tên lửa phòng không 64, một trong 2 đơn vị được trang bị tên lửa S-300PMU1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng và biểu dương, đánh giá cao lực lượng phòng không không quân.
S-300PMU1 của Việt Nam có trang bị radar 76N6?
Trên thực tế, radar 76N6 chỉ là một khí tài tùy chọn thêm chứ không phải là khí tài cơ hữu của tổ hợp TLPK di động đa kênh S-300PMU1. Việc không có 76N6 thì tổ hợp TLPK hiện đại này vẫn có khả năng chiến đấu và phát huy tối đa tính năng vốn có của mình.
Dù vậy, nếu có radar 76N6 thì tổ hợp TLPK S-300PMU1 như có thêm "đôi mắt" thứ hai bên cạnh "đôi mắt" nhìn vòng mọi độ cao 96L6E.
Tuy nhiên, dù có trong chương trình giảng dạy, nhưng S-300PMU1 của Việt Nam không được trang bị loại radar bắt thấp 76N6 mà chỉ dùng radar 96L6E là đài cảnh giới nhìn vòng duy nhất. Tại sao vậy?
Radar cảnh giới nhìn vòng mọi độ cao 96L6E của tổ hợp tên lửa S-300PMU1.
Thứ nhất, radar 96L6E là loại cực hiện đại, nó thậm chí là trang bị tiêu chuẩn của tổ hợp TLPK thế hệ mới S-400 Triumf, cũng đủ khả năng phát hiện các mục tiêu bay thấp, có diện tích phản xạ radar nhỏ bao gồm cả các phương tiện bay sử dụng công nghệ tàng hình.
Bằng việc ứng dụng công nghệ băng rộng và biến tần đa dạng, đài có thể phát hiện chính xác và hiệu quả với mức độ hoang báo thấp các mục tiêu bay ở mọi độ cao, kể cả bay cực thấp phía trên rừng cây hoặc bay bám theo địa hình trong điều kiện bị chế áp điện tử mạnh.
Thứ hai, S-300PMU1 chủ yếu dùng để đánh các mục tiêu chiến lược là máy bay tàng hình, máy bay trinh sát gây nhiễu điện tử, máy bay cảnh báo sớm, tiếp dầu trên không của đối phương. Chỉ có diệt các mục tiêu này mới làm kẻ địch chùn bước.
Thứ ba, Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới radar cảnh giới trên không hoàn chỉnh nên nhiệm vụ bắt thấp có thể phân cho các đài cảnh giới bắt thấp đa nhiệm khác trong mạng như Kasta-2E2, 36D6M1 hay RV-02,... nên không cần sắm thêm 76N6 cho tổ hợp S-300PMU1.
Nhờ đó, tối ưu hóa được tính năng chiến đấu và hiệu quả kinh tế (tiết kiệm) theo đúng phong cách và nghệ thuật tác chiến phòng không của QĐND Việt Nam, mà vẫn đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "Không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không".